Bảo đảm không tăng giá các mặt hàng thiết yếu

13/07/2021 - 08:21

TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và 7 trong số 9 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bình Dương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16) để quyết liệt triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19. Bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân với giá cả ổn định là một trong những công việc cần kíp được các địa phương này tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện…

Người dân mua rau sạch tại một cửa hàng tiện lợi Co.opmart trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Giá cả hàng hóa tăng nhẹ

Sau khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 cùng với nhiều yếu tố khách quan khác, việc cung - cầu hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố có những thời điểm bị xáo trộn. Một bộ phận người dân mất bình tĩnh, thiếu thông tin nên đổ xô đi mua sắm hàng hóa để tích trữ, gây ra tình trạng khan hiếm và có hiện tượng tăng giá một số mặt hàng. 

Tuy vậy, tình trạng này chỉ xảy ra cục bộ tại một số chợ truyền thống còn đang hoạt động. Theo ban quản lý một số chợ truyền thống, giá các sản phẩm từ thịt heo tăng bình quân từ 3 đến 5%; giá các mặt hàng rau, củ, quả tăng bình quân từ 10 đến 20%... so với những ngày trước giãn cách xã hội.

Chị Trần Thị Quỳnh Anh nhà ở đường Thống Nhất, phường 10, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) cho biết, mấy ngày nay, các mặt hàng rau, củ, quả, thịt heo, thịt gà… có lúc thiếu, không tươi bằng những ngày trước nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân. Giá cả tăng từ 5 đến 10% so với ngày thường. Còn theo chị Mai Thanh Mỹ ở đường Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), các siêu thị và cửa hàng tiện lợi chung quanh nhà chị không thiếu những mặt hàng rau xanh, thịt tươi sống và giá cả cũng không tăng nhiều…

Khảo sát một số siêu thị trên địa bàn TP Biên Hòa (Đồng Nai) trong chiều 12/7 cho thấy, các đơn vị này đang liên tục tăng thêm nguồn hàng thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đại diện một số siêu thị cho biết, nguồn cung ứng các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nông sản khá ổn định. Các siêu thị tăng cường kênh bán hàng trực tuyến để người dân có thêm lựa chọn.

Tại một số chợ trên địa bàn TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) vào ngày 12/7, giá các mặt hàng thực phẩm như gà, thịt heo, thịt bò… vẫn ổn định. Còn các mặt hàng rau, củ, quả, giá tăng từ 3.000 đồng đến hơn 10.000 đồng/kg so với trước đây. Tại chợ Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, một tiểu thương quầy rau, củ, quả cho biết, giá các mặt hàng không tăng nhiều, trừ các mặt hàng mà tiểu thương không lấy được. Giá bắp cải 50.000 đồng/kg; cà chua từ 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, không phải là cao vì giá đầu vào đã 35.000 đến 40.000 đồng/kg, chưa kể chi phí vận chuyển, hư hao. Là chủ cửa hàng tiện lợi trên đường Hoàng Hoa Thám, khu phố 7, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), anh Linh lý giải: Ngày bình thường trước đây, hàng hóa được các thương lái chở đến tận cửa hàng bỏ mối; hiện nay, người bán phải tự đi lấy hàng tại các điểm bỏ mối bảo đảm công tác phòng, chống dịch cho nên có thêm chi phí tính vào giá bán…
 
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, sau khi ba chợ đầu mối nông sản - thực phẩm chủ lực trên địa bàn thành phố bị tạm ngừng hoạt động, phần lớn thương nhân đã chuyển sang hình thức bán hàng qua điện thoại, việc vận chuyển và giao hàng gặp khó khăn. Trong khi đó, giá nhiên liệu lại tăng, việc vận chuyển nông sản từ các địa phương khác về TP Hồ Chí Minh cũng tăng thêm chi phí khiến giá hàng hóa tới tay người tiêu dùng bị đội lên. Bên cạnh đó, hơn 100 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố bị tạm ngừng hoạt động. Ở những chợ còn mở cửa thì tiểu thương đã giảm lượng hàng hóa nhập về trong lúc sức mua tăng đột biến khiến xảy ra hiện tượng tăng giá ở một số thời điểm có lượng khách nhiều. Tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, mức tăng giá ít hơn do phần lớn các hệ thống bán lẻ này đều đã tham gia Chương trình bình ổn thị trường của thành phố cho nên giá bán không được phép tăng nhiều (tùy mặt hàng). Một số hệ thống bán lẻ lớn như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Bách Hóa Xanh… đã cam kết giữ giá bán những mặt hàng thực phẩm thiết yếu ổn định và nhập hàng hóa về hằng ngày…

Bảo đảm không thiếu nguồn hàng

Để bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa được ổn định, thông suốt, giá cả hàng hóa duy trì ở mức hợp lý, ngành Công thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp các ngành, địa phương liên quan nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu ra, vào thành phố; vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương lái, doanh nghiệp tăng cường thu mua, vận chuyển hàng hóa từ các địa phương khác về. 

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm, sở đã đề nghị các hệ thống phân phối lớn tăng lượng cung ứng hàng hóa, bảo đảm các điểm bán hoạt động liên tục, không gián đoạn, bổ sung đầy đủ, liên tục lên kệ, nhất là những mặt hàng bình ổn giá và thực phẩm thiết yếu. Sở Công thương thành phố đã cho lập trang web https://nongsan.congthuong.hochiminhcity.gov.vn để bán trực tuyến các mặt hàng nông sản, phục vụ người dân thành phố trong những ngày giãn cách xã hội. Phương thức mua bán này vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, vừa giúp người dân yên tâm với mức giá được niêm yết công khai.

Còn tại Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lê Văn Lộc cho biết, sở đã yêu cầu các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi tăng cường lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng, tăng thời gian hoạt động để đáp ứng nhu cầu của người dân. Có phương án phân luồng khách hàng vào mua sắm, hạn chế tập trung đông người, khuyến khích khách hàng mua sắm đủ số lượng. Hiện nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tươi sống cho các siêu thị, chợ trong tỉnh vẫn dồi dào, người dân không nên tập trung đi mua hàng tích trữ.

Trong các khu phong tỏa ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), nhiều tổ cung ứng thực phẩm được thành lập để hỗ trợ “đi chợ thay” người dân. 

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, Bình Dương đã phối hợp các nhà cung ứng kích hoạt toàn bộ hệ thống 278 siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng toàn bộ hệ thống bán hàng trực tuyến để cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân khi nhiều chợ truyền thống bị đóng cửa. Phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát tình hình thị trường để tránh việc tăng giá, găm hàng, tích trữ hàng hóa…

Theo LÂM LIÊM BÌNH - VƯƠNG ANH (Nhân Dân)