Bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

22/05/2024 - 06:11

 - “Mô hình quản lý trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” (gọi tắt mô hình quản lý trường hợp) trên địa bàn huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đang được đánh giá là giải pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hiệu quả và cần nhân rộng.

Mô hình đã kết nối, vận động các nguồn hỗ trợ giúp đỡ cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Huyện Chợ Mới có 15 xã, 3 thị trấn; tổng dân số 374.263 người. Trong đó, có 79.718 trẻ em, chiếm 21,3% dân số, 511 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (khuyết tật các dạng; mồ côi cả cha và mẹ; nhiễm HIV/AIDS; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành tiểu học và trung học cơ sở).

Bên cạnh đó, có 3.136 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (sống trong gia đình nghèo, cận nghèo; mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ; sống trong gia đình có cả cha và mẹ đi làm ăn xa; sống trong các gia đình có vấn đề xã hội), 527 trẻ có nguy cơ lao động sớm trong danh sách do dự án ILO cập nhật.

Theo Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Chợ Mới Lê Thị Huyền Trân, việc bảo vệ, chăm sóc và tạo điều kiện cho trẻ phát triển ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và của cộng đồng.

Mô hình quản lý trường hợp được thực hiện từ năm 2022 - 2023 tiếp tục duy trì và nhân rộng ở 10/16 xã, thị trấn, gồm: Long Kiến, Long Giang, Long Điền B, Kiến An, Mỹ Hiệp, Long Điền A, Mỹ Hội Đông, thị trấn Chợ Mới, thị trấn Mỹ Luông và thị trấn Hội An.

Kết quả, đã lập 365 hồ sơ, kết nối hỗ trợ hơn 150 triệu đồng giúp trẻ điều trị bệnh, hỗ trợ trang trải những khó khăn trong cuộc sống, hỗ trợ chi phí học tập... Trong quá trình kết nối hỗ trợ, cán bộ trẻ em còn tham vấn, tư vấn giúp trẻ vượt qua những mặc cảm trong cuộc sống để hòa nhập với cộng đồng và thoát khỏi nguy cơ bị xâm hại.

Một số hoàn cảnh điển hình, như: Nguyễn Ngọc Tường Vi (lớp 8, Trường THCS Long Giang) được hỗ trợ 40 triệu đồng điều trị bệnh ung thư. Em Kim Vũ Quang (lớp 10, Trường THPT Ung Văn Khiêm) mồ côi cha, mẹ bỏ đi từ khi em còn nhỏ, sống một mình hoàn cảnh rất khó khăn. Vũ Quang sống khép kín, rất chăm chỉ học tập và cố gắng vượt qua nghịch cảnh.

Qua công tác tham vấn, tư vấn, lãnh đạo và giáo viên Trường THPT Ung Văn Khiêm đặc biệt quan tâm giúp đỡ em dần tiến bộ trong học tập. Ngoài việc kết nối hỗ trợ phương tiện và các nhu cầu thiết yếu để em được tiếp tục đi học, nhà trường còn hỗ trợ chi phí học tập cho em mỗi tháng 200.000 đồng, Nhà sách Bình Minh (thị trấn Chợ Mới) hỗ trợ cho em chi phí học tập mỗi tháng 300.000 đồng.

Em Mai Thị Cẩm Tiên (lớp 1, Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, xã Long Điền A) từ nhỏ đã thiếu vắng tình thương của cha, còn người mẹ hiện chống chọi với bệnh thận giai đoạn cuối. Mỗi tháng 3 lần, bà ngoại đưa mẹ của Tiên đi chạy thận, chỉ còn em ở nhà với các cậu đều chưa lập gia đình, nguy cơ bị xâm hại rất cao. Cán bộ trẻ em kết nối hỗ trợ đã tìm người chăm sóc thay thế.

Hiện nay, ngoài sự hỗ trợ đột xuất, các ban, ngành, đoàn thể, xã còn trợ cấp thường xuyên cho Cẩm Tiên số tiền hơn 15 triệu đồng. Những trường hợp còn lại, mô hình kết nối hỗ trợ đã lập hồ sơ 9 trẻ em bị bệnh tim gửi về Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh để vận động phẫu thuật tim, hiện sức khỏe đều tốt. Ngoài ra, mô hình lập hồ sơ đề nghị Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ chi phí học tập cho 42 em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền từ 700.000 - 1.000.000 đồng/tháng.

Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Chợ Mới Lê Thị Huyền Trân cho biết, trong quá trình triển khai, các địa phương thấy được mục đích, ý nghĩa của mô hình nên lập kế hoạch rà soát trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để lập hồ sơ đưa vào quản lý trường hợp. Sau khi lập hồ sơ quản lý, mỗi quý họp 1 lần đưa ra hội thảo một số ca cần giúp đỡ khẩn cấp để các ban, ngành, đoàn thể góp ý kế hoạch tham vấn, tư vấn, kết nối hỗ trợ và ban hành kế hoạch thực hiện.

Qua kết quả đạt được đã tạo sự phấn khởi trong công tác trẻ em nói chung, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú nói riêng. Mô hình nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ và kinh phí từ tỉnh đến huyện, các đoàn thể địa phương. Đặc biệt, cán bộ trẻ em là những người rất nhiệt huyết, yêu nghề, sâu sát với các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn.

Trong thực tế triển khai, mô hình gặp một số khó khăn, trở ngại đến từ gia đình trẻ có nguy cơ bị xâm hại (hoàn cảnh, người thân, những người sống chung với trẻ). Người giám hộ trẻ đối với trẻ mồ côi phải có sự giám hộ của chú, bác thì không tiếp xúc được do họ đi làm ăn xa, thiếu sự hợp tác khi liên lạc qua điện thoại để bàn các vấn đề về trẻ.

“Cùng với nỗ lực khắc phục khó khăn, chúng tôi đề xuất Sở LĐ-TB&XH tiếp tục hỗ trợ kinh phí để địa phương duy trì hoạt động và tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của mô hình trong thời gian tới. Địa phương tiếp tục làm tốt công tác truyền thông về mục đích, ý nghĩa của mô hình và kết quả thực hiện mô hình để ngày càng giúp đỡ nhiều hơn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Chợ Mới Lê Thị Huyền Trân chia sẻ.

MỸ HẠNH