Biến chứng khó lường của việc tiêm filler trẻ hóa khuôn mặt

03/09/2023 - 14:04

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mới tiếp nhận một phụ nữ áp xe má sau tiêm filler thường xuyên để trẻ hóa khuôn mặt. Nếu không lựa chọn đúng cơ sở thẩm mỹ uy tín, có nhiều biến chứng tiêm filler mà chị em dễ gặp phải khi đi làm đẹp.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phẫu thuật cho người bệnh.

Biến chứng nặng nề do tiêm filler

Thạc sĩ Lưu Phương Lan, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trung tâm vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ áp xe má sau tiêm filler thường xuyên để trẻ hóa khuôn mặt.

Bệnh nhân được chẩn đoán biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn. Đây là biến chứng hay gặp gần đây với những người tiêm filler ở cơ sở không uy tín.

Biến chứng nhiễm trùng filler biểu hiện trong vòng 2 tuần sau tiêm, vi khuẩn nuôi cấy được thường là tụ cầu vàng, E Coli …. "Trường hợp ca bệnh này chúng tôi xác định bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Klebsiella", bác sĩ Lan cho hay.

Tại Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, các bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch áp xe, khâu đóng hoặc tái tạo thì 2 cùng hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.

Bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân.

Bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân.

Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận những ca biến chứng do tiêm filler.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, mới đây nhất, anh tiếp nhận nữ sinh viên gặp biến chứng sưng phồng, nề đỏ sau khi tiêm filler làm đầy má ở một spa.

Bác sĩ phải điều trị kháng sinh tích cực, sau đó thử tiêm thuốc giải HA. Trường hợp này chủ yếu do người thực hiện thủ thuật tiêm sai kỹ thuật, chất lượng filler không bảo đảm nên gây ra biến chứng và được điều trị kịp thời.

Trường hợp khác là nữ sinh viên 20 tuổi, sau khi tiêm filler rãnh môi đã bị tím toàn bộ mũi, sưng nề, nhiều mụn nước. Bệnh nhân được chẩn đoán bị tắc mạch biến chứng do tiêm filler. Trường hợp này may mắn đến viện cấp cứu kịp thời nên sau một ngày điều trị kháng sinh và tiêm thuốc giải, bệnh nhân đã dần phục hồi da.

"Bệnh nhân này may chỉ tắc động mạch bên mũi và môi trên. Nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời, sẽ bị hoại tử toàn bộ da ở môi, mũi", bác sĩ Quân cho hay.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khác do tiêm phải chất filler trôi nổi ngoài thị trường khiến khi gặp biến chứng, các bác sĩ tiêm thuốc giải HA không có tác dụng. "Vài tuần, chúng tôi lại gặp một vài ca biến chứng từ nhẹ đến nặng do làm đẹp ở các spa không bảo đảm uy tín. Có nhiều ca biến chứng nặng nề, thậm chí bị mù mắt vì tiêm filler", bác sĩ Quân cảnh báo.

Biến chứng do tiêm filler.

Biến chứng do tiêm filler.

Cẩn trọng khi làm đẹp bằng tiêm filler

Tiêm filler (tiêm chất làm đầy da) là một trong những thủ thuật được thực hiện phổ biến nhất trong da liễu thẩm mỹ.

Filler này là một biện pháp thẩm mỹ nội khoa được thế giới công nhận, giúp làm đầy khiếm khuyết trên khuôn mặt như trũng mắt, trũng lệ, hõm thái dương, cằm ngắn, cằm lẹm… để gương mặt đầy đặn, tròn trịa hơn. Ngoài ra, phương pháp này giúp chị em phụ nữ vào tuổi lão hóa điều trị da mặt nhăn, làm da căng bóng.

Kể từ năm 1980, collagen được giới thiệu như chất làm đầy đầu tiên, trong 3 thập kỷ qua, đã có một cuộc cách mạng trong phương pháp trẻ hóa khuôn mặt do sự cải tiến của nhiều loại chất làm đầy mới.

FDA đã phê duyệt nhiều loại chất làm đầy khác nhau, mỗi loại có thành phần, cách tiêm, thời gian tác dụng riêng biệt, trong đó HA (acid hyaluronic) là loại filler được sử dụng nhiều nhất, tiếp theo là CaHa, PLLA, PMMA...

Filler là phương pháp ngày càng phổ biến do khả năng lấy lại vẻ ngoài trẻ trung mà không cần đến phẫu thuật, thực hiện tại phòng khám dễ dàng không cần gây mê, gây tê, thời gian nghỉ dưỡng tối thiểu và đặc biệt được cho là an toàn với cơ thể.

Các loại filler được FDA cấp phép vẫn khẳng định tính hiệu quả, linh hoạt và an toàn, với tỷ lệ biến chứng thấp và phần lớn ở mức độ nhẹ như bầm tím, ban đỏ, nóng rát tại chỗ... Tuy nhiên, trên thực tế cùng với sự gia tăng số lượng thủ thuật tiêm filler là sự đồng thời gia tăng số lượng biến chứng xảy ra.

Theo các bác sĩ da liễu, filler vẫn là chất lạ đối với cơ thể, nếu bị lợi dụng hoặc thực hiện bởi người thiếu chuyên môn thì có thể gặp những biến chứng khó lường: nhiễm trùng, áp xe, tắc mạch, hoại tử.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Quân phân tích, một số trung tâm thẩm mỹ, spa không bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất để bảo đảm nguyên tắc vô trùng khi đưa chất ngoại lai vào cơ thể.

Bên cạnh đó, các sản phẩm trôi nổi ngoài thị trường cũng rất nhiều loại không có nguồn gốc, đóng gói không đúng quy chuẩn cũng dễ gây ra nhiễm khuẩn.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương tư vấn cho người bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương tư vấn cho người bệnh.

Quan trọng hơn nữa chính là tay nghề của người làm thủ thuật. Nếu không hiểu về cấu trúc giải phẫu, không được đào tạo bài bản, người làm thủ thuật có thể gây ra những biến chứng, phổ biến là sưng nề, bóng đỏ, nguy hiểm hơn gây ra tắc động mạch trung tâm, thí dụ như gây mù mắt do tiêm mũi, rãnh mũi, tiêm môi...

"Biến chứng chúng tôi hay gặp nữa là nhiều chị em làm đẹp bằng phương pháp tiêm meso (tiêm các tinh chất HA) cấp ẩm, giúp cho da căng bóng, trẻ hóa hoặc điều trị rám má để làm thay đổi sắc tố. Về mặt cơ bản liệu pháp này hiệu quả, tuy nhiên chúng tôi cũng hay tiếp nhận bệnh nhân gặp biến chứng sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc khiến bị nhiễm trùng u hạt trên mặt", bác sĩ Quân cho hay.

Chuyên gia này nhấn mạnh, bất kỳ thủ thuật xâm lấn nào đều phải do bác sĩ thực hiện, có chứng chỉ hành nghề, phải được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực đó. Việc các spa để nhân viên thực hiện kỹ thuật xâm lấn như tiêm filler, tiêm meso, botox... là vi phạm quy định.

Để phòng ngừa các biến chứng trong sử dụng filler làm đẹp, các bác sĩ da liễu lưu ý trước khi tiêm khách hàng cần được thảo luận về hiệu quả, tác dụng mong muốn, độ bền cũng như rủi ro tiềm ẩn để không bị lợi dụng hoặc lạm dụng tiêm các chất làm đầy.

Tại các cơ sở thực hiện tiêm filler cần lựa chọn sản phẩm bảo đảm chất lượng được chứng nhận bởi FDA. Người thực hiện tiêm filler cần hiểu rõ cấu trúc giải phẫu, có kiến thức chuyên môn quy trình thực hiện, đến phát hiện và xử trí biến chứng để bảo đảm mang lại kết quả thẩm mỹ an toàn tối ưu.

Các cơ sở thực hiện thủ thuật cần tối đa hóa kỹ thuật tiêm và hiểu biết thấu đáo về các biến chứng tiềm ẩn cũng như cách xử trí có thể giúp tránh và hạn chế thương tổn.

Bác sĩ Quân bày tỏ, hiện nay vấn nạn spa làm các thủ thuật chui ngày càng phổ biến do thị trường làm đẹp dễ kiếm tiền. Các spa hay tung ra những gói dịch vụ giá rẻ để hấp dẫn chị em dù họ không được cấp phép thực hiện các thủ thuật xâm lấn.

Nhưng thực tế, giá rẻ không bao giờ đi kèm chất lượng. Một số spa quảng cáo cả công tiêm có 800-1 triệu đồng/thủ thuật thì không thể bảo đảm sản phẩm filler chất lượng bởi vì thực tế, tại bệnh viện, giá một ml filler và công bác sĩ thực hiện thủ thuật có giá cao hơn khoảng 5 lần.

"Biến chứng từ bác sĩ sẽ nhẹ nhất và có cách xử lý được, còn biến chứng ở các cơ sở spa không uy tín gây ra tình trạng nặng nề cho người bệnh. Để dẹp vấn nạn spa chui, làm thủ thuật chui thì cần phải vào cuộc quyết liệt của nhiều cơ quan chức năng từ Sở Y tế, Tổng Cục quản lý thị trường, Sở Công thương...", bác sĩ Quân nói.

Theo THIÊN LAM (Báo Nhân Dân)