Mức đóng của nhóm học sinh - sinh viên sau khi được nhà nước hỗ trợ 30% sẽ bằng mức đóng của thành viên thứ 2 trong nhóm hộ gia đình nhưng lại cao hơn mức đóng của thành viên thứ 3 trở đi. Do vậy, cử tri Bình Định kiến nghị cho phép người dân được lựa chọn hình thức đóng phù hợp nhằm giảm bớt chi phí.
Chưa thể điều chỉnh cho học sinh được tham gia BHYT hộ gia đình
Trả lời kiến nghị này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (1.263.600 đồng/năm); Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Thành viên hộ gia đình | Mức đóng BHYT (đồng) |
Người thứ 1 (100%) | 1.263.600 |
Người thứ 2 (70% của người thứ 1) | 884.520 |
Người thứ 3 (60%) | 758.160 |
Người thứ 4 (50%) | 631.800 |
Người thứ 5 trở đi (40%) | 505.440 |
Theo Luật Bảo hiểm y tế, trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự.
Theo quy định này, nội dung kiến nghị của cử tri về việc điều chỉnh cho nhóm đối tượng học sinh được tham gia BHYT hộ gia đình, hiện nay là chưa thể thực hiện được vì học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (theo thứ tự đối tượng đầu tiên được xác định).
Theo đó, hiện mức đóng BHYT của học sinh sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, còn lại học sinh sinh viên tự đóng 70%). Cụ thể, mỗi năm học sinh, sinh viên sẽ đóng 884.520 đồng, nhà nước hỗ trợ 379.080 đồng.
Để chia sẻ với ngân sách Trung ương và hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT có điều kiện kinh tế khó khăn, Nghị định số 75/2023 của Chính phủ đã quy định căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiều và mức hỗ trợ đóng cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.
"Bộ Y tế sẽ tổng hợp và tham mưu báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế đảm bảo sự công bằng, phù hợp giữa các nhóm đối tượng và quy định của pháp luật", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Trong văn bản trả lời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong cử tri "thấu hiểu và ủng hộ chính sách BHYT", tích cực tham gia BHYT để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.
Một số địa phương đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHYT lên 50% cho học sinh, sinh viên
Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 93,6 triệu người tham gia BHYT, tương đương tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Tính đến ngày 30/6, số học sinh sinh viên tham gia BHYT là hơn 15,7 triệu người (khoảng 97,2%). Nhóm đối tượng là sinh viên tham gia với tỷ lệ thấp hơn nhóm học sinh.
"Nguyên nhân có thể do mức phí của học sinh, sinh viên còn cao, trong khi phần hỗ trợ 30% từ ngân sách nhà nước như hiện nay là thấp, đặc biệt đối với hộ gia đình đông con", Bộ Y tế nêu trong dự thảo báo cáo tác động chính sách Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang lấy ý kiến rộng rãi.
Theo cơ quan soạn thảo, một số địa phương đề xuất nên tăng mức hỗ trợ đóng từ 30% lên 50% cho nhóm học sinh, sinh viên vì đây là nhóm phụ thuộc, tỷ lệ sử dụng BHYT "không cao"; Học sinh, sinh viên có thể lựa chọn tham gia BHYT tại trường hoặc theo hộ gia đình để được giảm trừ với mức phí thấp hơn đóng tại trường.
Thực tế, trong báo cáo gửi Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện Luật BHYT phiên bản tháng 9, Bộ Y tế chỉ ra một trong những khó khăn, bất cập trong quy định của luật hiện hành là đối tượng tham gia BHYT, liên quan đến đối tượng học sinh sinh viên.
Theo đó, "mức đóng và việc giảm trừ mức đóng cho các thành viên hộ gia đình khi cùng tham gia BHYT chưa thực sự công bằng so với các nhóm đối tượng khác, trong đó có học sinh, sinh viên", báo cáo của Bộ Y tế nêu.
Việc tham gia BHYT của học sinh, sinh viên chưa bảo đảm linh hoạt, chưa bảo đảm quyền lợi đối với trường hợp học sinh, sinh viên đồng thời là thành viên của hộ gia đình. Điều này dẫn đến mức đóng của học sinh, sinh viên cao hơn khi so sánh với mức đóng của họ nếu tham gia với tư cách là thành viên hộ gia đình.