Bắc Giang: Choáng ngợp những vườn cây “đẻ” tiền tỷ ở Lục Ngạn, thì ra là nhờ cây làm giàu này

22/02/2021 - 08:43

Những năm gần đây, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, từ chỗ nhà nhà trồng vải thiều thì nay, Lục Ngạn đã dần trở thành "thủ phủ" cây có múi ở miền Bắc, với những vườn cam, bưởi trồng theo hướng hàng hóa, thâm canh cao.

Từ đây, nhiều vườn cây ăn quả cho thu nhập tiền tỷ xuất hiện ngày càng nhiều.

Chuyển đổi đúng hướng, bội thu mùa quả

Năm 2020 có thể nói là một năm gặt hái nhiều thắng lợi đối với những người trồng cây ăn quả ở Lục Ngạn, khi vừa bội thu vụ vải thiều, giá bán ổn định lại vừa thắng lớn vụ cam, bưởi cuối năm. Những ngày này, nếu có dịp đến Lục Ngạn chắc hẳn ai cũng bị choáng ngợp trong những vườn cam, bưởi đang vào độ chín rộ, mùi thơm thoang thoảng cả một vùng đồi gò rộng lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác thăm vườn bưởi hữu cơ tại xã Thanh Hải. Ảnh: Trịnh Lan

Gia đình ông Trần Đình Én, bà Vũ Thị Phượng (thôn Tân Trường, xã Thanh Hải, Lục Ngạn) có hơn 1ha chủ yếu trồng bưởi. Năm 2008, thời điểm mà quả vải thiều vẫn rất giá trị, tiêu thụ dễ dàng thì vợ chồng ông Én đã quyết định chặt bỏ vải thiều chuyển sang trồng bưởi. "Với tôi, lúc đó là một hướng đi liều lĩnh, bởi vườn vải vẫn đang cho thu quả, nhưng thực tế cho thấy đó là quyết định hoàn toàn đúng đắn" - ông Én tâm sự.

Năm nay, vườn bưởi hơn 600 cây của nhà ông Én cho thu hơn 5 vạn quả, mỗi quả nặng từ 1,5kg trở lên. Bán với giá bình quân 20.000 đồng/kg, gia đình ông có doanh thu hơn tỷ đồng.

10 năm qua, diện tích chuyển đổi cây trồng của Lục Ngạn có sự biến động đáng kể. Cụ thể, năm 2010 cây vải thiều chiếm 18.500ha, hồng Nhân hậu 960ha, nhãn 730ha, diện tích cây có múi 276ha; sản lượng cây có múi năm 2010 ước đạt 567 tấn. Đến năm 2019, diện tích vải thiều giảm còn 15.290ha, hồng Nhân hậu còn 6ha, nhãn tăng lên 825ha, diện tích cây có múi tăng lên 6.740ha.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hữu (ở thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải) cũng cho biết, trồng bưởi bây giờ nhàn hơn trồng vải, thu nhập cũng khá nhưng lúc đầu rất vất vả. Mảnh đất này, trước đây gia đình anh trồng vải thiều đã nhiều năm, có cây đã ngoài 20 năm tuổi. Khi anh quyết định chặt bỏ vải thiều, ai cũng tiếc xen lẫn lo lắng. 

"Vải là cây truyền thống của địa phương nhưng tôi thấy thu hoạch vất vả quá mà giá cả lên xuống thất thường, những lúc chín rộ hái không kịp. Khi đó, lên mạng xem nông dân miền Nam trồng bưởi rất khấm khá mà thu hoạch lại đơn giản nên tôi quyết định chuyển đổi" - anh Hữu nói.

Bây giờ, gia đình anh đang có hơn 9ha trồng cây có múi, trong đó chủ yếu là bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi đào và cam. Trong vài năm gần đây, mỗi năm gia đình anh thu hoạch được khoảng 200 tấn bưởi, năm nào mất mùa thì cũng thu được hơn 100 tấn và toàn bộ diện tích bưởi đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. 

Ngay năm đầu tiên bưởi cho quả, gia đình anh đã có doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Sau khi vườn bưởi cho quả ổn định thì doanh thu tăng lên hơn 3 tỷ đồng, trừ đi các chi phí, gia đình anh lãi trên dưới 1,5 tỷ đồng/năm.

Cây làm giàu

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang, nếu cây vải thiều được huyện xác định là cây xóa đói giảm nghèo ở huyện Lục Ngạn thì cây cam, bưởi phải khẳng định là cây làm giàu. 

Bắt đầu manh nha ở đất Bắc Giang từ năm 2005, cây cam, bưởi phát triển mạnh tại địa bàn vào giai đoạn 2013 - 2019. Nhờ được giá (năm nay, nhiều vườn cam chất lượng bán được với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, bưởi từ 20.000 - 22.000 đồng/quả), nhiều nông dân ở huyện Lục Ngạn đã trở thành tỷ phú, có doanh thu từ 3 - 4 tỷ đồng là chuyện bình thường.

Vườn cam đường Canh trồng theo hướng hữu cơ của gia đình chị Lâm Thị Phương, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho sản lượng khoảng 120 tấn/năm, doanh thu 5-6 tỷ đồng. Ảnh: M.N

Điển hình như vườn cam đường Canh trồng theo hướng hữu cơ của gia đình chị Lâm Thị Phương (ở thôn Trại Ba, xã Quý Sơn), năm nào đến mùa thu hoạch cũng được thương lái săn đón. Trong vườn cam nhà chị, những cây cam được chăm sóc cẩn thận nên chi chít quả, mẫu mã đẹp và đồng đều, ăn ngọt nước nên thương lái đang trả giá tại vườn 50.000 đồng/kg.

Chị Phương cho biết, với 2ha đất, chị trồng 1.000 cây cam đường Canh, trong đó 700 cây đang cho quả. Năm nay vườn cam nhà chị được mùa, sản lượng ước tính đạt 120 tấn, doanh thu ước tính khoảng 5-6 tỷ đồng. 

Để có vườn cam ra nhiều trái, đều quả và đẹp mắt như hiện tại, gia đình chị không sử dụng phân bón hoá học mà 100% cây cam trong vườn được "ăn" phân chuồng đã ủ hoai mục. Những ngày áp Tết Nguyên đán Tân Sửu, chị Phương phải thuê khoảng 40 - 50 người để thu hoạch cam mới kịp giao cho thương lái đưa đi tiêu thụ. 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Lục Ngạn, mỗi năm, cây cam, bưởi mang về tổng giá trị từ 1,7 - 2,2 nghìn tỷ đồng cho người dân Lục Ngạn. Hiện toàn huyện có gần 28.000ha cây ăn quả các loại, trở thành một trong những vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc...

Năm nay, bên cạnh việc cung ứng ra thị trường khoảng 63.000 tấn quả, nhiều nhà vườn ở huyện Lục Ngạn còn cung cấp cho người tiêu dùng và du khách thập phương một sản phẩm mới mang tên "Du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi". Toàn huyện có 30 nhà vườn được UBND huyện chọn để đưa vào tour du lịch nhà vườn trong mùa vụ năm nay.

Đặc biệt là mùa bưởi năm 2020, lần đầu tiên có 3,6 vạn quả bưởi đào đường ở Lục Ngạn đã được xuất khẩu sang Nga. Đây cũng là những lô hàng bưởi đầu tiên của Bắc Giang xuất sang thị trường này.

Trong chuyến thăm vườn cây ăn quả ở Lục Ngạn và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Bắc Giang là một trong những địa phương tiên phong trong việc xác định và khai thác tốt lợi thế sản phẩm cấp tỉnh; đa dạng hóa cây trồng chứ không phụ thuộc vào một vài loại cây nào.

Thời gian tới, để việc phát triển cây ăn quả đạt hiệu quả cao và bền vững hơn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bắc Giang cần khai thác lợi thế, phát triển cây ăn quả gắn với 3 trục sản phẩm chủ lực: Sản phẩm quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương. 

Theo đó cần tuân thủ 3 nguyên tắc: Tiếp tục ứng dụng công nghệ cao nhất, phù hợp với những đối tượng, quy mô sản xuất và trình độ canh tác của từng nơi.

Thứ hai, tổ chức sản xuất theo chuỗi hàng hóa. Dù quy mô ở cấp độ nào cũng phải gắn bó chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu cho đến khâu tập trung chế biến, thị trường có như vậy mới thành một thể liên hoàn để khai thác giá trị mà không vấp phải câu chuyện được mùa, rớt giá.

Thứ 3, trên cơ sở xác định được cây con đối tượng sản xuất lợi thế thì phải tập trung bằng các nhóm giải pháp từ cơ chế, chính sách khuyến khích, kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất. 

Theo Dân Việt