Thói quen canh tác lúa của gia đình anh Đoàn buộc phải thay đổi, khi mấy héc-ta đất sản xuất dần kém hiệu quả và chuyển đổi cây trồng là điều tất yếu. Nhưng chuyển đổi sang trồng cây gì mới là bài toán cần giải. Xứ Vĩnh Hòa này thường xuyên chìm trong nước lũ mùa mưa, lại nhiễm phèn nhẹ. Xung quanh anh Đoàn, nông dân ưa chuộng trồng nhãn, xoài, tạo nên đặc sản địa phương. Nhưng anh không muốn đi theo lối mòn sẵn có, không muốn bám víu vào những cây trái quen thuộc, làm nặng gánh thêm thị trường vốn sắp bão hòa.
“Một lần đọc sách, tôi biết thông tin về cây lồng mứt (còn gọi là sa-pô-chê, hồng xiêm) có tính dược, dùng vào một số bài thuốc y học cổ truyền. Cây dễ trồng, chịu được nước ngập, nước phèn, rất phù hợp thổ nhưỡng nơi đây. Bản thân lại thích ăn loại trái cây này, nên tôi quyết định tìm mua, trồng thử 60 - 70 gốc lồng mứt Mexico vào năm 2018” - anh Đoàn nhớ lại.

Anh Đoàn bên “thành quả” của mình
“Vạn sự khởi đầu nan”, lúc mới bắt đầu, anh gặp khó khăn đủ bề. Không nắm rõ quy trình kỹ thuật, không ai chia sẻ, chưa “làm quen” với loại cây mới, anh loay hoay suốt 2 năm đầu. Khó tới đâu, anh hỏi tới đó. Hỏi từ người đã từng trồng, hỏi đến cán bộ kỹ thuật, đi xa ngó nghiêng vườn cây của nông dân khác… Đến khi những trái chín đầu tiên xuất hiện, anh mới thở phào nhẹ nhõm: “Lúc này, tôi cơ bản biết rõ nhịp sinh học của cây. Sau 3 năm trồng, cây cho trái bắt mắt về hình thức, ngon về khẩu vị, tốt về năng suất, gần như không chê được điểm nào. Đặc biệt, đầu ra rất ổn định”.
Với anh, loại cây này “đẻ ra tiền”, rất ít khi mắc sâu bệnh, đỡ tốn chi phí phân thuốc. Anh ủ phân cá - những loại cá vô mùa nước giá rẻ - khắp vườn, làm nguồn dinh dưỡng hữu cơ bón cho cây. Anh chọn trồng cây bằng nhánh chiết, vừa nhanh có trái, vừa tạo rễ chùm ăn ngang bám đất. Cây chịu được thời tiết bất lợi, do tán xòe ngang, ít đổ ngã. Nhưng anh Đoàn vẫn cẩn thận úp đất vào gốc để giữ cây, tỉa cành thoáng mát.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn, anh tự hào chỉ vào những cây con lúp xúp, cao chưa tới đầu người, nhưng trái oằn cả nhánh. Những cây “trưởng thành”, trái chi chít từ thấp lên cao, nhìn hoa cả mắt. Từ tháng 11 âm lịch đến sau Tết Nguyên đán, vườn lồng mứt trĩu quả, thơm lừng. Cứ 8 - 9 tháng sẽ có lứa chín, hết lứa này đến lứa khác xoay vòng, nên hầu như quanh năm, cả gia đình anh ra vườn thu hoạch. Cây chừng 3 - 4 tuổi, sẽ cho trung bình 50kg trái/mùa. Cây từ 4 - 5 tuổi, cho 100kg trái. Còn cây trên 5 năm tuổi, sai trái 200kg/mùa. Mỗi ngày có khi bẻ được 100kg trái, anh bán lẻ cho sạp trái cây từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Thị trường miền Bắc ưa chuộng loại 4 trái/kg, giá 35.000 đồng, có bao nhiêu tranh nhau mua hết.

Trái chưa chín sẽ có vỏ cám sần sùi

Cây 1 - 2 năm tuổi cũng cho trái oằn nhánh
Ăn trái thấy ngon, bà con xung quanh “xúi” anh làm cây giống, nhân rộng ra thị trường. Anh thấy mình đủ khả năng, nên cặm cụi chiết cành, ươm cây. Cành chiết phải từ cây đã cho trái chất lượng, chọn cành ngoài cùng, cân đối… Suốt 4 - 5 tháng mới xong một mẻ ươm. Anh làm liên tục, mỗi năm, cung cấp từ 4.000 - 5.000 cây giống cho thị trường. Mua tại vườn, giá 70.000 đồng/cây, còn vận chuyển đi xa thì cộng thêm 5.000 - 10.000 đồng, tùy khoảng cách. Không “mua đứt bán đoạn”, anh kết nối người mua vào nhóm Zalo, hướng dẫn kỹ thuật cặn kẽ cho họ. Dần dần, giống cây anh dày công chăm chút đã vươn xa khắp ĐBSCL, từ Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long… Trong thị xã thì có Tân Thạnh, Vĩnh Xương…
“Tính đến thời điểm này, tôi có hơn 100 đầu mối mua bán cây giống khắp ĐBSCL, 3 - 4 trang trại lớn quan tâm xây dựng dự án. Lợi nhuận từ vườn nhà giúp tôi không còn lo lắng về kinh tế gia đình, cũng là động lực để tôi chuyển sang những bước tiếp theo. Tôi mong muốn liên kết rộng rãi, vận động bà con thành lập vùng trồng lớn vài ngàn cây, đủ sức đáp ứng nhu cầu chế biến sâu, tạo thương hiệu đạt chuẩn xuất khẩu. Nếu trồng nhỏ lẻ theo hộ gia đình, dù có ngon đến mức nào, vẫn không thể tạo thành thương hiệu, được công nhận về mặt kỹ thuật, chỉ có thể bán ra chợ. Bán lẻ thì gặp thương lái ép giá, nông dân lợi nhuận không được nhiều” - anh Đoàn trăn trở.
Bằng tất cả tâm huyết của một người trẻ vùng quê, bằng những minh chứng thực tế từ vườn cây mình đã trồng được, anh Đoàn nhẫn nại thành lập nhóm, website quảng bá, hy vọng một ngày nào đó, cơ duyên sẽ đến, giúp anh hiện thực hóa ước mơ đưa lồng mứt xứ mình ra thị trường rộng lớn. Chắc chắn, hành trình còn nhiều khó khăn, thử thách phía trước. Nhưng anh Đoàn vẫn giữ chặt niềm tin vào bản thân, vào cây lồng mứt ngọt ngào, vào xu thế làm nông hiện đại.
GIA KHÁNH