Hoạt động đối ngoại của UBND xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) với xã Tà Ô (huyện Kirivong, tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia)
Tri Tôn là huyện miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer chiếm khoảng 38%, toàn huyện có 4 xã (trong tổng số 15 xã, thị trấn) trọng điểm về an ninh trật tự (ANTT), 9 xã có đồng bào DTTS Khmer sinh sống. Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” huyện Tri Tôn (gọi tắt là Ban Chỉ đạo huyện Tri Tôn) triển khai nhiều nội dung, kế hoạch công tác, giúp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, địa phương phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong đồng bào tôn giáo, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới…
Công an toàn huyện phối hợp MTTQ, ban, ngành, đoàn thể nắm tình hình các tổ chức tôn giáo, việc thực hiện chính sách tôn giáo; tâm tư nguyện vọng của quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc, tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh tuyến biên giới, phát hiện tố giác các đối tượng lợi dụng địa bàn biên giới hoạt động; vận động tham gia các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế...
Qua đó, tuyên truyền được 32 cuộc (1.781 lượt người dân, học sinh, giáo viên tham dự), phát 1.241 thư tố giác tội phạm, tờ bướm tuyên truyền về an toàn giao thông và phòng, chống ma túy. Công an xã, thị trấn phối hợp Đài Truyền thanh huyện phát trên 600 lượt thông báo tình hình ANTT, phương thức, thủ đoạn tội phạm, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và phòng, chống dịch COVID-19...
Công an huyện phối hợp phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, UBMTTQVN huyện tổ chức 8 cuộc tuyên truyền tại các xã, thị trấn có đông đồng bào DTTS Khmer, hướng dẫn cài đặt ứng dụng (app) phản ánh ANTT cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện, phổ biến pháp luật. Trong các đợt lễ, Tết truyền thống của đồng bào DTTS Khmer, Công an huyện và thành viên Ban Chỉ đạo chủ động thăm hỏi, tặng quà đến các vị sư sãi, à cha, thông qua người có uy tín để tuyên truyền đến đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Trên địa bàn huyện hiện đang có 8 mô hình đảm bảo ANTT hoạt động hiệu quả, như: Mô hình “Đảm bảo ANTT địa bàn giáp ranh”, “Cổng rào ANTT”, “Camera an ninh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đoàn kết giữ gìn ANTT”, mô hình “2 An”… Mô hình “Phum Sa-tol-krắc an toàn về ANTT” tại ấp Phước Thọ (xã Ô Lâm, địa phương có 98% dân cư là đồng bào DTTS Khmer) mới được đưa vào hoạt động thời gian ngắn, nhưng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân.
Lực lượng công an xã thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền phổ biến pháp luật, phối hợp quản lý con em không vi phạm pháp luật. Đoàn viên tham gia xây dựng nhiều công trình, phần việc, làm vệ sinh đường nông thôn... góp phần làm xanh - sạch phum, sóc. Nhờ vậy, tình hình ANTT tại khu vực được cải thiện, không có người dân vi phạm pháp luật.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo huyện tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp theo Kế hoạch 210/KH-UBND, ngày 22/4/2021 của UBND tỉnh về công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội giai đoạn 2021-2025. Tham mưu thực hiện Thông tư 23/2012/TT-BCA của Bộ Công an và Quyết định 07/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định khóm, ấp, xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt chuẩn “An toàn về ANTT”.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả chỉ tiêu 19.2 về xã “An toàn về ANTT xã hội và đảm bảo bình yên” trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tổ chức hội nghị công an lắng nghe ý kiến nhân dân cấp xã và huyện để nắm bắt ý kiến, đóng góp của nhân dân, cũng như thực hiện tốt công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp về ANTT trên địa bàn.
NGUYỄN HƯNG