
Ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí
Thời gian qua, huyện Thoại Sơn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ chính sách hỗ trợ đến việc tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp nông dân tiếp cận và làm chủ công nghệ mới. Mục tiêu là giúp nông dân thích ứng với nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập.
Hệ thống tưới tiêu tự động đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều nông dân Thoại Sơn, minh chứng cho sự chuyển đổi tư duy sản xuất. Công nghệ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nông sản, tiết kiệm nước và chi phí, mà còn cho phép kiểm soát chặt chẽ quy trình thu hoạch, đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp xanh và bền vững. Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Văn Phương, nông dân xã Mỹ Phú Đông.
Vườn thanh nhãn 2ha của anh Phương đã sử dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm có điều khiển từ xa gần 5 năm. Với 4 liếp đôi dài 460m, rộng 9m và 3 mương rộng 6m, vườn được trồng theo hàng đôi, cây cách cây 5m. Hệ thống tưới phun này kết hợp bộ châm phân tự động đã mang lại hiệu quả vượt trội. “Lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm trên vườn cây thanh nhãn giúp tiết kiệm 80% chi phí nhiên liệu, điện, giảm 75% thời gian tưới và 1/3 số lần tưới; giảm 50% công lao động và tiền công tưới”. Những con số này không chỉ cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, mà còn khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ trong việc giải phóng sức lao động” - anh Phương chia sẻ.
Trên những cánh đồng lúa xanh mướt của Thoại Sơn, một cuộc “cách mạng” thầm lặng đang diễn ra. Nông dân nơi đây đang dần làm quen và ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất lúa. Nếu như trước đây, việc làm lúa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sức người, các công đoạn từ làm đất, gieo sạ, bón phân đến thu hoạch đều rất vất vả và năng suất không ổn định; giờ đây, với sự tiếp cận các mô hình ứng dụng công nghệ cao như máy cấy, máy phun thuốc tự động, các công đoạn gieo trồng, chăm sóc cây trồng của người nông dân đã nhẹ nhàng hơn nhiều. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nhân công, phân bón, mà còn làm tăng năng suất một cách rõ rệt.
Không chỉ dừng lại ở cây trồng, công nghệ cao còn được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi. Anh Lê Minh Tuấn (sinh năm 1989, ngụ ấp Trung Bình, xã Thoại Giang) là điển hình với mô hình nuôi thỏ New Zealand thành công. Năm 2023, anh Tuấn đã nhận được hỗ trợ 50 triệu đồng từ ngành nông nghiệp thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để phát triển mô hình nuôi thỏ New Zealand ứng dụng công nghệ phun sương bằng thiết bị cảm biến.
Anh Phan Đình Vũ, cán bộ khuyến nông xã Thoại Giang thông tin: “Đặc tính của thỏ là không chịu nước, nên chuồng trại lúc nào cũng phải khô ráo. Chuồng thỏ lợp tole. Mỗi khi bộ phận cảm biến đo được nhiệt độ trong chuồng tăng cao, thì hệ thống phun sương đặt trên mái sẽ tự bật, làm mát không gian chuồng nuôi”. Công nghệ này đã giúp anh Tuấn kiểm soát môi trường chuồng nuôi hiệu quả, đảm bảo sức khỏe đàn thỏ và nâng cao năng suất.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thoại Giang Huỳnh Thanh Hiếu chia sẻ: “Địa phương có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Trồng mít Thái, nuôi cá lóc trong bể bạt, vườn thanh nhãn, vườn sầu riêng… Chúng tôi đang định hướng các chủ vườn tham gia đánh giá phân hạng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) để tăng giá trị, góp phần phát triển kinh tế, tạo ra thương hiệu đặc trưng”.
Những thành công bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp ở huyện Thoại Sơn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, hướng đến một nền nông nghiệp thông minh, hiệu quả và bền vững.
PHƯƠNG LAN