Bị suy thận và những sai lầm nên tránh

29/10/2023 - 10:32

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh thận mạn tính. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý... giúp người bệnh giảm triệu chứng bệnh

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Đan Thùy, Trưởng Khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), cho biết người suy thận cần tuân thủ điều trị và có chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý thì mới kiểm soát tốt biến chứng trên thận. Những bệnh nhân tuân thủ điều trị có thể bảo tồn chức năng thận ổn định dù phát hiện suy thận nhiều năm.

Những sai lầm khi mắc bệnh thận

Thực tế có những bệnh nhân tự ngưng điều trị, tự thay thế hoặc uống kèm thêm các loại lá cây không rõ nguồn gốc theo lời mách bảo trên internet. Điều này dẫn tới hậu quả đáng tiếc là bệnh nhân rơi vào suy thận không thể hồi phục, phải lọc máu suốt đời.

Điển hình, mới đây, tại Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận nam bệnh nhân P.V.H (47 tuổi, ngụ Vĩnh Long) bị suy thận cấp trên nền suy thận mạn vì tự bỏ thuốc điều trị và tự ý dùng cây cỏ điều trị bệnh.

Theo bác sĩ Lê Thị Đan Thùy, trước đó, anh H. được thăm khám và chẩn đoán suy thận độ 3 tại bệnh viện. Sau đó, anh được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc bảo tồn chức năng thận, giúp ngăn chặn sự phát triển bệnh thận mạn. Tuy nhiên, anh đã không tái khám theo lịch hẹn và bỏ thuốc điều trị.

Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) thăm khám cho anh P.V.H (47 tuổi, ngụ Vĩnh Long) sau quá trình điều trị suy thận cấp

Mới đây, anh H. quay lại thăm khám vì ăn uống kém, da xanh xao, chân đau nhức không rõ nguyên nhân. Các bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Kết quả, anh bị suy thận cấp trên nền suy thận mạn giai đoạn 5, nguy hiểm tính mạng. Do đó, anh được tư vấn nhập viện để lọc máu nhằm tránh nguy cơ hôn mê, tử vong do các biến chứng suy thận cấp gây ra.

Khai thác bệnh sử, anh H. cho biết do thấy người không đau, mệt, nghĩ đã hết bệnh nên anh bỏ thuốc. Sau đó, anh làm theo lời mách bảo uống cỏ mực và đậu đen xanh lòng để ngừa bệnh. Mỗi ngày, anh uống khoảng một nắm tay cỏ mực và 2-3 muỗng đậu đen. Uống liên tục hơn 3 tháng, anh H. rơi vào suy thận mức độ nặng.

Sau 2 ngày điều trị, anh H. đã hết đau nhức, các chức năng thận được cải thiện. Tuy nhiên, sau đó anh phải dùng thuốc. Nếu điều trị bằng thuốc kém, chức năng thận không phục hồi tốt hơn, anh sẽ phải lọc máu định kỳ suốt đời.

Phải hết sức coi trọng chế độ ăn uống

Bác sĩ chuyên khoa I Đào Thị Yến Thủy, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), cho biết tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh thận chiếm khoảng 7% dân số và ngày càng gia tăng. Thận có chức năng bài tiết các chất dư thừa từ sự chuyển hóa của cơ thể, bảo tồn hay loại thải các tạp chất khác ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Ngoài ra, thận còn điều chỉnh nồng độ pH, muối và kali tạo ra các hormone điều chỉnh huyết áp và kiểm soát việc sản xuất các tế bào hồng cầu. Thận cũng chịu trách nhiệm kích hoạt một dạng vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi để xây dựng xương và điều chỉnh chức năng cơ.

Người bệnh thận nếu có một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian phải chạy thận, hạn chế biến chứng của bệnh. Đặc biệt, nó còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh, làm chậm diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, khi bệnh thận tiến triển, người bệnh thường mất cảm giác ngon miệng, dẫn đến tình trạng ăn uống kém và sụt cân nhanh chóng. Do đó, chế độ ăn của người bệnh suy thận rất cần sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng để bảo vệ thận và sức khỏe.

Theo bác sĩ Thủy, người suy thận nên chọn các món ít đạm như: gạo trắng, bột sắn dây, miến, khoai lang, bún, hủ tiếu, phở… Song song đó, người bệnh có thể ăn uống đầy đủ, đúng liều chất đạm, có thể lựa chọn thay thế đạm động vật (thịt heo, thịt bò, gà, cá…) bằng các loại đạm thực vật dễ tiêu hóa, calo thấp... Lưu ý, nếu bệnh nhân suy thận có kèm rối loạn mỡ máu, nên hạn chế ăn trứng gà, thịt đỏ... Ngoài ra, bệnh nhân có thể bổ sung canxi với các loại sữa ít đường hoặc không đường.

Đối với người bệnh suy thận chưa chạy thận nhân tạo có thể sử dụng thay thế bằng dầu thực vật như dầu mè, đậu nành, ôliu... để bổ sung chất béo. Cùng với đó, bổ sung đầy đủ vitamin qua rau xanh, trái cây... Có thể chọn các loại trái cây có màu xanh, đỏ, vàng, tím ở giai đoạn suy thận cấp.

Lưu ý đối với người suy thận kèm đái tháo đường

Đối với người bệnh suy thận kèm theo bệnh đái tháo đường nên chọn thực phẩm ít đường, ít đạm như khoai sọ, bún, bánh canh, bánh cuốn, khoai lang, táo Tây, cam, quýt, bưởi... Tuy nhiên, cần lưu ý hàm lượng kali trong từng loại thực phẩm. Có thể bổ sung thêm chất sắt, axit folic... theo yêu cầu của bác sĩ.

Đặc biệt, người bệnh suy thận không nên sử dụng chất kích thích, rượu bia, đồ uống có cồn, nước ngọt, cà phê... để tránh gây thêm gánh nặng cho thận.

Bác sĩ Thủy cho biết tùy theo giai đoạn của suy thận (cấp hay mạn tính), độ tuổi của bệnh nhân mà có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Theo HẢI YẾN (Người Lao Động)