Từ năm 2022 – cuối năm 2024, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tri Tôn đã phát vay 181 lượt khách
Nguồn vốn vay kịp thời
Là một trong những huyện nghèo của cả nước theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Tri Tôn có gần 34% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là đồng bào DTTS Khmer. Thực hiện Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn đã triển khai cho vay vốn, hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS phát triển sinh kế, xóa nhà tạm, dột nát, giúp người dân từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Sinh sống tại xã An Tức, 1 trong 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện Tri Tôn, kinh tế gia đình ông Chau Sâm Nang gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, qua bình xét của tổ tiết kiệm và vay vốn cùng chính quyền địa phương, ông Chau Sâm Nang được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện giải ngân 100 triệu đồng để mua 3 con bò. Vừa chăn nuôi, vừa tích lũy vốn mở rộng quy mô, đến nay, ông Chau Sâm Nang đã phát triển được đàn bò lên 6 con. Ông Chau Sâm Nang chia sẻ: “Thủ tục vay vốn rất đơn giản, tiện lợi và không phải mất bất cứ khoản phí nào; nhận tiền vay tại điểm giao dịch xã. Trong thời gian vay vốn, gia đình tôi chấp hành tốt việc trả lãi, tham gia tiết kiệm định kỳ hàng tháng qua để tích lũy trả nợ khi đến hạn. Đến nay, tôi trả được 20 triệu tiền gốc và tiếp tục thực hiện tốt việc trả vốn trong thời gian tới”. Cùng xã với ông Chau Sâm Nang, ông Chau Chanh Tô cũng được hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi bò. Ngoài ra, gia đình ông Chau Chanh Tô còn được cho vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 20 triệu đồng để xây dựng hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.
Tại xã Núi Tô, gia đình chị Lê Kim Tươi trước đây gặp nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của đoàn thể và chính quyền địa phương, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện giải ngân cho gia đình chị Tươi vay vốn 100 triệu đồng. Với nguồn kinh phí trên, chị Tươi mở quán điểm tâm, giải khát để cải thiện kinh tế gia đình. “Đến năm 2023, khi 2 người con vào đại học, học phí cùng chi phí sinh hoạt khiến vợ chồng tôi vô cùng lo lắng. Biết được NHCSXH có chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình tôi tiếp tục làm đề nghị vay vốn và được xét duyệt cho vay số tiền 40 triệu đồng/sinh viên/năm học. Nguồn vốn vay đã giúp gia đình tôi an tâm cho con tiếp tục việc học” - chị Tươi chia sẻ.
Đa dạng chương trình hỗ trợ
Từ năm 2022 - cuối năm 2024, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn đã phát vay 181 lượt khách với số tiền 10,52 tỷ đồng, doanh số thu nợ đến nay đạt 602 triệu đồng. Giám đốc phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn Nguyễn Quốc Thanh cho biết, để truyền tải vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, đơn vị phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương… rà soát đối tượng, giải ngân kịp thời cho khách hàng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi đến người dân nhằm thực hiện hiệu quả việc cho vay và quản lý tín dụng chính sách. “Phòng giao dịch còn xây dựng mạng lưới 272 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 77/77 khóm, ấp trên địa bàn huyện. Hoạt động của các tổ này được củng cố, kiện toàn thường xuyên và nâng cao hiệu quả. Từ đó, đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người dân một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả; hạn chế được nạn “tín dụng đen” trên địa bàn” - Giám đốc phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn Nguyễn Quốc Thanh thông tin thêm.
Ngoài việc thụ hưởng các chương trình tín dụng, nếu có nhu cầu và đủ điều kiện, đồng bào DTTS còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai trên địa bàn huyện. Điển hình, như: Cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn; cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, lao động có thời hạn ở nước ngoài… “Có những hộ đồng bào DTTS vay vốn đồng thời từ 2 - 3 chương trình tín dụng chính sách. Nhờ vậy, đã giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương…” - Giám đốc phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tri Tôn Nguyễn Quốc Thanh thông tin.
Qua kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2024, toàn huyện Tri Tôn còn 1.478 hộ nghèo, tỷ lệ 4,42%, (giảm 2,05% so năm 2023). Trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS còn 1.063 hộ, tỷ lệ 9,54% so tổng số hộ dân tộc toàn huyện (giảm 4,81%); hộ cận nghèo còn 2.286 hộ, tỷ lệ 6,83% (giảm 1,57% so năm 2023) |
ĐỨC TOÀN