Đường vào khu kinh tế Khuổi Già của gia đình anh Vi Hoàng Sơn (thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) ngoằn ngoèo như chú chăn luồn trong rừng rậm, một bên là núi cao, một bên vực sâu hun hút. Dù đã nghe tiếng chó sủa vọng vách núi ngay gần trước mặt, mà đi mãi vẫn chưa thấy khu lán trại đâu.
Khách đến thăm mô hình và mua mật ong tại nơi anh Vi Hồng Sơn (thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) đang thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp. (Ảnh: Chiến Hoàng)
Cô bạn đi cùng chúng tôi bảo, sắp đến rồi, quen chân thì thấy nhanh, lần đầu mới đi đúng là có phần xót ruột thật. Lúc này trời cũng đã về chiều, bóng núi đổ vào nhau khiến con đường trở nên thâm u, rờn rợn.
Qua khỏi một khúc quành, chúng tôi cũng chạm mặt cửa lán, Vi Hoàng Sơn đang lụi cụi bên đống vật tư vừa khuân dưới nhà lên, đàn chó thấy khách lạ lao ra nhe nanh dọa khiến cô bạn đi cùng tái mặt.
Khu vực lán nơi anh Vi Hồng Sơn ở trông coi để thực hiện mô hình trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi tại thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Chiến Hoàng)
Anh Sơn cười bảo, trên này núi cao phải nuôi nhiều chó, vừa giữ nhà vừa đuổi rắn rết, cáo chồn và chuột. Rồi anh nhiệt tình dẫn chúng tôi tham quan cánh rừng anh đã kỳ công chăm sóc, giới thiệu tỉ mỉ từng loại cây anh trồng.
Theo anh Sơn, tại cánh rừng Khuổi Già này anh có khoảng 1400 cây hồng không hạt Bắc Kạn, 50 cây "mác cọt" (quả giống quả lê nhưng chát và có vị đậm hơn - PV), ngoài ra còn có các loài cây ăn quả khác như cây cam, quýt, mận, cây lê…
Quả mác cọt tại cánh rừng thuộc thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn là loại quả đang rất được người tiêu dùng địa phương ưa chuộng. (Ảnh Chiến Hoàng)
"Tôi đã lên đây ở từ nhiều năm rồi, phần lớn cây trồng đã cho thu hoạch, vất vả thì có vất vả thật nhưng cứ nhìn thành quả ngày hôm nay lại phấn chấn tinh thần lắm.
Hiện cây hồng không hạt Bắc Kạn đang có 800 cây cho thu hoạch, mỗi năm cũng được khoảng 20 tấn quả; cây cam, quýt cho sản lượng trung bình mỗi năm 40 tấn; 50 cây mác cọt, cho thu khoảng 4,5 tấn.
Với cây mác cọt, mấy năm trước chủ yếu tôi bán quả tươi với giá 15.000đ/kg, tuy nhiên tiến tới, chúng tôi sẽ chế biến đóng hộp để bán", anh Sơn cho biết thêm.
Một góc rừng trồng cây hồng không hạt Bắc Kạn tại cánh rừng Khuổi Già thuộc thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn nơi anh Sơn đang thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp. (Ảnh: Chiến Hoàng).
Ngoài việc trồng các loại cây ăn quả đang có đầu ra ổn định, anh Vi Hoàng Sơn còn nuôi hơn 30 đàn ong mật, cho thu khoảng 150 lít mật mỗi năm, bên cạnh đó anh cho biết anh cũng vừa vào thêm đàn lợn 80 con.
Theo anh Sơn, toàn bộ số tiền đầu tư vào cánh rừng Khuổi Già chủ yếu từ tích lũy và vay thêm người thân. Mong muốn lớn nhất của anh hiện nay là tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nào đó để mở rộng quy mô sản xuất cũng như xây dựng các nhà xưởng để chế biến và phân loại sản phẩm.
"Ngày trước bố mẹ tôi cũng đã thực hiện mô hình trồng cây ăn quả, khi đó chủ yếu là trồng cây cam, quýt và cây mơ trên diện tích hơn 1ha. Sau khi tiếp nhận và triển khai mở rộng quy mô tôi đã lựa chọn thêm nhiều giống cây ăn quả khác, kết hợp với chăn nuôi.
Trừ các chi phí, mô hình kinh tế tổng hợp này cũng cho thu khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Hướng tới, tôi sẽ tập trung phát triển HTX cây ăn quả Hiệp Lực. Tổng diện tích đất rừng tôi được giao là 28ha, hiện mới phát triển được trên 8ha, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô thêm nữa", anh Vi Hồng Sơn chia sẻ.
Anh Vi Hồng Sơn thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn khi chia sẻ về mô hình kinh tế tổng hợp cùng phóng viên. (Ảnh: Chiến Hoàng)
Được biết anh Vi Hồng Sơn là kỹ sư nông nghiệp, sau khi cầm bằng tốt nghiệp, anh đã không lựa chọn trở thành công chức nhà nước mà quyết định bám rừng để thực hiện ước mơ làm giàu trên chính quê hương mình từ những tri thức có được ở trường.
Nhìn cánh rừng lút mắt với những cây hồng, cây cam, cây mác cọt trĩu quả đủ thấy, để có được thành quả như ngày hôm nay thật không hề đơn giản, bởi Khuổi Già phần lớn là rừng rậm, đồi núi có độ dốc cao, vậy nhưng anh đã chinh phục thành công "vùng đất khó" ấy bằng chính nỗ lực và khát vọng làm giàu của mình.
Trao đổi với PV, bà Vũ Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của hội viên Vi Hồng Sơn rất hiệu quả, anh Sơn cũng là người thực hiện mô hình trên diện tích đất rừng gần như lớn nhất trong huyện.
"Hội viên Vi Hồng Sơn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Hiệp Lực, có bằng kỹ sư nông nghiệp, do đó thực hiện mô hình trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi rất bài bản và quy mô.
Thêm nữa, hội viên Vi Hồng Sơn cũng có nền tảng là vườn cam, quýt của bố mẹ để lại. Trên cơ sở kế thừa, phát huy những gì đã có, anh Sơn đã mở rộng quy mô, trồng thêm nhiều giống cây có hiệu quả kinh tế khác và trở thành một điển hình của huyện trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình", Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngân Sơn cho biết thêm.
Theo CHIẾN HOÀNG (Dân Việt)