Phát huy thế mạnh nông nghiệp An Giang

26/05/2025 - 05:00

 - Trong bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu, nông nghiệp An Giang tập trung mục tiêu phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với thị trường xuất khẩu. Ngành nông nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng ổn định, giữ vai trò "bệ đỡ" của ngành kinh tế; lúa gạo và cá tra, rau màu đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp đã giữ vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế

Từ năm 2014, An Giang đã là tỉnh đứng đầu về cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL về số lượng máy gặt và máy sấy lúa, có 2.131 máy gặt đập liên hợp với khả năng thu hoạch 98% diện tích lúa và 2.544 máy sấy lúa các loại. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đạt sản lượng lúa hơn 4 triệu tấn/năm, năng suất lúa bình quân ổn định từ 6,2 - 6,4 tấn/ha, góp phần khẳng định vị thế của An Giang trong ngành lúa gạo.

Mối liên kết với doanh nghiệp cũng được nâng tầm thành mô hình “Cánh đồng lớn”. Cùng hàng loạt các chương trình trọng điểm được hoạch định và được nông dân hưởng ứng, như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Công nghệ sinh thái”. Các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được áp dụng rộng rãi, đến nay có trên 600 hộ. Đàn bò phát triển nhanh nhờ kết hợp tận dụng phụ phẩm trồng bắp thu trái non hợp đồng với Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Hiệp cho biết: “Tỉnh chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Về trồng trọt, thực hiện chuyển đổi linh hoạt đất lúa hiệu quả thấp sang các đối tượng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, nuôi trồng thủy sản và tăng diện tích lúa chất lượng cao. Ưu tiên các hoạt động sản xuất có ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại và ít hao phí nguồn tài nguyên. Nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất nông nghiệp, giữ ổn định diện tích đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với quy mô lớn đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường xuất khẩu, gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cao. Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, quản lý theo mã vùng, mã code sản phẩm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng các vùng sản xuất theo hướng có kiểm soát tốt dư lượng và các nguồn gây phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, các tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia và quốc tế, thực hiện tốt việc cấp và quản lý mã số vùng trồng.

Về chăn nuôi, chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang phương thức chăn nuôi trang trại, theo hướng tập trung, ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến. Về thủy sản, xúc tiến xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra xuất khẩu. Xây dựng các vùng nuôi có đăng ký mã số nuôi trồng và chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng (GAP, ASC, BAP…) cho các đối tượng sản phẩm thủy sản chủ lực của tỉnh gắn với cụm ngành công nghiệp chế biến thủy sản tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thực phẩm chức năng. Tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản thủy đạt 500 triệu USD, tăng gấp 2 lần giá trị kim ngạch so năm 2020. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh thông qua các phiên chợ, kết nối giao thương, mở rộng và đa dạng các kênh phân phối...

Đến nay, nhiều công trình thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông thôn được tỉnh đầu tư, tiêu biểu: Xây dựng hệ thống kênh thoát lũ ra biển Tây T4, T5, T6  và các đập cao su Tha La, Trà Sư giúp ngăn lũ đầu mùa bảo vệ lúa hè thu. Nhờ đó, đến năm 2000, tổng diện tích gieo trồng đạt 508.196ha, lúa 3 vụ 21.000ha, năng suất lúa bình quân 5,58 tấn/ha/vụ, sản lượng lúa gần 2,380 triệu tấn. Từ năm 1990, An Giang đã xuất khẩu cá basa phi-lê chính thức sang Mỹ với số lượng lớn và mở rộng sang Châu Âu. Năm 1997, sinh sản nhân tạo cá basa thành công lần đầu tiên tại An Giang. Đến năm 1999, quy trình sinh sản nhân tạo cá tra thành công đã mở ra bức phá ngoạn mục về việc phát triển số lượng lồng bè nuôi cá tra, basa và diện tích nuôi cá tra trong ao phục vụ xuất khẩu. 

An Giang còn là tỉnh thành lập Chương trình phát triển nông thôn sớm nhất cả nước. Hộ nông dân được xác định là đơn vị kinh tế tự chủ; được giao quyền sử dụng đất đã năng động, sáng tạo và mạnh dạn đầu tư sản xuất. Với cơ chế đổi mới, năm 1988 mở ra tăng vụ đầu tiên 1.700ha ở xã Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành); Vĩnh Khánh, Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn), rồi trở thành phong trào mạnh mẽ làm cho cả vùng Tứ giác Long Xuyên như một nông trường sôi động. Năm 1989, sản lượng lúa của tỉnh lần đầu 1 triệu tấn và bắt đầu xuất khẩu gạo, duy trì thành quả đến nay.

HẠNH CHÂU