Thời gian là yếu tố rất quan trọng trong cấp cứu đột quỵ (Ảnh minh họa)
Ngày 19-12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thông tin về một ca bệnh đột quỵ rơi vào tình trạng nguy kịch do sơ cứu ban đầu không đúng cách.
Bệnh nhân là ông P.D.Q, 66 tuổi, quê ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Theo lời kể, khi ông Q. đang đi lễ cùng người thân thì đột ngột xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, sau đó nhanh chóng liệt hoàn toàn nửa người phải. Lúc này, ông được sơ cứu tại chỗ bằng cách chích máu dái tai.
Sau gần 2 tiếng sơ cứu, tình hình vẫn không cải thiện, bệnh nhân đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Thời điểm nhập viện là ở giờ thứ 3 kể từ khi xuất hiện đột quỵ, bệnh nhân trong tình trạng ý thức chậm chạp, liệt hoàn toàn nửa người phải, nói khó, vị trí dái tai chảy máu.
Ê-kíp trực của bệnh viện đã lập tức khởi động quy trình cấp cứu người bệnh trong "giờ vàng" đột quỵ, chỉ định điều trị tiêu huyết khối đường tĩnh mạch. Người bệnh dần dần cải thiện khả năng nói, tình trạng liệt cải thiện dần, tay phải có thể nắm chặt và tự chủ động co duỗi được chân phải.
Theo các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, việc sơ cứu người có dấu hiệu đột quỵ như chích máu đầu tay, chích máu ở dái tai hay ngâm chân nước ấm, bấm huyệt, cạo gió... đã làm chậm trễ việc cấp cứu bệnh nhân. Bởi cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não bị chết nếu không được cung cấp máu và oxy. Mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết để lại khiếm khuyết thần kinh vô cùng nặng nề.
Với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là quan trọng nhất, các bệnh nhân đến viện càng sớm thì có cơ hội phục hồi càng tốt.
Các bác sĩ khuyến cáo, các dấu hiệu đột quỵ não điển hình gồm: Méo miệng, nói ngọng, tê yếu tay chân, mất thăng bằng, nhìn mờ... Khi quan sát thấy ai đó có ít nhất 1 trong 3 biểu hiện trên (lệch mặt, yếu chân tay, nói khó) hãy nghĩ đến bệnh lý đột quỵ não và lập tức gọi cấp cứu ngay.
Theo DUY TIẾN (An Ninh Thủ Đô)