Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

26/05/2023 - 06:16

 - Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng sức mạnh lan truyền của Internet, mạng xã hội để đăng tải thông tin xấu độc, bịa đặt, sai sự thật, xuyên tạc vấn đề. Thực tế trên đòi hỏi mọi người, lực lượng thực thi nhiệm vụ trên không gian mạng phải đưa ra giải pháp đấu tranh hiệu quả.

Tập huấn công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Nhận diện âm mưu

Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ, tận dụng đa dạng phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội, báo chí điện tử ở nước ngoài. Chúng tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chống phá Việt Nam (VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ, HRW...) để tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, hạ bệ uy tín lãnh tụ, gây nghi kỵ, chia rẽ nội bộ. Triệt để khai thác sự kiện chính trị, ngoại giao, vấn đề nhân sự, nội bộ với các thông tin chưa được kiểm chứng để mở chiến dịch tuyên truyền, chống Đảng, nhà nước ta, hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Chúng xây dựng trang web, blog, tài khoản, máy chủ đặt tại nước ngoài làm “máy cái, hà hơi, tiếp sức” cho blog, tài khoản trong nước. Nội dung phủ nhận, xuyên tạc giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin; phủ nhận vai trò lãnh đạo, xuyên tạc lịch sử Đảng; xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đóng góp của Người cho lịch sử dân tộc và sự tiến bộ nhân loại… Chiêu bài chúng thường sử dụng là gửi “kiến nghị”, “thư ngỏ” của hội, nhóm đến cơ quan tổ chức, đồng chí lãnh đạo cấp cao; hoặc bình luận, thể hiện trạng thái video clip, hình ảnh trên Facebook…

Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị thường xoáy sâu vào vấn đề nhạy cảm, phức tạp, trong đó tham nhũng được chúng triệt để lợi dụng. Chúng ra sức rêu rao rằng: “Chế độ 1 đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng”; “do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng xảy ra”; “tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu tư liệu sản xuất, chuyên chế độc đảng”...

Từ những thông tin cóp nhặt trên mạng xã hội, chúng vẽ ra, dựng nên câu chuyện phe nhóm nội bộ ở Trung ương và địa phương đang đấu đá nhau. Những giọng điệu ấy xuyên tạc mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của cuộc đấu tranh này; bôi nhọ, hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng, nhà nước ta.

Bên cạnh đó, mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), các thế lực thù địch, phần tử phản động, chống đối lại đồng loạt đăng tải bài viết, video, hình ảnh… xuyên tạc, bôi nhọ chiến thắng của nhân dân ta, đất nước ta, hòng kích động tư tưởng chống phá công cuộc xây dựng đất nước.

Với tư tưởng hận thù, chúng luôn tìm cách xuyên tạc về chiến thắng 30/4. Sự can thiệp trắng trợn, vô nhân đạo, hành động tàn sát, giết người hàng loạt… của đế quốc Mỹ và đồng minh tại Việt Nam lại được coi là “sự lựa chọn chính trị khác”, miền Nam Việt Nam có một “lý tưởng khác” hoặc “miền Bắc xâm lược miền Nam hay cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ 1954 - 1975 chỉ là nội chiến”; ngày 30/4 là “Ngày quốc hận”…

Tăng cường đấu tranh

 Những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Qua đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, nhà nước.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình là không thể phủ nhận. Càng được sống trong độc lập, tự do, hòa bình, càng phải trân trọng hơn sự phấn đấu, hy sinh của thế hệ cha anh, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chiến tranh đã lùi xa, sự phân định giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa chiến thắng và thất bại đã rõ ràng. Việt Nam trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của nhiều quốc gia (trong đó có các quốc gia từng trực tiếp hoặc tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam) để cùng hợp tác, phát triển và giữ gìn hòa bình chung.

Thực tế đã khẳng định, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, nhà nước và nhân dân ta “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai.  Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã thi hành kỷ luật hơn 3.200 đảng viên liên quan đến tham nhũng và cố ý làm trái. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 11/2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 69 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Internet, mạng xã hội hiện nay, cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện, có trách nhiệm, ý thức trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hòa".

Khi tham gia, tương tác, chia sẻ bình luận, hưởng ứng, bài viết trên mạng xã hội, mỗi người có trách nhiệm trước bản thân, trước pháp luật. Chủ động chia sẻ, lan tỏa tin, bài, ảnh tích cực, gương người tốt việc tốt. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không tin theo, không truy cập và tán phát, chia sẻ thông tin xấu độc, cũng là góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng.

H.C