Điều trị cho bệnh nhi mắc ho gà tại bệnh viện Nhi Trung ương.
Ho gà nguy hiểm khi đồng nhiễm với các virus khác
Bị ho, tự điều trị tại nhà không khỏi, bệnh nhi M.T. Q. (1 tháng tuổi, ở Cao Bằng) được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng ho cơn dài, tím tái, bỏ bú. Khi vào viện, trẻ đã xuất hiện tình trạng suy hô hấp nặng, viêm phổi, phải đặt ống thở máy, kết quả xét nghiệm dương tính với ho gà và đồng nhiễm thêm virus RSV. Bệnh nhi được điều trị theo phác đồ điều trị ho gà, thở máy, dùng kháng sinh, hỗ trợ hô hấp…
Sau khoảng 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã tiến triển tốt, chuyển sang thở oxy gọng mũi. Các biểu hiện ho gà nặng đã giảm, chỉ còn ho đỏ mặt, các cơn ho cũng thưa dần; tình trạng tăng áp phổi, tăng bạch cầu máu đã có cải thiện.
Đáng chú ý, bệnh nhi này mới 1 tháng tuổi, chưa đủ tuổi tiêm phòng vaccine ho gà. Qua thăm hỏi tiền sử bệnh cho thấy, chưa rõ nguồn lây bệnh cho bé, trong gia đình cũng chưa có ai có biểu hiện bệnh ho gà. Mẹ của bé cũng không tiêm phòng vaccine có thành phần ho gà trong lúc mang thai.
Trước đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận trường hợp trẻ mắc ho gà nặng, đồng nhiễm các virus khác, trong đó có COVID-19. Bệnh nhi suy hô hấp nặng, phải thở máy tới hơn 2 tuần, phải điều trị kháng sinh tích cực, kiểm soát điện giải... bệnh mới thuyên giảm.
TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Số ca mắc ho gà đang có dấu hiệu giảm hơn so với thời điểm cách đây ít tuần. Giai đoạn cao điểm, có ngày tại Khoa điều trị lên tới 40 ca bệnh trong ngày.
Các biến chứng nặng của ho gà sẽ gây ra tình trạng suy tim, tăng áp phổi, thậm chí kèm theo có bội nhiễm viêm phổi, đồng nhiễm các virus làm cho tình trạng bệnh nặng lên.
“Nếu chỉ mắc ho gà, bệnh nhi đã có nguy cơ cao biến chứng nặng, lại cộng thêm đồng nhiễm các virus khác nhất là Adenovirus, RSV, COVID-19, khiến bệnh tiến triển nặng nhanh hơn, khó kiểm soát hơn”, TS.BS Đào Hữu Nam cảnh báo.
Trong giai đoạn cao điểm, bệnh viện phải bố trí các phòng cách ly, phân loại bệnh nhân; bố trí khu điều trị riêng cho các bệnh nhi ho gà. Đặc biệt những trẻ đồng nhiễm ho gà và các virus khác phải bố trí ở phòng riêng biệt để tránh lây chéo cho các bệnh nhi khác.
Tốc độ lây lan có đáng ngại
TS. BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định: “Năm nay, số ca mắc ho gà tăng đột biến. Đa số các ca bệnh có biểu hiện cơ bản, nhưng điểm khác so với các năm trước đây là số ca mắc ho ở trẻ dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ khá cao, tới 2/3 số trẻ nhập viện. Số ca nặng chiếm tới 10-20%. Các ca nặng là những trường hợp phải theo dõi rất sát với các biểu hiện: Có những cơn ho dài, tím tái, phải thở oxy, thở máy và phải can thiệp bằng các biện pháp khác”.
Về nguyên nhân bùng phát dịch ho gà năm nay, theo TS. BS Đỗ Thiện Hải, cần xem xét việc mầm bệnh ho gà có lưu hành trong cộng đồng như thế nào. Nếu các bà mẹ, những người thân trong gia đình có mang mầm bệnh ho gà tuy không biểu hiện ra nhưng vẫn là nguồn lây cho trẻ. Trong điều kiện nhiều trẻ không có kháng thể truyền từ mẹ thì số ca bệnh sẽ tăng lên.
“Ho gà là bệnh do vi khuẩn gây ra nên sẽ có mức độ lây lan chậm hơn so với virus như cúm hay COVID-19. Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, hay ở trong nhà, trong phòng, thường có người lớn đến thăm. Khi vào thăm, việc nói chuyện, cười, hắt hơi có thể vô tình là nguồn lây bệnh cho em bé; vì rất có thể có những người mang vi khuẩn ho gà, nhưng không có biểu hiện. Với em bé chưa có kháng thể từ mẹ, chưa đến tuổi tiêm chủng khi tiếp xúc với mầm bệnh, nguy cơ mắc bệnh hoàn toàn có thể xảy ra”, TS. BS Đỗ Thiện Hải cho biết.
Trong mùa tựu trường, nếu các trẻ lớn được tiêm chủng đủ mũi và nhắc lại ở giai đoạn 18 tháng đến 2 tuổi, thì nguy cơ thấp hơn. Thực tế, số ca mắc ho gà ở trẻ độ tuổi đến trường thường rất ít, nhẹ và ít có biến chứng nặng như ở trẻ nhỏ.
Theo Báo Tin Tức