Bài toán lao động thời vụ

11/11/2022 - 06:36

 - Những tháng cuối năm, người lao động (NLĐ) chật vật tìm kiếm công việc thời vụ để tăng thu nhập, trong khi chủ cửa hàng kinh doanh, hàng quán “đỏ mắt” tìm lao động. Câu chuyện lệch pha cung - cầu xuất phát từ cả 2 phía, khiến lời giải về bài toán lao động thời vụ càng trở nên khó khăn.

Nhiều lao động ngày càng khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm

Chật vật tìm lao động

Theo thông lệ, những tháng cuối năm là khoảng thời gian thị trường lao động trở nên sôi động bởi nhu cầu tìm kiếm NLĐ trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, làm đẹp, giải trí, mua sắm, nhà hàng, quán ăn tăng cao. Các công việc, như: Nhân viên thị trường, bán hàng, phục vụ nhà hàng, quán cà-phê, nhân viên làm tóc, nhân viên dọn dẹp nhà cửa… luôn hút lượng lao động rất lớn.

Thế nhưng, việc tuyển dụng của các chủ cửa hàng không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi NLĐ đang có nhiều cơ hội việc làm để lựa chọn. Đại diện một quán ăn ở phường Bình Khánh (TP. Long Xuyên) cho biết: “Tuyển dụng nhân viên phục vụ đám tiệc là việc làm thường xuyên của quán. Nhưng gần đây, quán gặp nhiều khó khăn trong tuyển nhân sự từ bếp chính, bếp phụ đến nhân viên phục vụ. Đa phần NLĐ đòi hỏi mức thu nhập cao kèm thêm chế độ đãi ngộ. Trong khi ngành dịch vụ phải gánh vác nhiều chi phí nên không thể đáp ứng mức thu nhập như mong muốn của NLĐ”.

Tương tự, một số quán ăn khác cũng gặp khó trong việc tuyển nhân viên phục vụ bàn, vệ sinh. Chủ quán ăn trên đường Trần Quang Diệu (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết: “Mỗi khi đăng tin tuyển dụng, NLĐ gọi điện trực tiếp đến xin việc rất đông nhưng chỉ quan tâm vấn đề lương mà không chịu đến trực tiếp cơ sở để tìm hiểu công việc, bản thân có đáp ứng được công việc hay không. Có lao động đến xin việc chỉ gắn bó được vài hôm, sau đó tìm đến nơi khác với mong muốn nhận được đồng lương cao hơn. Do vậy, việc tìm nguồn lao động để gắn kết với cơ sở lâu dài hiện nay là rất khó”.

Một chủ tiệm làm đẹp tại khu chung cư Bắc Hà Hoàng Hổ (TP. Long Xuyên) cho hay, thời điểm hiện tại không thể tìm được thợ phụ, do vậy năm nay không dám nhận nhiều khách hàng cùng một lúc. Anh Nguyễn Văn Thanh (chủ cửa tiệm) nói: “Năm trước, tôi cố gắng đào tạo người xin phụ việc, vậy mà đến thời điểm đông khách, lao động bỏ ngang công việc nên chúng tôi phải thường xuyên hủy lịch hẹn của khách. Năm nay, chúng tôi gặp khó trong việc tìm thợ phụ nên vợ chồng phải gồng gánh, trên tinh thần khả năng đến đâu đáp ứng đến đó”.

Thực tế trên cho thấy, lao động "kén việc" là do yêu cầu cao về thu nhập, là lao động đi làm xa từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh trở về nên luôn có tâm lý so sánh mức thu nhập cùng công việc so với nơi khác. Từ đó, xuất hiện tâm lý "nhảy việc" liên tục để tìm được công việc thoải mái với mức lương cao. Điều này gây khó khăn cho chính NLĐ và người sử dụng lao động.

Lao động chật vật tìm việc

Một bộ phận lao động trẻ còn có nhiều cơ hội để đi nhiều nơi, lựa chọn được nhiều công việc nhưng với một số lao động, họ phải chật vật để tìm được việc làm, dẫu là lao động tay chân lại phải tốn kém nhiều chi phí ăn ở, đi lại.

Cô Nguyễn Thị Út (55 tuổi, quê thị trấn Óc Eo, huyệnThoại Sơn) cho biết: “Bao năm nay tôi làm mướn quanh nhà, vậy mà giờ đây công việc ở quê ít dần, mức thù lao không đảm bảo chi phí sinh hoạt cho gia đình nên tôi phải đến TP. Long Xuyên thuê phòng trọ để xin làm nhân viên vệ sinh, rửa chén thuê cho các quán ăn, nhà hàng. Mặc dù tôi đã rất cố gắng nhưng phần vì tuổi tác ngày càng lớn, không đủ sức khỏe như những lao động trẻ nên thỉnh thoảng bị chủ cơ sở từ chối khéo”.

Một số quán ăn vì kinh doanh thua lỗ nhiều tháng liền, đành sang quán, do vậy một số lao động (nhân viên phục vụ bàn, vệ sinh, phụ bếp, thu ngân, bảo vệ) phải liên tục tìm việc nơi khác.

Chị Huỳnh Ngọc Tuyền (ngụ xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Tôi vừa xin vào 1 quán ăn làm phục vụ bàn, thế nhưng chỉ hơn 1 tháng, quán đã thông báo đóng cửa. Tôi đành lên mạng tìm thông tin việc làm khác, chủ động liên hệ, đến phỏng vấn với hy vọng tìm được nơi làm ổn định. Chỉ còn 2 tháng nữa đến Tết, nếu không có việc làm thì không biết lấy gì để chăm lo cho gia đình”.

Vấn đề chủ cơ sở khó khăn khi tìm lao động, lao động cũng không dễ dàng tìm việc là bài toán khó. Đặc biệt, vào những tháng cuối năm, khi một số cơ sở, doanh nghiệp đang thu hẹp hoạt động sản xuất, nhiều công nhân không còn bám trụ với việc làm ổn định hiện nay. Họ đang có xu hướng trở về quê nhà tìm đến các công việc thời vụ, lao động giản đơn hơn. Do vậy, mức độ cạnh tranh trong nhóm lao động thời vụ ngày càng tăng.

Tuy nhiên, một vấn đề hiện nay các chủ cơ sở, quán cà-phê, quán ăn nhận ra rằng, quá thiếu những lao động có tính kiên trì, thạo việc, nhiệt tình. Một bộ phận lao động trẻ ngày nay không mang lại hiệu quả làm việc cao, khi gặp những vấn đề khó khăn từ khách hàng hay chủ góp ý, không biết cách giải quyết vấn đề, không có tinh thần cầu thị để hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn trong nhóm ngành thương mại, dịch vụ.

Trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, việc làm ngày càng ít dần trong khi số lao động thất nghiệp ngày càng tăng. Do vậy, để có được việc làm ổn định, đòi hỏi NLĐ phải có sự thay đổi về tư duy, khả năng thích ứng với đa dạng công việc, không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực, kỹ năng công việc, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

 NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích