EURO 2024 đã trôi qua 48 trận đấu để tìm ra 4 đội tuyển hàng đầu châu Âu tranh chức vô địch: Tây Ban Nha, Pháp, Anh và Hà Lan.
Hành trình của Tây Ban Nha ấn tượng hơn tất cả, khi thầy trò Luis de la Fuente tiến vào bán kết với thành tích toàn thắng cả 5 trận.
Đây cũng là chuỗi chiến thắng dài nhất của một đội trong lịch sử một kỳ EURO, ngang với thành tích của Pháp năm 1984 và Italy cách năm 3 năm (tính trong 120 phút).
Pháp và Italy đều vô địch vào các thời điểm đó. Điều này làm tăng thêm động lực để Tây Ban Nha hướng đến chiến thắng ở Berlin cuối tuần này.
Nếu đăng quang vào rạng sáng 15/7, "La Roja" sẽ lập kỷ lục khác: đội đầu tiên trong lịch sử 4 lần vô địch châu Âu (Tây Ban Nha và Đức hiện chia sẻ kỷ lục 3 danh hiệu).
Trước khi nghĩ đến danh hiệu, nhiệm vụ của Tây Ban Nha và vượt qua Pháp, đối thủ mang hình ảnh chưa từng thấy trong quá khứ tại kỳ EURO lần này.
Pháp vào bán kết mà không có cầu thủ nào ghi bàn từ bóng động. Ngược lại, "Les Bleus" cũng chưa nhận bàn thua nào, ngoài cú sút phạt đền của Robert Lewandowski ở trận gặp Ba Lan.
Sau chung kết World Cup 2022 thua Argentina, Didier Deschamps thay đổi bằng sự thực dụng. Pháp tìm kiếm kết quả chung cuộc nhờ sức mạnh phòng ngự.
Anh cũng mang hình ảnh như Pháp trên con đường vào bán kết EURO 2024. Dù sao, đội quân của Gareth Southgate có nhiều bàn thắng hơn (5 so với 3).
Đây là kỳ EURO thứ 2 liên tiếp Anh vào đến bán kết, điều chưa từng ghi nhận trong lịch sử của đội (3 trong 4 giải đấu lớn gần nhất).
HLV Southgate bỏ ngoài tai những chỉ trích mỗi ngày, đặc biệt là một số cầu thủ cùng thời ông thi đấu (thập niên 1990; có thành tích cùng Anh vào bán kết EURO 1996), chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng.
Trong khi đó, Hà Lan vào bán kết giải vô địch châu Âu lần đầu tiên sau 20 năm, kể từ giải đấu ở Bồ Đào Nha 2004.
Hà Lan bước vào giải đấu mà không được đánh giá cao, khi nhiều cầu thủ vắng mặt vì chấn thương. Frenkie de Jong là trường hợp đáng tiếc nhất.
Lối chơi linh hoạt và tinh thần mà Ronald Koeman truyền tải đã mang đến cho Hà Lan diện mạo mới, chiến đấu không bỏ cuộc.
Ai sẽ vào chung kết?
Hai cặp đấu bán kết EURO 2024 đều có sự tương phản giữa hai đối thủ: đội tuyển thiên về tấn công chống lại sự thực dụng.
Tây Ban Nha có hiệu suất ghi bàn cao nhất giải đấu (11 bàn; ngang với Đức), đối đầu Pháp có ít bàn thắng nhất ở mùa hè nước Đức.
Hà Lan có 9 bàn thắng cho đến nay, chỉ sau Tây Ban Nha và Đức. "Cơn lốc màu da cam" có tham vọng chặn đứng Anh trong trận bán kết 2 ở Dortmund (2h ngày 11/7).
"Điều gì cũng có thể xảy ra trong những trận bán kết", HLV Koeman lên tiếng trước cuộc so tài với Anh.
Hà Lan của Koeman bị đánh giá thấp nhất ở bán kết. Họ là đội duy nhất phải nhận thất bại trong số 4 đại diện cuối cùng (thua Áo 2-3).
Tuy nhiên, không thể phủ nhận Hà Lan nằm trong số ít các đội giàu cảm xúc nhất tại kỳ EURO lần này, giải đấu mà tính an toàn được đề cao và hiệu suất ghi bàn thấp hơn phiên bản trước (từ 2,78 bàn/trận xuống còn 2,25).
Tinh thần không bỏ cuộc của Hà Lan thể hiện qua 6 bàn được ghi từ phút 70 trở đi - tương đương 2/3 số bàn của đội. Họ thắng Ba Lan ở trận mở màn, hay ngược dòng loại Thổ Nhĩ Kỳ theo kịch bản như vậy.
Một số khảo sát cho thấy người hâm mộ muốn chứng kiến trận chung kết giữa Hà Lan và Tây Ban Nha, các đội bóng có lối đá nhanh và cống hiến.
Về mặt lý thuyết, Pháp và Anh là chung kết lý tưởng. Họ là hai ứng viên sáng giá nhất trước khi EURO 2024 khởi tranh, đồng thời sở hữu đội ngũ chất lượng nhất giải.
Tuy nhiên, Deschamps lẫn Southgate đều đi ngược phong cách bóng đá của Pháp và Anh. Các trận đấu trở nên tẻ nhạt, ít bàn thắng và chủ yếu tìm cách phá vỡ lối chơi của đối phương.
Vì thế, chung kết giữa Pháp và Anh - đội trải qua 4 trong 5 trận có chỉ số bàn thắng kỳ vọng dưới 1 - có thể trở thành bi kịch về mặt cảm xúc, nhất là với khán giả Việt Nam và bộ phận lớn châu Á (trận chung kết diễn ra 2h ngày 15/7 theo giờ Hà Nội, Bangkok, Jakarta; 3h Bắc Kinh, Tây Australia; 4h Tokyo,...