Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

09/02/2023 - 07:16

 - Với sự quan tâm của các cấp, ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Phát huy vai trò phụ nữ

Là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, An Giang luôn quan tâm thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ bình đẳng giới cho đồng bào DTTS. Mới đây, UBND tỉnh đã triển khai Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2022-2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, việc triển khai đề án nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và người dân vùng DTTS trong thực hiện các quy định của Luật Bình đẳng giới; tiến tới dần xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, định kiến giới và các quan niệm lạc hậu về giới trong cộng đồng các DTTS. Đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ DTTS trong gia đình, xã hội, giảm khoảng cách về giới… Từ đó, góp phần vào sự tiến bộ của phụ nữ vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Nâng cao vị thế, vai trò phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số

UBND tỉnh yêu cầu các hoạt động đảm bảo bình đẳng giới phải phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Kế hoạch triển khai phải thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát quy định của pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Ngoài ra, phải chú trọng đến chất lượng tuyên truyền bằng các hoạt động phù hợp để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin.

Đồng thời, nắm bắt những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và cộng đồng, từ đó kịp thời xử lý vấn đề bạo lực gia đình theo hướng gắn trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng người có uy tín trong đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ định kiến về giới và ngăn chặn, xử lý vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực học đường…

Đề án hướng đến mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới. Cụ thể, 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương và 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã; người có uy tín, trưởng khóm, ấp; các tổ chức đoàn thể khóm, ấp vùng DTTS được phổ biến pháp luật, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. 100% các trường dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới, nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi…

Nhiều giải pháp trọng tâm

Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới. Công tác tuyên truyền chủ yếu về pháp luật bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trong các trường học trên địa bàn vùng DTTS, nhất là các trường dân tộc nội trú bằng nhiều hình thức phù hợp… Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các tiểu phẩm tuyên truyền những nội dung liên quan đến yếu tố giới, chú trọng tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.

Ông Trần Anh Thư yêu cầu các đơn vị nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Trong đó, tập trung bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho đội ngũ làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường dân tộc nội trú các cấp, người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Ngoài ra, tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động bình đẳng giới phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện, trình độ và văn hóa dân tộc. Các ngành, địa phương phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS; huy động sự tham gia của các nhân sĩ, trí thức người DTTS, học sinh tại các trường dân tộc nội trú trong việc tuyên truyền, vận động, thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành hỗ trợ xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ DTTS phù hợp với điều kiện KTXH, đặc điểm văn hóa, phong tục của địa phương…

Với sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác bình đẳng giới, đã giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ người DTTS trên địa bàn tỉnh có thêm kiến thức về các lĩnh vực để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, từng bước khẳng định vai trò của người phụ nữ trên các lĩnh vực phát triển KTXH…

ĐỨC TOÀN