Ba thế hệ... một trái tim!

01/02/2025 - 07:25

 - Theo thầy Trần Quang Xuyên, giáo dục truyền thống trong gia đình không chỉ bằng “khẩu giáo” (giáo dục miệng), mà còn phải bằng “thân giáo” (cách sống của chính mình). Không riêng gì gia đình tam đại đồng đường, chỉ cần cha mẹ mẫu mực, con cháu sẽ thảo hiền!

Sợi dây “thiêng liêng”- gia đình

Trong một gia đình 3 thế hệ, tình cảm gia đình chính là sợi dây liên kết bền chặt các thành viên. Ông bà, với kinh nghiệm sống phong phú, là người kể chuyện, kho tàng tri thức vô giá. Những câu chuyện xưa, bài học về đạo đức được kể lại mỗi tối, không chỉ giúp con cháu hiểu biết thêm về truyền thống gia đình mà còn nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

Cha mẹ, với vai trò là cầu nối giữa các thế hệ, luôn cố gắng tạo ra một không gian ấm cúng, nơi mọi người có thể sum họp sau những giờ làm việc căng thẳng. Bữa cơm gia đình là dịp để các thành viên chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống, cùng nhau giải quyết những khó khăn. Những chuyến đi chơi chung, buổi tiệc gia đình trở thành những kỷ niệm đẹp, in sâu trong tâm trí mỗi người. Con cháu, với sự năng động, sáng tạo, là những mầm non xanh tươi của gia đình luôn mang đến những niềm vui mới, góc nhìn tươi trẻ.

Hiếu học là truyền thống trong gia đình “tam đại đồng đường” của thầy Xuyên

Gia đình, 2 tiếng thân thương ấy đã đi vào tâm thức của mỗi người. Từ thuở ấu thơ, chúng ta được nghe mẹ kể về những câu chuyện cổ tích, được ông bà ru những bài hát. Những kỷ niệm đẹp ấy đã in sâu vào tâm trí, trở thành hành trang quý giá trong suốt cuộc đời. “Xã hội hiện đại, khi nhịp sống ngày càng hối hả, gia đình ba thế hệ mang nét đẹp gia phong lễ giáo, không phải dễ tìm thấy ở bất kỳ đâu. Hình ảnh ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần bên nhau trong những bữa cơm gia đình, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn là minh chứng rõ nét nhất cho tình cảm thiêng liêng ấy. Tôi cũng là gia đình ba thế hệ, nên rất quý điều đó” - cô Nguyễn Thị Loan (57 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) nhận định.

“Tam đại đồng đường”

Nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS Định Mỹ (xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn), thầy Trần Quang Xuyên (sinh năm 1956) vẫn miệt mài góp sức cho sự nghiệp giáo dục địa phương khi tham gia Hội Cựu giáo chức xã Định Mỹ và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Khuyến học - Khuyến tài Trường THCS Định Mỹ.

“Năm 2022, Trường THCS Định Mỹ công bố Quỹ Khuyến học - Khuyến tài đạt hơn 1 tỷ đồng. Nhiều năm qua, quỹ đã trao học bổng hàng trăm học sinh, sinh viên đại học (từng học tập tại trường) từ nguồn lãi kết dư hàng năm và khen thưởng giáo viên, học sinh đạt thành tích xuất sắc trong các hoạt động dạy học, đồng thời hỗ trợ sách giáo khoa, mua bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn” - thầy Xuyên tự hào chia sẻ.

Ở tuổi đáng lẽ phải gác lại bộn bề công việc, thảnh thơi an hưởng những ngày vui bên con cháu, thầy Xuyên vẫn miệt mài cống hiến, làm những việc có ích cho xã hội. Và theo người thầy tóc đã bạc màu sương gió ấy, truyền thống hiếu học là “kim chỉ nam” trong gia đình 3 thế hệ của mình. “Sinh ra trong gia đình làm nông với nhiều khó khăn, tôi hiểu rõ giá trị của việc học hành đến nơi đến chốn. Vợ tôi cũng từng là giáo viên, nay cũng là hội viên Hội Cựu giáo chức xã Định Mỹ. Chúng tôi luôn tâm niệm, phải giáo dục con cái truyền thống hiếu học bên cạnh: Nhân - lễ - nghĩa - trí - tín. Tôi rất vui, vì cả 3 người con của mình hiện đều công tác trong ngành giáo dục” - thầy Xuyên tâm sự.

Việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống không chỉ giúp gia đình thêm gắn kết mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày nay, việc giữ gìn những giá trị truyền thống trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu mỗi thành viên trong gia đình đều ý thức được tầm quan trọng của việc này, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức để gìn giữ những tinh hoa của dân tộc.

Là người “giữ lửa” trong gia đình, giúp thắt chặt tình cảm cha - con, ông - cháu, bà Đặng Ngọc Yến (70 tuổi, vợ thầy Xuyên) bật mí, bữa cơm gia đình là một trong những “bí quyết” thắt chặt tình cảm các thành viên, nhất là gia đình ba thế hệ. Thế nên, mỗi ngày, bà đều chăm chút kỹ lưỡng từng bữa cơm cho các thành viên.

“Không cần phải là “sơn hào hải vị”, chỉ đơn giản là nấu những món chồng, con thích, nhìn cả gia đình hòa thuận trong giờ cơm, tôi thấy hạnh phúc vô cùng! Tôi cho rằng, cha mẹ gương mẫu thì con cháu sẽ noi theo. Vì vậy, vợ chồng tôi thống nhất trong việc giáo dục con cháu. Ngày nay, nhiều nàng dâu trẻ ngại sống chung với cha mẹ chồng vì nhiều nguyên nhân. Song, mẹ chồng và nàng dâu trong gia đình tôi rất hiểu ý nhau nên chưa bao giờ to tiếng. Những gì không hài lòng, tôi thường nói riêng và nhắc khéo để các con tự điều chỉnh, giúp gia đình êm ấm” - bà Ngọc Yến chia sẻ kinh nghiệm.

Giá trị trường tồn

Tuy nhiên, việc xây dựng và duy trì một gia đình ba thế hệ hạnh phúc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sự khác biệt về quan điểm sống giữa các thế hệ, áp lực công việc, cuộc sống hiện đại, sự ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai là những khó khăn mà nhiều gia đình đang phải đối mặt.

Để giải quyết những vấn đề này, các thành viên trong gia đình cần có sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Ông bà cần biết cách thích nghi với cuộc sống hiện đại, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, con cháu cần biết lắng nghe và chia sẻ với ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động chung, cùng nhau tham gia các hoạt động gia đình cũng là cách hiệu quả để tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Dù hiện chỉ sống cùng gia đình người con trai út, nhưng nếp nhà, nét truyền thống trong gia đình thầy Xuyên vẫn được giữ gìn qua việc gia đình các con luôn tề tựu đông đủ những dịp lễ, giỗ ông bà hay Tết. “Tôi nghĩ, công việc thường nhật đã kéo các con xa nhà nên mỗi khi có dịp, tôi đều nhắc nhở con mình dành thời gian về nhà thờ tổ, nơi mình đã sinh ra và trưởng thành. Lúc đó, anh em tề tựu, con cháu quây quần bên ông bà, những khó khăn, vất vả cuộc sống sẽ được xoa dịu bởi nụ cười của các thành viên trong gia đình” - thầy Xuyên tâm đắc. 

Qua câu chuyện của gia đình thầy Xuyên, chúng ta nhận ra rằng, gia đình không chỉ là nơi để trở về mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, bệ phóng để mỗi người vươn xa. Trong cuộc sống hiện đại, hãy cùng nhau gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để gia đình luôn là tổ ấm hạnh phúc, nơi nuôi dưỡng những tâm hồn cao đẹp.

Có người cho rằng: “Hạnh phúc là có một nơi để trở về và có những người thân thương gọi nhau là gia đình”. Gia đình, từ bao đời nay, luôn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và là điểm tựa vững chắc cho mỗi người. Trong xã hội hiện đại, khi nhịp sống ngày càng hối hả, gia đình 3 thế hệ vẫn giữ được sức hút đặc biệt.

PHƯƠNG LAN