Bão số 5 và hoàn lưu sau bão gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương

01/11/2019 - 19:48

Tổng hợp từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, bão số 5 và hoàn lưu bão gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.


Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã huy động lực lượng từ các tỉnh lân cận hỗ trợ Điện lực Bình Định khắc phục hậu quả cơn bão. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Tính đến 8 giờ ngày 1-11, bão số 5 và hoàn lưu sau bão đã làm một người mất tích, 14 người bị thương (tại tỉnh Quảng Ngãi), 2.114 ngôi nhà hư hỏng, 200 ngôi nhà bị ngập; ba tàu vận tải bị mắc cạn (tại tỉnh Bình Định) trong đó hai tàu đã được lai kéo, một tàu đang tiếp tục lai kéo; 79 tàu, thuyền khai thác thủy sản bị hư hỏng.

Về nông nghiệp, 218 ha lúa bị thiệt hại (tại tỉnh Phú Yên); 5.303 ha hoa màu bị thiệt hại, 72 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại; 23.172 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tại Bình Định, 2.000 m kè biển bị sạt lở, 200 m kè biển Nhơn Hải bị hư hỏng nặng, tuyến đê Đông bị sạt mái hạ lưu 127 m, một đập tràn bị trôi. Hai tỉnh Bình Định, Phú Yên có 6.807 m kênh mương bị hư hỏng. Mưa bão đã gây sạt lở ở các tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa....

Nhiều huyện thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện. Đến 7 giờ ngày 1-11, tỉnh Phú Yên đã khắc phục được 85% các sự cố, còn 9 xã dự kiến trong ngày sẽ khắc phục xong. Tỉnh Bình Định đã khắc phục được hơn 60%. Tỉnh Quảng Ngãi khắc phục được 90%). Tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, tổng cộng có 35 điểm trường học bị hư hỏng.

Từ ngày 30-10 đến 1-11, Quảng Bình có mưa to đến rất to đã khiến nước ở các sông dâng cao. Các tuyến đường giao thông nông thôn, đê, kè ở các địa phương trong tỉnh bị ngập lụt, sạt lở và hư hỏng. Đặc biệt, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lớn gây ra. 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lệ Thủy cho biết, tính từ 1 giờ ngày 31-10 đến 4 giờ ngày 1-11, trên địa bàn có mưa lớn, mực nước trên sông Kiến Giang tại trạm Lệ Thủy là 2,75m, trên báo động III là 0,05m. Mưa lớn những ngày qua đã gây ngập úng, hư hại 54 ha rau màu của nông dân (thiệt hại khoảng 70%), chủ yếu tại các xã Thanh Thủy, Hồng Thủy; 8 lồng nuôi thủy sản của người dân xã Mai Thủy bị thiệt hại 70%. Đặc biệt, cầu phao dân sinh nối từ xã Xuân Thủy qua xã Mỹ Thủy đã bị mưa lũ đã cuốn trôi, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân địa phương. Ngoài ra, mưa lớn đã khiến trên 3.200m đê, kè ở Mũi Viết, đê bao xã Dương Thủy, đê Thượng Mỹ Trung, đê Hói 186 bị sạt lở, hư hỏng nặng. Một số tuyến đường trên địa bàn bị xói lở, ngập nước. 

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, trên địa bàn mưa đã giảm, công tác khắc phục thiệt đang được khẩn trương tiến hành. Tại các đoạn đường sạt lở và cầu phao bị lũ cuốn trôi, địa phương đang tích cực phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải tỉnh và doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương gia cố, khắc phục, cố gắng chiều 1-11 sẽ đưa cầu phao về lại vị trí ban đầu để sớm thông đường. Một số trường học bị ngập lụt cục bộ như Trường Tiểu học số 1 và số 2 Kiến Giang sáng 1-11 phải cho học sinh nghỉ học. Hiện giáo viên, học sinh và phụ huynh của các trường đang tích cực vệ sinh trường lớp, kê lại bàn ghế, để sớm ổn định việc dạy học. 

Theo Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, dự báo những ngày tới cho biết mưa lớn vẫn tiếp diễn. Vì vậy, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác bám địa bàn, kiểm tra, thông tin tình hình diễn biến mưa lũ đến người dân; cắt cử cán bộ trực 24/24 giờ, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, người và phương tiện để ứng phó với các tình huống mưa lũ xảy ra với phương châm “4 tại chỗ”. Tại các điểm, địa bàn có nguy cơ sạt lở, những vùng thấp trũng, vùng miền núi như xã Lâm Thủy, Sơn Thủy, Ngân Thủy... chính quyền địa phương đã lên phương án di dời dân đến nơi cao ráo, an toàn nhằm bảo đảm tính mạng, tài sản cho nhân dân khi mưa lũ xảy ra.  

Vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 1-11, tại cảng Hòn La, Đồn Biên phòng Roòn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận từ tàu Cảnh sát Biển 3005 tổng cộng 12 người (11 thuyền viên và một hành khách) của tàu Thành Công 999 bị chìm. Lực lượng quân y Đồn Biên phòng Roòn đã thăm khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các thuyền viên và hành khách. Hiện nay vẫn còn một thuyền viên của tàu Thành Công 999 bị mất tích là Nguyễn Thanh Bình (quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).

Tại tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của bão số 5, vùng biển xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành chịu tác động mạnh của sóng biển và triều cường, tiếp tục gây ra tình trạng sạt lở ở nhiều nơi. Sóng biển to đã khiến bờ biển khu vực Cửa Lở ở Thôn 4, Thôn 6, bờ biển thuộc thôn Thuận An tiếp tục bị sạt lở sâu vào đất liền kéo dài hơn 1 km. Hiện tại, ở khu vực Cửa Lở, nước biển chỉ còn cách khu dân cư chưa đến 200 mét. Sóng biển và triều cường tiếp tục ăn sâu vào đất liền nhiều khả năng sẽ làm hàng chục hồ nuôi tôm của người dân xã Tam Hải bị thiệt hại nặng. Trong vài ngày tới, nếu trên biển có sóng cấp 6, cấp 7, Nhà Văn hóa thôn Bình Trung sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khu vực tuyến luồng hàng hải ở Thôn 6 chạy lên phía cảng Tam Hiệp xuất hiện tình trạng sạt lở một số nơi. Khu vực bờ biển thôn Thuận An (xã Tam Hải) trước đây đã có một đoạn kè biển được xây dựng. Tuy nhiên, phần chưa được xây bờ kè, sóng biển, triều cường tiếp tục ăn sâu vào đất liền mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân ở những khu vực bị sạt lở bờ biển, trước mùa mưa bão, bên cạnh việc hướng dẫn nhân dân chèn chống nhà cửa, gia cố bờ bao hồ nuôi tôm, UBND xã Tam Hải đã xây dựng phương án di chuyển dân cư, nhất là những hộ có người già yếu, neo đơn và trẻ em đến ở tạm nhà người thân, nhà sinh hoạt cộng đồng và trụ sở cơ quan để phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.

UBND thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang vừa có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải tỉnh phối hợp khảo sát, có giải pháp hỗ trợ gia cố khẩn cấp các đoạn sạt lở dọc tuyến kênh Đào (xã Phú Vĩnh) và bờ kênh Xáng (xã Tân An) để đảm bảo an toàn cho hơn 3.500 ha diện tích đất sản xuất vùng Bắc Vĩnh An và an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực này.

Trước đó, vào lúc 15 giờ, ngày 30-10, địa bàn hai xã Phú Vĩnh và xã Tân An (thị xã Tân Châu, An Giang) đã xảy ra 5 điểm sạt lở đất bờ kênh gây ảnh hưởng đến đường giao thông nông thôn; ảnh hưởng đến 8 hộ dân và một nhà kho của người dân. Tại xã Phú Vĩnh, tuyến kênh đào đoạn thuộc ấp Phú An B, xảy ra một điểm sạt lở với chiều dài 16m, rộng 2m và có khả năng sạt lở tiếp. Tuyến kênh Vĩnh An, đoạn thuộc ấp Phú Hưng xảy ra ba điểm sạt lở chiều dài khoảng 200m, trong đó có một điểm sạt lở chạy dài đoạn dài khoảng 30m, sạt lở 1/2 đường nông thôn, hai điểm còn lại sạt lở tới mép đường nông thôn ấp Phú Hưng.


 Lốc xoáy làm nhiều nhà dân bị tốc mái, cây cối ngã đổ. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) được xác định là tâm bão số 5. Mưa bão khiến 13 nhà của người dân sập hoàn toàn (chủ yếu nhà tạm). Ngoài ra, gió giật mạnh kèm theo mưa lớn, sóng cao khiến nhiều tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng. Đây cũng là địa phương có thiệt hại nhiều nhất của tỉnh Phú Yên. Khu vực đầm Cù Mông thuộc thị xã Sông Cầu, đìa nuôi thủy sản bị sóng đánh vỡ, nhiều vật dụng bị gió cuốn, sóng đánh tơi tả. Sóng lớn đã đánh vỡ và nhấn chìm 33 thuyền (đa số thuyền có công suất từ 20CV trở xuống), hàng chục tàu thuyền bị gió bão đẩy lên bờ.vChính quyền địa phương đang thống kê thiệt hại và khẩn trương giúp nhân dân khắc phục hậu quả.

Đồn Biên phòng Xuân Hòa (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên) đã huy động hơn 40 cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn kết hợp lực lượng tại chỗ giúp nhân dân khắc phục hậu quả.

Tại thị xã Sông Cầu, nhiều hồ nuôi thủy sản bị ngập nước; 5 bè nuôi thủy sản bị gió bão đánh vỡ, thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Chính quyền các xã, phường đang thống kê mức độ thiệt hại cụ thể. Đối với 13 nhà sập hoàn toàn, các hộ sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ ngay chỗ ở tạm trước khi có chính sách xây dựng mới. Các lực lượng như: Bộ đội, Dân quân tự vệ, Công an... đã được huy động tối đa để giúp nhân dân lai dắt tàu thuyền bị chìm, dọn dẹp nhà cửa, cây xanh. Phương châm của chính quyền thị xã là sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, những điểm nào cần thiết sẽ tăng cường thêm người. Riêng tôm hùm, loại thủy sản nuôi trồng có giá trị cao, người dân chưa dám đưa lồng lên mặt nước vì sợ bị ngọt hóa ảnh hưởng đến tôm. Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hướng dẫn người nuôi kỹ thuật xử lý nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, mưa bão đã gây ảnh hưởng và làm thiệt hại tại nhiều nơi trong tỉnh Kon Tum. Huyện Kon Plông đã có 23 nhà của người dân bị tốc mái và hư hỏng. Ngoài ra, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đi các thôn Kon Chốt, Kon BRẫy, Kon Xủ, Điek Tà Âu (xã Ngọc Tem) bị sạt lở lớn, các phương tiện chưa lưu thông qua được...

Tại huyện Đăk Glei, mưa bão khiến nhiều tuyến giao thông bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, tuyến tỉnh lộ 673 từ Đăk Tả đi xã Ngọc Linh, tuyến đường liên thôn Đăk Dền - Pêng Prông, đường giao thông từ Ủy ban nhân dân xã Ngọc Linh đi xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, bị sạt lở một số vị trí, làm ách tắc giao thông, gây khó khăn cho người và phương tiện lưu thông qua đây. 17 nhà của người dân trên địa bàn đã bị hư hỏng và tốc mái; một số điểm trường như Trường Tiểu học thôn Đông Lốc, Trường Tiểu học thôn Măng Khên (xã Đăk Man), Cụm trường Tiểu học thôn Đăk Boóc (xã Đăk Plô) bị tốc mái, vỡ kính…

Các địa phương chịu thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 5 đang tích cực triển khai biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó, Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức vận động nhân dân, huy động nguồn lực tại chỗ giúp đỡ những hộ có nhà bị tốc mái khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống, đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ theo quy định.

Để tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và ứng phó với tình hình mưa lũ trong thời, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông, chủ động các biện pháp phòng tránh.

Bên cạnh đó các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, di dời dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt; kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu; duy trì lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Theo THẮNG TRUNG  (TTXVN)