Bảo tồn, phát huy giá trị thể thao truyền thống, trò chơi dân gian

25/10/2022 - 07:19

 - Những năm gần đây, bên cạnh việc duy trì phong trào tập luyện, thi đấu và giành được những thành tích nổi bật ở các môn thể thao hiện đại, tỉnh An Giang đã và đang khôi phục, phát triển các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian. Qua đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Những trò chơi dân gian hình thành, phát triển qua lao động sản xuất, đấu tranh sinh tồn của mỗi cộng đồng dân tộc. Dù cách chơi có đơn giản hay phức tạp nhưng các trò chơi dân gian vẫn tồn tại và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Việc gìn giữ, bảo tồn các trò chơi dân gian được các cấp, ngành, địa phương quan tâm duy trì và thường xuyên tổ chức ngày càng đa dạng, phong phú gắn với phong trào thể dục - thể thao (TDTT) quần chúng và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng rất linh hoạt, vận động xã hội hóa, xây dựng sân bãi phục vụ cho việc tập luyện, giao lưu thi đấu thường xuyên. Anh Chau Khanh (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cho biết: “Sau những giờ làm việc, tôi và các anh em thường tập trung đánh bóng chuyền để rèn luyện sức khỏe. Khi đến các giải thể thao cấp huyện, tỉnh, chúng tôi tập luyện môn bóng chuyền, đẩy gậy để tranh tài cùng các địa phương khác”.

Tranh tài đội cà om lấy nước

Nhiều năm gần đây, bên cạnh việc đầu tư phát triển các môn thể thao hiện đại, ngành thể thao tỉnh chú trọng khôi phục và phát triển các môn thể thao truyền thống, như: Đẩy gậy, kéo co, chạy việt dã, đua thuyền, đua xuồng, cờ tướng, đi cà kheo, đội cà om lấy nước… Vào mỗi dịp lễ, Tết, lễ hội truyền thống của địa phương, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian trở thành “món ăn tinh thần” quen thuộc và ngày càng được nhân dân yêu thích. Nhiều xã, phường căn cứ vào đặc trưng riêng đã đưa các môn thể thao truyền thống trở thành nội dung thi đấu chính thức tại Đại hội TDTT của địa phương và tham gia cấp tỉnh.

Hiện nay, không chỉ dừng lại ở trò chơi, đẩy gậy, kéo co và việt dã đã được đưa vào thi đấu mang tính chuyên nghiệp trong các cuộc thi và các giải thể thao, hội thao các địa phương; Đại hội TDTT cấp huyện, tỉnh; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer và Chăm. Anh Du Số (xã Đa Phước, huyện An Phú) chia sẻ: “Tôi rất yêu thích và thường xuyên luyện tập môn đẩy gậy. Môn thể thao này giúp tôi có sức khỏe tốt, lao động sản xuất đạt hiệu quả. Đặc biệt, mỗi dịp tham gia thi đấu thể thao của huyện và tỉnh tổ chức, tôi còn được giao lưu và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thi đấu”.

Đua thuyền, đua xuồng cũng là môn thể thao truyền thống mang lại sự hấp dẫn cho người xem, với những màn tranh tài quyết liệt. Hai môn thể thao này đòi hỏi cả về sức mạnh lẫn sự đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội. Nhiều địa phương tổ chức 2 môn thể thao dân gian này hàng năm, nhân các dịp lễ lớn, lễ hội kỳ yên… Vừa qua, UBND xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) tổ chức Giải đua xuồng mùa nước nổi xã Bình Mỹ lần thứ I, tại khu vực cánh đồng ngập nước ấp Bình Thành. Tham gia giải đấu có 40 đội đua đến từ các xã: Bình Mỹ, Bình Thủy, Bình Chánh, Bình Long, Huyện đoàn Châu Phú, Hội Nông dân huyện... Trong đó có 4 xuồng đua 6 người, 18 xuồng đua đôi nam - nữ và 18 xuồng đua đôi nam. Dù tổ chức lần đầu nhưng giải thu hút đông đảo người dân xã Bình Mỹ, các xã lân cận và ngoài huyện đến xem, cổ vũ.

Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tập luyện và thi đấu TDTT. Đồng thời, thường xuyên tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao, hội thao, với nhiều môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian. Bên cạnh đó, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, phát triển phong trào TDTT quần chúng, góp phần nâng cao thể chất và đời sống tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi…

Các môn thể thao truyền thống, dân tộc và các trò chơi dân gian có ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng các dân tộc. Mỗi trò chơi tuy có ý nghĩa, cách chơi khác nhau, nhưng tựu chung đều xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất hàng ngày, phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của người dân và tăng cường đoàn kết cộng đồng.

 

KHÁNH MY

 

Liên kết hữu ích