Coi trọng phát huy nội lực
Bắc Kạn có lợi thế, tiềm năng lớn về nông, lâm nghiệp (NLN), với tổng diện tích hơn 413 nghìn ha đất lâm nghiệp, hơn 44 nghìn ha đất nông nghiệp, cộng với lượng nước mặt ước tính hơn 3,4 tỷ m3/năm đã hội đủ điều kiện cơ bản để phát triển các vùng NLN. Tháng 4/2016, lần đầu tiên, Ðảng bộ tỉnh Bắc Kạn ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường. Từ nghị quyết, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch, cơ chế hỗ trợ.
Những năm gần đây, trong phát triển NLN, Bắc Kạn rất chú trọng tới liên kết bốn nhà. Khoa học công nghệ (KHCN) được xác định là nền móng cơ bản. Giám đốc Sở KHCN Ðỗ Thị Hiền cho biết, Bắc Kạn lấy lĩnh vực NLN làm trọng tâm nghiên cứu, ứng dụng theo phương châm chọn, đặt hàng, xét duyệt chặt chẽ, có quy chế ứng dụng, nhân rộng. Lựa chọn các hợp tác xã, nhóm hộ, tổ hợp tác cùng tham gia nghiên cứu, ứng dụng để họ có thể áp dụng được ngay. Tỉnh cũng chỉ đạo nghiên cứu KHCN bám sát đề xuất của địa phương theo hướng liên kết sản xuất, chuỗi giá trị.
Bắc Kạn thí điểm xây dựng mô hình nông nghiệp gắn với du lịch tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông từ năm 2021. Trong ảnh: Người dân thôn Phiêng An thu hoạch chè.
Từ năm 2016 đến 2020, Bắc Kạn đã chuyển giao khoa học kỹ thuật theo Chương trình 135 và 30a cho sáu xã với 14 lớp tập huấn cho 750 nông dân; tổ chức 21 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân; hướng dẫn, chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm cho 15 mô hình. Tỉnh đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng thực hiện hơn 20 dự án KHCN trong lĩnh vực NLN gắn với sản xuất nông sản, đặc sản. Thông qua các đề tài, dự án, Bắc Kạn có sáu sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, gồm: Gạo Bao thai Chợ Ðồn, miến dong, cam, quýt, gạo nếp Khẩu nua Lếch, hồng không hạt. Bắc Kạn đã có 131 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó, miến dong Tài Hoan và Nano curcumin Bắc Hà đang hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm cấp quốc gia. Có hơn 120 sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhiều sản phẩm có mặt ở thị trường các thành phố lớn, như: Gạo nếp Khẩu nua Lếch, cucurmin nghệ, miến dong... So với mục tiêu chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, số lượng sản phẩm OCOP đã thực hiện vượt 65 sản phẩm, đạt hơn 262% kế hoạch. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, sau khi được công nhận đã có bước phát triển mạnh. Qua đánh giá, có khoảng 54% tổ chức kinh tế tăng doanh thu từ 1,2 đến 1,4 lần. Có 27% doanh nghiệp tăng doanh thu từ 1,5 đến hai lần và gần 20% số doanh nghiệp có doanh thu gấp hơn hai lần.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bắc Kạn, sau 5 năm, cơ bản các mục tiêu của nghị quyết đều đạt và vượt, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết, giá trị sản xuất được nâng lên rõ rệt. Bắc Kạn trở thành điểm sáng trong phát triển lâm nghiệp và thực hiện chương trình mỗi làng xã một sản phẩm (OCOP). Tỉnh trồng mới được hơn 32 nghìn ha rừng, trong đó có hơn 17 nghìn ha rừng gỗ lớn, có gần 1.000 ha rừng có chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, giá trị gia tăng trong sản xuất thấp, quy mô vẫn nhỏ, lẻ, thiếu ổn định, chậm phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản... đang đặt ra những bài toán mới để phát triển bền vững.
Phát triển chiều sâu
Tháng 2/2021, lần đầu tiên Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến vào định hướng phát triển NLN theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phương Thị Thanh cho biết, mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng thẳng thắn nhìn nhận, phát triển NLN ở Bắc Kạn mới chỉ theo chiều rộng. Tổ chức hội thảo khoa học để nhận sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia sẽ giúp Ðảng bộ ban hành nghị quyết đúng, trúng.
Vấn đề được Ðảng bộ tỉnh thẳng thắn nhìn nhận là dù có 100 nghìn ha rừng trồng nhưng Bắc Kạn lại không phải là hình mẫu về trồng rừng, giá trị kinh tế từ rừng còn thấp. Cần trồng rừng gỗ lớn và thu hút công nghiệp chế biến; cần phải tiến tới sản xuất hàng hóa các sản phẩm OCOP theo cả hai hướng "làm ít, bán đắt" và "làm nhiều, bán rẻ" tùy vào từng sản phẩm. Phải tập trung gỡ ba điểm nghẽn là chưa có nguồn giống chất lượng cao, liên kết sản xuất rời rạc và phổ biến, ứng dụng, nhân rộng kỹ thuật KHCN còn chậm.
Tháng 3/2021, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Bắc Kạn ban hành nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo tập trung phát triển ngành nông nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy nền kinh tế; khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế sẵn có. Hướng chủ đạo được xác định là phát triển sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường, mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao, đổi mới quan hệ sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị. Ðiểm mới nữa là việc Bắc Kạn xác định phát triển NLN gắn với hoạt động du lịch, tạo kênh tiêu thụ sản phẩm đặc sản, hữu cơ.
Ba trục sản phẩm chủ chốt được Bắc Kạn xác định trong giai đoạn tới, gồm: trục sản phẩm quốc gia, trục sản phẩm địa phương và trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu. Trục sản phẩm quốc gia tập trung phát triển sản phẩm gỗ, chế biến gỗ và vùng nguyên liệu dược liệu với mục tiêu duy trì 100 nghìn ha rừng, trồng mới 550 ha dược liệu. Trục sản phẩm địa phương tập trung trồng 800 đến 1.000 ha dong riềng, chế biến thành phẩm 4.800 tấn miến/năm; có 7.000 ha cây ăn quả, 25 trang trại chăn nuôi. Trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu tập trung các cây có giá trị cao, như: Rau, củ, quả, nấm, gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo… Các trục sản phẩm được phát triển thông qua các chuỗi liên kết lớn theo ngành hàng đã xác định.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phương Thị Thanh cho biết thêm, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những mục tiêu phát triển NLN, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Theo TUẤN SƠN (Báo Nhân Dân)