Sản xuất sợi. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Đặc biệt, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh theo xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua đã đẩy doanh nghiệp nhiều ngành hàng vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Bởi, khi sức mua trên thị trường yếu mà tăng giá thành hàng hóa thì đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh số.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó Chủ tịch Hội Dệt may, thêu, đan TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình giá cả nguyên vật liệu thô trong ngành này đang bất ổn và một số mặt hàng đã có tín hiệu leo thang về giá cả. Cụ thể, giá sợi cotton phục vụ cho ngành dệt may, thêu, đan nhập khẩu trong 2 năm qua tăng khoảng 70%, giá nguyên phụ liệu nội địa tăng 40%...
Cùng với đó, giá xăng dầu tăng đã kéo theo giá dịch vụ logistics trong chuỗi cung ứng tăng, nên việc điều chỉnh cơ cấu giá thành phẩm và đơn hàng bắt đầu gặp nhiều khó khăn trên thị trường trong và ngoài nước. Hơn thế nữa, lệ phí hạ tầng logistics tại các cảng biển, kho bãi... cũng đang điều chỉnh tăng trong năm nay.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP Hồ Chí Minh cho hay, thống kê trong doanh nghiệp thành viên của Hội, đơn hàng da giày đã và đang có đến hết tháng 7/2022. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng song song đó doanh nghiệp cũng đang đối mặt với không ít nỗi lo về chi phí đầu vào tăng như: xăng dầu, nguyên vật liệu và thêm nữa là chi phí thuê, mướn cơ sở hạ tầng tại các cảng biển.
Không riêng gì ngành dệt may, da giày... mà nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh đang phải tìm mọi giải pháp giải bài toán thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp vừa phải không ngừng nỗ lực phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau hai năm bị "đóng băng" bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, vừa phải bám sát thị trường giá cả trong và ngoài nước để kịp thời ứng phó với việc giá nhiều mặt hàng đặc biệt "nhảy múa" từng ngày hay theo từng đợt điều chỉnh, phiên giao dịch định kỳ.
Phân tích cụ thể, bà Lê Thị Hồng Loan, Phó Chủ tịch Hội tự động hóa TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, logisctic là điểm nghẽn của chuỗi cung ứng nhưng có vai trò quan trọng hàng đầu đối với sản xuất kinh doanh và cũng điểm yếu của Việt Nam. Do đó, giá thành logistic có tác động trực tiếp đến giá thành thành phẩm của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, lẫn hoạt động xuất nhập khẩu như linh kiện, thiết bị, nguyên vật liệu...
Ngành hàng công nghiệp là xương sống của nền sản xuất kinh doanh, nhưng trong hai năm qua hầu hết doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 và xoay sở mọi giải pháp để duy trì hoạt động. Dịch bệnh gây đứt gẫy chuỗi cung ứng và doanh nghiệp công nghiệp nội địa phải hỗ trợ ngành sản xuất kinh doanh nhận chuyển giao công nghệ khi chuyên gia nước ngoài không nhập cảnh Việt Nam được. Trước bối cảnh này, giá cả nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào biến động lại tiếp tục "bủa vây" và làm khó doanh nghiệp hơn bao giờ hết.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, ngành Công Thương TP Hồ Chí Minh đã và đang bám sát diễn biến thị trường giá cả, nhất là những mặt hàng đặc biệt để đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp giữ thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh trước áp lực nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng tăng. Vấn đề mâu thuẫn hiện nay là giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá vì sức mua yếu, thị trường đầu năm 2022 vừa xuất hiện một số tín hiệu tốt thì lạm phát lại có nguy cơ gia tăng...
Từ thực tế hiện nay, đại diện nhiều Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất, sở, ngành, thành phố cần tham mưu và kiến nghị với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về cơ chế chính sách nhất quán trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, cơ chế chính sách trong công tác này nếu có điều chỉnh cần hạn chế tình trạng "đột ngột" và cần kịp thời cung cấp thông tin phổ biến rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp.
Trước thực trạng giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần xem xét hoãn hoặc dời thời gian triển khai thu những lệ phí mới tại khu vực hạ tầng cảng biển trong xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, sở ngành TP Hồ Chí Minh nên tiếp tục phát huy vai trò đầu mối hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xúc tiến tiến thương mại, liên kết vùng, xuất nhập khẩu...
Đại diện Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) cho rằng, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục giải pháp kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ và tăng cường thông tin chính thống, nhất là vấn đề tiêm vacine; xử lý F0, F1... để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như người lao động, người dân... Mặt khác, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng nên khẩn trương có chính sách bình ổn giá thị trường từ đó định hướng và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn sản xuất kinh doanh.
Điển hình, đối với ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ có hơn 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã và đang gặp nhiều thách thức khi tham gia thị trường toàn cầu nên có nhu cầu hỗ trợ thông tin thị trường xuất nhập khẩu. Cộng đồng doanh nghiệp không nhất thiết cần hỗ trợ chi phí, mà quan trọng là cơ chế chính sách đặc thù cho từng ngành, từng thời điểm, nhất là trong những giai đoạn thị trường toàn cầu có nhiều mặt hàng dao động mạnh về giá cả và nguồn cung.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiến nghị, trong thời điểm này, kết nối thị trường cung - cầu hàng hóa trong và ngoài nước là quan trọng vấn đề quan trọng hàng đầu. Thông qua đó, cộng đồng doanh nghiệp có thể nhanh chống cập nhật thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm, khai thác thế mạnh của nhau...
Khảo sát thị trường xăng dầu, cũng như theo nhận định của một số doanh nghiệp, đầu mối kinh doanh mặt hàng này cho thấy, giá xăng đang chịu sức ép tăng 2.000-3.000 đồng mỗi lít nên giá mặt hàng này có thể sẽ điều chỉnh tăng lần thứ 7 liên tiếp. Cụ thể, ngày 11/3 là kỳ điều hành giá xăng dầu của chu kỳ mới trên thị trường nội địa.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8/3/2022 với RON92 là 133,8 USD/thùng, RON95 135,5 USD/thùng, tăng 18%-20% so với đợt điều chỉnh trước đó. Đặc biệt, ngày 8/3/2022, xăng RON92 chạm mốc 150 USD/thùng, cao nhất trong 14 năm qua.
Nhiều chuyên gia dự báo, sau lệnh cấm nhập khẩu từ Nga của Mỹ, thị trường toàn cầu sẽ còn hoảng loạn đẩy giá dầu leo thang với mức giá khó đoán trước. Chiến tranh Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng chưa từng có tiền lệ và vượt xa mốc dự đoán và doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam đang bị thua lỗ.
Theo MỸ PHƯƠNG (TTXVN)