
Tiêm vaccine cho cá tra giống, hướng đi tạo sự phát triển bền vững của ngành cá tra
Chưa như mong đợi
Toàn tỉnh hiện có 534 cơ sở ương dưỡng cá tra giống với diện tích khoảng 750ha, sản lượng giống đạt trên 3 tỷ con/năm. Tuy nhiên, chỉ có 4/100 hộ nuôi khảo sát thực hiện tiêm vaccine cho cá tra giống. Đây là tỷ lệ rất thấp, cho thấy việc ứng dụng giải pháp này vẫn còn xa lạ với phần lớn nông hộ. “Tiêm vaccine phòng bệnh cho cá giống là xu hướng bắt buộc trong bối cảnh siết chặt các tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, thiếu vaccine và vấn đề chi phí vẫn là rào cản lớn với đa số hộ nuôi” - ThS. Trần Anh Dũng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh nhìn nhận.
Theo khảo sát từ Hiệp hội Thủy sản An Giang, các hộ nuôi tham gia tiêm vaccine được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa ngư dân - doanh nghiệp thông qua chuỗi liên kết với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn.
Dù được hỗ trợ 4.000 đồng/kg cá giống so với giá thị trường, nhưng người nuôi vẫn phải đối mặt với tỷ lệ hao hụt cao sau tiêm (từ 5% đến 40%), đặc biệt khi thời tiết bất lợi. Ông Trần Vũ Em, hộ nuôi tại xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn), chia sẻ: “Hạn chế sau khi tiêm vaccine xong là cá dễ bị thối vây, xây xát, sốc môi trường... cá hao hụt nhiều. Dù được mua giá cao hơn, nhưng tính ra vẫn không có lời, chưa kể nếu kéo dài thời gian nuôi thì chi phí sẽ đội lên đáng kể…”
Ông Nguyễn Quang Vinh, đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rõ chất lượng cá giống tiêm vaccine tốt hơn, tỷ lệ sống cao hơn, ít bệnh gan, thận mủ. Tuy nhiên, công nghệ vaccine là hiện đại nhưng hiệu quả chưa cao. Chúng tôi ghi nhận đề xuất của ngư dân về giá bán và size cá giống khi tiến hành tiêm vaccine. Công ty sẽ nghiên cứu thêm trong việc hỗ trợ cơ sở sản xuất giống các chi phí phát sinh, cũng như giá cả hợp lý hơn”.
Thực tế cho thấy, dù đã có những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nuôi trong sản xuất cá tra giống có tiêm vaccine (điển hình là 15ha nuôi hợp tác giữa Chi hội nghề nuôi thủy sản Phú Thuận với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn) nhưng đây chỉ là phần rất nhỏ so với diện tích và sản lượng giống toàn tỉnh.
“Chúng ta đang đối mặt với áp lực từ các thị trường xuất khẩu lớn, đòi hỏi sản phẩm cá tra không tồn dư kháng sinh, an toàn thực phẩm tuyệt đối. Do đó, tiêm vaccine cần được nhìn nhận là chiến lược dài hạn, cần sự hỗ trợ chính sách, tài chính và tập huấn kỹ thuật cho người nuôi” - ông Lê Trung Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh, nhận định.
Định hướng tới
Để đẩy mạnh việc sử dụng vaccine trong nuôi cá tra giống, ngư dân, doanh nghiệp rất mong muốn có sự can thiệp từ chính sách Nhà nước. “Nhà nước cần có giải pháp tổng thể về chính sách hỗ trợ cho các bên tham gia như chương trình tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trước đây. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm, hướng dẫn chăm sóc sau tiêm và tiếp tục xây dựng mô hình điểm để người nuôi thấy hiệu quả thực tế” - ông Trần Vũ Em, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn) kiến nghị.
Trong bối cảnh ngành cá tra Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hạn chế kháng sinh, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng khắt khe từ thị trường Mỹ, Châu Âu, thì vaccine chính là “chốt chặn” bảo vệ đầu vào của chuỗi sản xuất.
“Nếu muốn giảm kháng sinh, tăng tỷ lệ sống, giảm rủi ro dịch bệnh và nâng chất lượng sản phẩm thì tiêm vaccine cho cá giống là tất yếu. Nhưng để làm được điều này, cần một chiến lược quốc gia, xem việc tiêm vaccine là đầu tư dài hạn, không chỉ là chi phí ” - Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, chia sẻ.
Để ngành cá tra phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, việc thúc đẩy ứng dụng vaccine trong chăn nuôi cá giống cần sự vào cuộc đồng bộ từ Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.
“Tiêm vaccine cho cá tra giống là xu thế, nhưng không thể thành công nếu chỉ kỳ vọng vào người nuôi. Bài toán này cần sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ chính sách, vốn, quy hoạch vùng sản xuất giống, khuyến nông kỹ thuật. Nhà khoa học cải tiến công nghệ vaccine, giảm hao hụt sau tiêm. Doanh nghiệp đảm bảo đầu ra, chia sẻ rủi ro, minh bạch trong liên kết chuỗi. Chỉ khi 3 bên cùng nhìn về một hướng, vaccine cho cá tra giống mới thật sự trở thành một phần tất yếu của ngành cá tra Việt Nam” - ông Lê Trung Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh nhận định. |
MINH HIỂN