Bảo vệ rừng mùa Tết

01/02/2024 - 06:18

 - Trong lúc mọi người vui Xuân, đón Tết cũng là lúc chuẩn bị bước vào cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy rừng cao do khô hanh, thiếu nước và lượng khách hành hương tăng cao. Do vậy, đây cũng là thời điểm mà công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cần được tập trung cao độ.

Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh là 16.819,6ha, gồm: Rừng đặc dụng 1.832,2ha (chiếm 10,9%); rừng phòng hộ 11.445,5ha (chiếm 68%); rừng sản xuất 3.542ha (chiếm 21,1%). Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn An Giang năm 2022 theo kết quả theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng là 3,68%; độ che phủ của cây trồng lâm nghiệp phân tán là 18,84%.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang Trần Phú Hòa cho biết, rừng và đất rừng của An Giang không lớn so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với phát triển du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ quốc phòng - an ninh biên giới. Do vậy, tỉnh luôn quan tâm công tác bảo vệ, PCCCR, tăng cường lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm tra ở các khu vực trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô 2023, các trạm quản lý rừng liên huyện tiến hành đôn đốc các hộ nhận khoán phát dọn cỏ chăm sóc làm giảm nguồn vật liệu cháy trong rừng 291,55ha; tổ chức đốt chủ động ở các khu vực có nhiều thực bì và những nơi có nguy cơ cháy lan vào rừng cao với diện tích 3ha; xây dựng các tuyến băng trắng phân chia, khoanh vùng một số khu vực trọng điểm và ngăn ngừa bên ngoài cháy lan vào rừng 24,8ha. Ngành kiểm lâm đã kiểm tra, yêu cầu các hộ nhận khoán có bố trí bồn, lấy nước dự trữ vào cuối mùa mưa.

Vào những tháng khô kiệt, các bồn còn ít nước thì vận động hộ nhận khoán rừng đổ nước bổ sung. Đối với những bồn không có người trực tiếp quản lý thì tiến hành sữa chữa các bồn bị hỏng, thuê gánh nước đổ bồn (dự kiến sửa 60 bồn, đổ nước 200 bồn). Đối với những vùng không có bồn nước thì bố trí can nhựa 10 lít.

Hiện nay, ngành kiểm lâm và các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ tình trạng đốt cỏ đất vườn, phát dọn đốt đất làm rẫy vào cuối mùa khô; ứng dụng flycam vào PCCCR. Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh phân công lực lượng trực, thường xuyên theo dõi hệ thống máy chủ được truyền từ camera 360 độ giám sát, cảnh báo cháy rừng về để báo cáo, xử lý kịp thời khi có tình huống cháy xảy ra tại rừng tràm Trà Sư.

Đối với Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, Tân Tuyến, lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ việc đốt đồng, đốt rơm rạ của bà con nông dân vào cuối vụ đông xuân, đảm bảo an toàn không gây cháy lan vào cây trồng ven đê và bên trong rừng; thông báo bà con có nhu cầu đốt dọn đất phải báo cho các điểm chốt gần nhất hoặc báo với trạm quản lý rừng để bố trí lực lượng hỗ trợ.

Vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô, các trạm quản lý rừng đôn đốc các hộ nhận khoán phát dọn cỏ chăm sóc làm giảm nguồn vật liệu cháy trong rừng 291,55ha; dọn dây leo, cây bụi bảo vệ rừng 1.883ha. Đối với rừng tràm vùng đồng bằng, thực hiện đốt chủ động tạo vùng đệm ngăn cách giữa rừng và đất sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, phát dọn cỏ trên các tuyến kênh mương thành những băng trắng chống cháy lan; thực hiện bơm nước vào rừng tràm Trà Sư trong thời gian cao điểm mùa khô. Các lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra phòng, chống cháy rừng ở các khu vực trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trong thời gian tới, hiện tượng El Nino sẽ khiến nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường khoảng 0,5 - 1,5oC so với trung bình nhiều năm; tình trạng nắng nóng sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ; lượng mưa thiếu hụt, tình trạng khô hạn sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, báo động về cháy rừng sẽ được đặt ở mức độ cao nhất. Hiện nay, nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở các địa phương khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, một số địa phương có nguy cơ cháy rừng ở mức cao, cấp IV - cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).

Nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các kết luận, chỉ thị của Trung ương về công tác này. Các cơ quan chức năng cấp tỉnh và UBND cấp huyện (có rừng) thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong suốt thời kỳ cao điểm mùa khô năm 2024; kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Các đơn vị là chủ rừng chủ động rà soát các phương án PCCCR đã xây dựng, xử lý thực bì, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng được giao quản lý có nguy cơ cháy rừng cao; xác định cụ thể những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để bố trí nguồn nhân lực, vật lực sẵn sàng ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ cháy rừng; tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô hanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, PCCCR; luôn chủ động tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác chữa cháy rừng.

NGÔ CHUẨN