Ngày 10-7, 9 chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường, viện, hội, bệnh viện... được mời đến Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tham vấn các giải pháp, bổ sung kịp thời cho công tác chống dịch của thành phố
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, dịch bệnh âm thầm lây lan mà không kiểm soát được, ngành y tế tiếp tục tầm soát, truy vết nhưng càng chạy theo thì khoảng cách càng xa. TP.HCM buộc phải áp dụng biện pháp cao hơn để nỗ lực ngăn chặn bằng chỉ thị 16 vào 0h ngày 9/7.
“Không còn đường nào khác là phải tập trung hết sức lực. Chính phủ và bộ ngành có nhiều hỗ trợ nhưng trách nhiệm chính là của mình”, ông Nguyễn Văn Nên nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng dịch bệnh âm thầm lây lan mà không kiểm soát được.
Nhận định TP.HCM đang đứng trước thử thách lớn, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, dù mỗi người vị trí khác nhau nhưng chắc chắn cùng điểm chung là đều mong muốn làm sao để khống chế, đẩy lùi và từng bước kiểm soát dịch bệnh. Do đó, ông luôn tôn trọng ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước.
"Chúng tôi không tự đưa ra các giải pháp, mà phải lắng nghe và tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Và tôi cảm thấy cần phải gặp trực tiếp các chuyên gia để bàn", Bí thư Thành ủy TP.HCM cho hay.
Theo các chuyên gia, TP.HCM quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trong bối cảnh dịch bệnh tăng cao là giải pháp đúng đắn và kiến nghị cần tận dụng "thời gian vàng" này để kiểm soát tình hình. Ngay lúc này, người dân cần chung tay, tuân thủ giãn cách và các biện pháp truy vết, xét nghiệm, điều trị của ngành y tế.
Bác sĩ Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho rằng, trong khoảng thời gian này cần phải giãn cách tuyệt đối theo đúng phương châm "Ai ở nhà đó, khu phố cách ly khu phố, phường cách ly phường", song song các giải pháp khác để từng bước kiểm soát dịch.
Còn theo bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, những ca nặng nhất hiện nay tại đơn vị hồi sức của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hầu hết là người trên 65 tuổi, có bệnh nền. Vì vậy, việc sớm tạo miễn dịch cho nhóm đối tượng này rất cần thiết để giảm tỷ lệ tử vong và giảm số ca nặng, giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Vaccine Nanocovax của Việt Nam sắp ra mắt sẽ giúp đảm bảo an ninh vaccine. Việc cần thiết ngay lúc này là đưa ra các kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ để vaccine này sớm được sử dụng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, TP.HCM sẽ được phân bổ thêm khoảng 1 triệu liều vaccine cũng như đảm bảo lượng test nhanh cần thiết.
Qua buổi làm việc, ông ghi nhận được nhiều ý kiến cần thiết để bổ sung kịp thời trong công tác chống dịch của TP.HCM thời gian tới. Nhiều ý kiến sẽ được đưa ra bàn thảo thêm với các ban ngành khác của ngành y tế.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ tham vấn thêm các ý kiến của chuyên gia ngoài nước, huy động trí tuệ, nhân lực, vật lực từ nhiều nguồn để kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống người dân trở về bình thường.
Theo TUỆ LÂM (VTC News)