Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa

11/01/2021 - 07:17

 - An Giang hiện có 87 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích quốc gia, 57 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, bằng nguồn vốn quốc gia và tỉnh, nhiều di tích có giá trị của tỉnh đã được đầu tư, chống xuống cấp kịp thời, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong các năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh đã có nhiều cố gắng và đi vào nền nếp. Khách tham quan, du lịch (DL) và nhân dân đến với các di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội truyền thống trong tỉnh ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Theo đó, ngành văn hóa, thể thao và DL, các ngành liên quan, các cấp chính quyền cùng với nhân dân tỉnh nhà đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương được trân trọng gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy ý nghĩa. Đó là niềm tự hào của cư dân địa phương và có sức thu hút du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan, thưởng ngoạn. 

Tuy nhiên, việc bảo quản, tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu vừa bảo tồn nâng cấp, phát huy ý nghĩa di tích, vừa tạo cảnh quan để thu hút khách DL. Nguyên nhân do việc bảo quản, chống xuống cấp, tu sửa chỉ mang tính chất nhỏ, thiếu quy hoạch đồng bộ và có tính tổng hợp lâu dài. Mặt khác, đa số di tích cấp tỉnh có kết cấu bằng gỗ, tồn tại qua hàng trăm năm, ở vùng khí hậu nóng ẩm có nhiều loại vi sinh, côn trùng, mối mọt phá hoại, lại thêm tình trạng ngập lụt hàng năm và một số di tích bị ảnh hưởng do thiên tai, chiến tranh… nên ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Nhiều di tích có giá trị của tỉnh đã được đầu tư, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc

Vì vậy, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng cấp tỉnh là việc làm cấp thiết trong thời gian tới. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, có 25 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng cấp tỉnh được đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi. Ưu tiên đầu tư trùng tu, bảo quản các hạng mục chính của di tích bị hư hại nặng nhằm chống xuống cấp các công trình xây dựng, công trình kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng dân gian (chính điện, hậu tổ…) và di tích lịch sử cách mạng. Chú trọng các di tích lịch sử- văn hóa thuận lợi cho phát triển DL có gắn với tín ngưỡng tâm linh của đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Điển hình, trong năm 2021, tiến hành phục dựng lại chính điện, nhà khách chùa Phước Trường (xã Vĩnh Trường, An Phú); phục dựng lại toàn bộ phần mái (theo kiến trúc hiện hữu) và xây mới hàng rào chùa Snaydonkum (xã Ô Lâm, Tri Tôn); phục dựng lại chánh điện võ ca (lùi về sau do gần bờ sông nguy cơ sạt lở) và xây dựng bờ kè chống sạt lở, làm hàng rào xung quanh bảo vệ di tích đình Bình Phú (xã Bình Hòa, Châu Thành)… Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2025 trên 112 tỷ đồng, trích từ ngân sách cấp tỉnh và xã hội hóa.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo và bảo vệ di tích. UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm lập dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích trên địa bàn theo kế hoạch và trình UBND tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25-12-2018 của Chính phủ. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác tu bổ di tích tại địa phương theo kế hoạch đề ra và nghiệm thu công trình sau khi hoàn thành; chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.  

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, việc bảo quản, tu bổ và phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa cho những di sản, phục vụ giáo dục truyền thống; góp phần phát triển kinh tế- xã hội và DL của địa phương. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc quản lý, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, cũng như bảo tồn những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của làng, xã vùng Nam Bộ. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích; tạo cơ chế huy động các nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Thông qua việc quản lý tốt di tích lịch sử - văn hóa là thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; giới thiệu nét đẹp văn hóa và khai thác tiềm năng DL phong phú của tỉnh nhà.

MINH THƯ