Bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội

09/11/2022 - 03:39

 - So với cụm từ “bạo lực học đường”, “bạo lực gia đình” thì “bạo lực trên mạng xã hội” cũng "nóng" không kém. Nó xảy ra hàng ngày, hàng giờ, trên ứng dụng Facebook, Zalo… Mạng ảo nhưng hậu quả nguy hại không kém gì ở thế giới thật.

Bạn Hoài Nam (sinh viên Trường Đại học An Giang) cho rằng, bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội là sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ không phù hợp với đạo đức xã hội để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của 1 cá nhân hay 1 tập thể trên không gian mạng. Từ đó, gây ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý cho cá nhân hay tổ chức bị tấn công.

“Tôi có 1 người bạn từng là nạn nhân của bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội. Trước đây, bạn ấy từng bị 1 tổ chức cho vay nặng lãi chuyển 10 triệu đồng vào tài khoản. Sau đó, họ lên mạng xã hội lấy thông tin và cắt ghép hình ảnh đăng lên nhiều trang mạng xã hội khác nhau, kèm theo các ngôn từ, như: “Nếu không trả tiền sẽ tới đốt nhà...”. Bị áp lực về dư luận, tâm lý bạn ấy hoang mang đến nỗi phải nghỉ học 1 tuần” - Hoài Nam chia sẻ.

Nói lời hay, làm việc tốt là cách để hạn chế “bạo lực ngôn từ” trên mạng xã hội và ngoài đời thực

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng Internet hiện nay, mỗi người chúng ta hơn lúc nào hết phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh xem xét để không mắc mưu các phần tử xấu. Mỗi người phải thật bản lĩnh, làm chủ lời nói và bình luận của mình trên mạng xã hội. Bởi, dù vô hình nhưng sức ảnh hưởng, khả năng tổn thương với người trong cuộc hoàn toàn là thật. Việc lợi dụng mạng xã hội để giả mạo, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, danh dự của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.

Về mặt đạo đức, hành vi công kích người khác bằng ngôn từ trên không gian mạng không thể chấp nhận được. Ông bà ngày xưa thường dạy: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Trên mạng xã hội, dù lời nói không trực tiếp đến người nghe nhưng không phải vì thế mà không bị tổn thương tinh thần.

 “Theo tôi, khi gặp bất cứ vấn đề gì trên mạng xã hội, chúng ta không nên phê phán hay ủng hộ mà nên tìm hiểu rõ nguồn tin và độ chính xác của thông tin.  Hạn chế bình luận khi chưa biết được câu chuyện chính xác. Tôi đã từng là nạn nhân và cũng từng chứng kiến bạn bè bị bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội. Thiết nghĩ, ai cũng có sai lầm, thay vì dùng từ ngữ khiếm nhã chỉ trích, phê phán cả ngoài đời thực lẫn mạng xã hội, tại sao chúng ta không tha thứ cho nhau để cuộc sống tốt đẹp hơn” - bạn Chiêu Linh (sinh viên Trường Đại học An Giang) bày tỏ.

Bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội tưởng chừng bình thường nhưng là một trong những lý do gây ra rất nhiều ảnh hưởng tâm lý đối với người dùng mạng xã hội hay nghiêm trọng hơn là “cướp đoạt” đi sự sống của họ. Bối cảnh ngày nay, không ít người xem mạng xã hội là nơi giãi bày tâm sự, cảm xúc. Song, không ít người lợi dụng cái gọi là “tự do ngôn luận”, xem mạng xã hội là chỗ để châm biếm, lăng mạ nhau. Dễ dàng thấy trên thế giới ảo, bất kể vụ việc gì cũng có thể châm ngòi cho những cuộc chiến bằng “bàn phím” không hồi kết. Thường các vụ “nóng” trên mạng sẽ bám sát tình hình thời sự.

“Khi còn nhỏ, tôi bị thường bị những người xa lạ, dù vô tình gặp nhưng lại nói rằng: “Con ai mà xấu quá vậy!”. Khi đó, tôi còn nhỏ nên không ảnh hưởng gì đến suy nghĩ của mình nhưng những điều đó làm ba mẹ buồn. Hiểu được những tổn thương từ lời nói có sức ảnh hưởng thế nào đến người bị nhận xét nên tôi rất cân nhắc trong giao tiếp hàng ngày cũng như bình luận bất kỳ điều gì trên mạng xã hội.

Bởi, lời nói tiêu cực sẽ gây “sát thương lớn” về mặt tinh thần của người nghe, chưa kể có thể ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Thiết nghĩ, sinh viên thời đại ngày nay, chúng ta nên có trách nhiệm với từng lời nói và hành động của bản thân để lan tỏa những thông điệp tốt đến nhiều người hơn!” - bạn Kim Duyên (sinh viên Trường Đại học An Giang) bộc bạch.

Giải pháp tốt nhất để hạn chế vấn đề bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội chính là nhận thức của mỗi người khi giao tiếp, ứng xử. Vì nhận thức dẫn đến thái độ và thái độ quyết định và tạo ra hành động. Chỉ khi chúng ta nhận thức được những giá trị cơ bản của tốt - xấu, đúng - sai thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết và tránh được tổn thương nhau bằng ngôn từ.

Bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội là hành vi dùng ngôn từ mang tính tiêu cực, chỉ trích, miệt thị người khác trên mạng xã hội. Làm cho người bị tấn công trên không gian mạng bị ảnh hưởng về tâm lý, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

 

PHƯƠNG LAN