Những năm trước, nhiều lao động tại các tỉnh miền núi phía bắc xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới làm các công việc giản đơn để mưu sinh. Hai năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác quản lý xuất, nhập cảnh được siết chặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Ngành lao động - thương binh và xã hội các tỉnh đã phối hợp chính quyền địa phương đề ra nhiều giải pháp tạo việc làm cho số lao động này.
Phiên chợ giới thiệu việc làm
Thời gian trước do thiếu việc làm, Giàng Seo Pao, sinh năm 1990, người dân tộc Mông ở thôn Hoàng Phì Chày, xã Tả Ngải Chồ, huyện vùng cao biên giới Mường Khương (Lào Cai) theo mọi người sang Trung Quốc làm thuê những công việc giản đơn như đào hố trồng chuối, hoặc phát cỏ đồi cao-su, đào kênh mương dẫn nước…, được chủ nuôi ăn và trả công khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Pao tâm sự, công việc vất vả, nặng nhọc và luôn lo sợ bị bắt, bị phạt, bị đuổi về nước; bản thân thì bị “vắt” sức lao động, con cái và ruộng nương ở nhà bị bỏ bê. Dịch Covid-19 bùng phát, tháng 3/2021, Pao trở về địa phương. Hết thời gian cách ly y tế, Pao ở nhà làm ruộng nương, chăn nuôi. Khi Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai vào tận xã giới thiệu việc làm và tuyển công nhân, Pao và năm thanh niên khác trong xã đăng ký tham gia và được giới thiệu làm việc ở một công ty sản xuất máy văn phòng tại tỉnh Hải Dương. Tháng 8, Pao được nhận 8 triệu đồng tháng lương đầu tiên, tháng 9 được 9,7 triệu đồng. Thấy công việc không nặng nhọc, thu nhập ổn định, Pao rủ vợ đi làm cùng, nhờ ông bà ở quê trông nom các con một thời gian, rồi tính tiếp.
Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao xã Hua Nà (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương. Ảnh: TRẦN TUẤN
Theo ông Giàng Sín Phủ, Bí thư Đảng ủy xã Tả Ngải Chồ, do cuộc sống khó khăn cho nên thời gian qua, xã có 270 người đi lao động tự phát ở bên kia biên giới. Để giúp người dân trong xã có việc làm, lãnh đạo xã liên hệ với Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh tổ chức phiên chợ giới thiệu việc làm ngay tại xã. “Qua phiên đầu tiên vào tháng 7/2021, có sáu lao động được nhận đi làm. Thấy những người đi làm, có điều kiện làm việc tốt, thu nhập khá, những người trong xã tin và nghe theo. Trong tháng 8 và 9 có thêm 70 người tìm được việc làm”.
Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Lào Cai có hơn 4.000 lao động tự phát trở về quê, cùng với đó là hàng nghìn lao động đi làm tại các tỉnh phía nam trở về đã gây áp lực rất lớn về việc làm và thu nhập để bảo đảm đời sống ở địa phương. Theo ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai, từ đầu năm 2020 đến nay, khoảng 700 vị trí việc làm được kết nối thành công thông qua gần 60 phiên giới thiệu; 65% trong số đó dành cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập tối thiểu hằng tháng của mỗi lao động vào khoảng 7 - 8 triệu đồng. Ngoài cơ hội việc làm tại doanh nghiệp trong tỉnh, nhiều vị trí việc làm được bố trí tại doanh nghiệp lớn ở các tỉnh khác như Tổng công ty khoáng sản Vinacomin, Công ty Brother Việt Nam, Công ty Tinh Lợi Hải Dương, Công ty Gerniza Hải Phòng…, Hằng năm, tỉnh bổ sung từ nguồn ngân sách tỉnh vào nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động vay vốn. Tính đến nay, tổng nguồn vốn cho vay Quỹ quốc gia việc làm là 333 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương là 65 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 120 tỷ đồng; huy động từ các nguồn khác là 148 tỷ đồng). Trong năm 2020 - 2021, Quỹ đã cho vay hơn 200 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
Huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) dù không phải là huyện biên giới, song là địa phương có số lao động tự phát sang bên kia biên giới làm thuê cao nhất tỉnh Lai Châu, với 1.330 người. Trong đợt dịch vừa qua, số công dân này cùng với số công nhân từ các tỉnh phía nam trở về đặt ra những yêu cầu bức thiết về việc làm. Đồng chí Trần Quang Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết huyện đã chỉ đạo các xã rà soát lại lực lượng lao động hiện có của từng xã, số lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh để giới thiệu tham gia tuần kết nối lao động việc làm do tỉnh tổ chức. Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã tạo việc làm mới cho hơn 1.200 lao động. Trong đó có 50 người có việc làm từ chương trình vay vốn tạo việc làm của ngân hàng chính sách xã hội. Hơn 300 người có việc làm sau đào tạo nghề, gần 300 người có việc làm từ những chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp tại địa bàn huyện và hơn 600 lượt lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, công ty trong cả nước. Tỉnh Lai Châu đã tổ chức Tuần hỗ trợ kết nối việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Qua đó, có gần 600 lao động trúng tuyển vào làm việc tại doanh nghiệp ở địa phương với nhiều ngành, nghề như: Xây dựng, thủy điện, trồng, chăm sóc mắc-ca, khai thác mủ cao-su, làm việc trong nhà máy chè…
Năm 2020, tỉnh Yên Bái phát hiện 88 vụ, 158 trường hợp xuất cảnh trái phép trở về địa phương. Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trấn Yên Nguyễn Quang Trung cho biết, để tạo việc làm cho người lao động, ngoài việc giải phóng mặt bằng nhanh cho khu công nghiệp trên địa bàn, huyện tăng cường tuyên truyền, định hướng cho người dân lựa chọn nghề, việc làm phù hợp điều kiện thực tế. Huyện khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, điều tra nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, từ đó giới thiệu các đơn vị có nhu cầu cung ứng lao động tuyển chọn đi làm việc ngoài tỉnh.
Cần những giải pháp căn cơ
Ngoài những giải pháp nhằm tạo việc làm cho lao động hồi hương, để tạo việc làm bền vững cho lao động là người dân tộc thiểu số, cần đổi mới công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Đinh Văn Thơ, để thu hút thanh niên, người lao động học nghề, các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề ở địa phương cử giáo viên xuống tận thôn, xã phối hợp chính quyền địa phương để tuyển sinh và tổ chức lớp học nghề ngay tại địa bàn. Các cơ sở giáo dục, dạy nghề không chỉ tập trung vào các ngành sản xuất truyền thống như: kỹ thuật trồng và khai thác rừng trồng, chế biến lâm sản, trồng rau an toàn, mà còn hướng tới phát triển các lĩnh vực ngành nghề mới như du lịch cộng đồng, kỹ thuật xây dựng… Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái Lê Văn Lương cho biết, tỉnh phối hợp các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh tổ chức các chương trình tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục liên kết với Công ty Lắp đặt điện nước Tây Hồ (Hà Nội), Công ty TNHH Samsung, Công ty TNHH Canon, chuỗi nhà hàng, khách sạn, để đưa học viên tới thực tập, kiến tập. Qua đó, những lao động đáp ứng yêu cầu về trình độ được giới thiệu tới làm việc tại các doanh nghiệp, hoặc tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch. Theo ông Nùng Văn Nim, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, từ đó phục hồi thị trường lao động; bố trí nguồn lực và chỉ đạo các tổ chức dịch vụ việc làm trên địa bàn thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, thông tin người tìm việc; mở thêm nhiều phiên giao dịch việc làm, đặc biệt là các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Tỉnh Lào Cai hiện có 10 xã đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo rất cao (hơn 60%), do kinh tế chậm phát triển, người dân thiếu việc làm và thu nhập không ổn định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung cho biết, tỉnh tăng cường, luân chuyển cán bộ có phẩm chất, năng lực chuyên môn tốt, có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nông, lâm nghiệp và phát triển sản xuất về công tác tại 10 xã này; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ lao động các xã. Đồng thời, ưu tiên, bổ sung nguồn vốn vay tạo việc làm cho các xã nghèo để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình được vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động...
Nhiều lao động dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, vào làm việc tại Nhà máy ván dán xuất khẩu Bảo Yên (Lào Cai), có thu nhập ổn định. Ảnh: QUỐC HỒNG
Theo Báo Nhân Dân