Bởi trong bệnh COVID-19, hầu hết thuốc F0 được cho sử dụng là để điều trị triệu chứng (thuốc hạ sốt, trị ho, trị tiêu chảy...) hoặc điều trị biến chứng (kháng đông, kháng viêm, kháng sinh). Còn để khỏi COVID-19, vẫn là cơ thể phải tự chiến đấu và tự khỏi bệnh. Nếu có thuốc kháng virus, cũng chỉ hỗ trợ một phần.
Sức đề kháng của cơ thể như là một lực lượng không ngừng đấu tranh với virus SARS-CoV-2 sinh sôi trong các tế bào. Nếu cơ thể khỏe sẽ có sức đề kháng mạnh, có thêm sự hỗ trợ của vắc-xin, thì cơ thể có cơ hội giữ thế cân bằng với virus ngay cả trong giai đoạn toàn phát và bản thân trở thành một F0 không có triệu chứng.
Triệu chứng chỉ xảy ra khi đội quân đề kháng cơ thể suy yếu, càng yếu thì virus càng tấn công dữ, triệu chứng càng nặng. Ngược lại nếu sức đề kháng mạnh, dần lấn át được virus, thì sẽ khỏi bệnh.
Những yếu tố làm giảm sức đề kháng đó là không ngủ đủ, tinh thần không tốt, nạp không đủ năng lượng, ù lì không vận động, uống thiếu nước... Bệnh COVID-19, hay bất kỳ một loại bệnh nào từ nhẹ đến nặng đều đòi hỏi đội quân miễn dịch làm việc cật lực, nên cần bổ sung năng lượng, nghỉ ngơi, tập thể dục để đội quân miễn dịch đủ sức mạnh.
Vì thế F0 không có triệu chứng được khuyến khích duy trì sinh hoạt bình thường, miễn là trong trạng thái tự cách ly. F0 này hoàn toàn có thể đi làm, trong khu cách ly có thể tình nguyện giúp nhân viên y tế chăm sóc các F0 nặng, nếu ở nhà thì chăm sóc các F0 khác có sức khỏe kém hơn.
Nếu F0 có triệu chứng, mệt nhiều thì cũng phải cố ăn uống cho dù mất vị giác, khứu giác. Phải ăn mới có sức để vượt qua, để hết bệnh. Cố vận động vừa sức. Hãy nhớ rằng khi sức đề kháng mình giảm đi, là căn bệnh có nguy cơ tấn công nặng hơn.
Khi triệu chứng đã lui, cần tiếp tục giữ gìn sức khỏe để có sức đề kháng tốt giúp cơ thể mau tống hết số virus còn lại đi, để hoàn toàn âm tính trở về "bình thường mới".
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM)/ Báo Người Lao động