Bác Tôn, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, sáng tạo bất tận

18/08/2023 - 06:48

 - Cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một nhà cách mạng lỗi lạc, một nhân cách lớn - luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật và báo chí.

Những ấn phẩm đặc biệt

Như lời hẹn sắt son, tháng 8 hàng năm, những người làm báo chúng tôi lại tìm đề tài, triển khai chủ đề, chủ điểm tuyên truyền về Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đối với Báo An Giang, tháng 8 càng trở nên ý nghĩa, khi ngày thành lập tờ báo chỉ cách sinh nhật Bác Tôn 1 ngày (Báo An Giang thành lập ngày 19/8/1975).

Vào những dịp kỷ niệm lớn, chúng tôi phát hành số báo đặc biệt, nỗ lực hoàn thành món quà tinh thần dâng tặng Người, cũng là đánh dấu thêm bước trưởng thành của tập thể Báo An Giang trong tiến trình phát triển chung.

Bác Tôn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho văn nghệ sĩ

Ngoài những tác phẩm khắc họa một lần nữa cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, đức tính cao cả của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đội ngũ làm báo luôn đổi mới nội dung tuyên truyền về Bác, chọn những chi tiết nhỏ mà toát lên được chí khí lớn của bậc vĩ nhân. Đó là câu chuyện “Mời Bác Tôn về thăm quê”, ghi nhận lại nỗi nhớ da diết của Bác Tôn khi cách xa quê nhà đằng đẵng đời người, là nỗi thương yêu của xứ sở An Giang đối với người con dành tất cả cho đất nước, cho Nhân dân.

Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên kể về những kỷ vật gắn bó với Bác, như chiếc máy bay đưa Bác từ Hà Nội về Sài Gòn dự đại lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975; chiếc xe đạp Bác vẫn sử dụng khi đã cao tuổi; chiếc cối xay tiêu Bác tặng vợ mình…

Không chỉ gói gọn trong câu chuyện của Bác Tôn, đội ngũ làm báo còn mở rộng tuyên truyền, phản ánh về tình cảm thân thiết giữa Bác Tôn và Bác Hồ; những nhân vật liên quan đến cuộc đời Bác; những thuyết minh viên ở khu lưu niệm; chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm ngày sinh của Bác; cuộc sống đổi thay từng ngày ở cù lao Mỹ Hòa Hưng nói riêng, TP. Long Xuyên và tỉnh An Giang nói chung… Tất cả tạo thành bức tranh tổng thể, đầy màu sắc, đầy lòng tri ân của thế hệ sau đối với người con ưu tú của quê hương An Giang.

Tô điểm hình tượng Người

Bác Tôn là tấm gương sáng ngời về sự khiêm tốn, giản dị và điển hình của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Những dấu mốc thời gian trong cuộc đời Người được tô đậm trong nhiều tư liệu lịch sử, tác phẩm, khắc họa bến đò Ô Môi in dấu chân cậu bé Tôn Đức Thắng mỗi ngày đến trường thuở thiếu thời; chàng thanh niên Tôn Đức Thắng làm thợ tại xưởng máy Ba Son, kiêu hãnh kéo cao lá cờ đỏ trên cột chiến hạm France.

Đặc biệt, chúng ta không thể quên hình ảnh Bác Tôn tham gia cách mạng, bị thực dân Pháp kết án 20 năm tù, lưu đày tại nhà tù Côn Đảo... Tất cả đã tạo nên nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tạo nghệ thuật, văn thơ về vị lãnh tụ kính yêu của đất nước.

“Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh xứ sở/ Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Hắc Hải, Tôn Đức Thắng rạng tiếng non sông” là 2 vế đối súc tích, hào hùng của nhà thơ Hồ Thanh Điền, được khắc tại Nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tuy ngắn gọn nhưng nội dung 2 vế đối đã nêu bật cuộc đời, sự nghiệp cách mạng đầy vinh quang của Bác Tôn.

Thiếu nhi tham quan mô hình nhà sàn Bác Tôn và thích thú với những tác phẩm văn học - nghệ thuật viết về Bác Tôn

Tại đền thờ Bác Tôn, một tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn của giới văn nghệ sĩ tỉnh An Giang: Bức tranh bằng gáo dừa “Bác Tôn và quê hương An Giang” của họa sĩ Bùi Quang Vinh (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật tỉnh), do Công ty Dừa Việt thi công. Tranh có kích thước 4,2m x 3,4m, được tạo nên từ hàng chục ngàn mảnh gáo dừa, đạt kỷ lục Việt Nam.

“Bức tranh được tôi hoàn thành vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chuyển tải thông điệp về truyền thống đấu tranh, sự phát triển, đi lên từng ngày của quê hương. Hình ảnh Bác Tôn được đặt ở góc trên, bên trái bức tranh. Hậu cảnh là dãy Thất Sơn, nơi ghi dấu chiến tích của quân và dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; tiền cảnh là bông lúa và cá basa - thế mạnh phát triển kinh tế của tỉnh. Bức tranh còn thể hiện sự chung sống hòa đồng, đoàn kết của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, thể hiện qua họa tiết kiến trúc đền đài nằm xen lẫn nhau” - họa sĩ Bùi Quang Vinh chia sẻ.

Ngày 22/7/2023, tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Phân hội Âm nhạc phối hợp Ban Quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Hội Văn học - Nghệ thuật TP. Long Xuyên tổ chức Trại sáng tác tổng hợp âm nhạc và văn thơ. Đây là hoạt động nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 135 Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Nội dung tác phẩm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới; ca ngợi gương người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng; khắc sâu hình ảnh Người qua tác phẩm văn học - nghệ thuật. Kết thúc trại, văn nghệ sĩ đã sáng tác được 25 tác phẩm âm nhạc, nhiều bài thơ, văn xuôi, bài ca cổ.

Những công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật của tác giả An Giang góp phần tô điểm thêm hình ảnh kiên trung, bình dị, nhân cách sáng ngời của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Hình tượng bất khuất, yêu nước, thương dân của Bác Tôn sẽ luôn là niềm tự hào, nguồn cảm hứng vô tận cho những người con An Giang, cho giới văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo.

“Giữa Mỹ Hòa Hưng thoảng hương sen xứ Nghệ”

Đó là tên ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trương Bá Trạng (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sáng tác năm 1998, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. “Những hình ảnh cao đẹp của Bác Hồ và Bác Tôn mà tôi được truyền đạt khi còn ngồi trên ghế nhà trường; qua những trang sách, bài báo, phim ảnh… là nguồn chất liệu dồi dào, giúp tôi nuôi dưỡng ý tưởng.

Khi viết ca khúc “Giữa Mỹ Hòa Hưng thoảng hương sen xứ Nghệ”, tôi không suy nghĩ gì cả, cứ như đã thuộc bài hát này lúc nào không biết. Tôi chỉ nhanh chóng ký âm, viết ra giấy mà thôi. Tôi ngồi với cây đàn, tờ giấy nhạc ngả màu, sáng tác 2 tiếng đồng hồ thì hoàn tất” - nhạc sĩ Trương Bá Trạng nhớ lại.

Riêng tựa bài hát, ông có phần đắn đo suy nghĩ. Bởi, đặt tên bài hát dài như thế chưa được chuyên nghiệp. “Ngẫm đi ngẫm lại, tôi vẫn chọn tên “Giữa Mỹ Hòa Hưng thoảng hương sen xứ Nghệ”. Tôi muốn nói lên rằng, giữa Mỹ Hòa Hưng, thấy thật tự hào về Bác Tôn, người đồng chí, người bạn thân thiết, kế tục sự nghiệp của Bác Hồ” - ông Trạng bày tỏ.

Câu hát “Bác Hồ và Bác Tôn, tuy hai như là một. Một tình yêu đất nước, một tình yêu nhân dân” dễ dàng đi vào lòng người, một cách bình dị. Theo tác giả Trương Bá Trạng, về mặt kỹ thuật, bài hát này tương đối khó thể hiện. Người hát phải biết xử lý tác phẩm, đồng thời phải có chất giọng tình cảm, thể hiện rõ lòng tôn kính, cảm phục đối với Bác Tôn. Nhiều học sinh gửi email, nhắn tin muốn xin bài hát, nhạc nền của bài hát để dự thi văn nghệ, nhạc sĩ rất sẵn lòng.

Ông luôn mong muốn người hát thể hiện được tấm lòng của mình đối với Bác Tôn. “Mỗi lần thấy các em trình diễn ca khúc, tôi thật hạnh phúc. Tới đây, tôi ấp ủ dự định một số tác phẩm âm nhạc về Bác Tôn. Tôi cố gắng hoàn thành tác phẩm này vào dịp kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng” - nhạc sĩ Trương Bá Trạng tâm tình.

GIA KHÁNH - PHƯƠNG LAN