Không uống quá nhanh
Uống quá nhiều và quá nhanh rượu bia khiến cơ thể không xử lý kịp có thể dẫn đến quá liều, ngộ độc. Theo Viện Quốc gia về Lạm dụng rượu và nghiện rượu Mỹ, có quá nhiều cồn trong máu khiến các vùng não kiểm soát những chức năng hỗ trợ sự sống cơ bản như thở, nhịp tim và thân nhiệt bắt đầu ngừng hoạt động.
Các triệu chứng của quá liều rượu bao gồm lú lẫn, khó giữ được tỉnh táo, nôn mửa, co giật, khó thở, nhịp tim chậm, phản ứng chậm, thân nhiệt thấp, thậm chí tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.
Uống rượu quá nhanh là khi một phụ nữ uống 4 đơn vị cồn hoặc một người đàn ông uống 5 đơn vị cồn trong khoảng 2 giờ. Thông thường, 1 đơn vị cồn tương đương 10g cồn ứng với 200ml bia (5%), 1 ly rượu vang 75ml (13,5%), 1 chén rượu mạnh 25ml (40%).
Không uống rượu bia sát giờ đi ngủ
Theo Verywellhealth, ban đầu, uống rượu sát giờ đi ngủ sẽ tăng cường mức adenosine trong não, có thể dẫn đến buồn ngủ. Nhưng sau đó, giấc ngủ sẽ bị gián đoạn, không sâu, tình trạng ngáy trở nên tồi tệ hơn, thậm chí gây chứng ngưng thở khi ngủ. Khi đó, bạn có thể thường xuyên tỉnh giấc, đổ mồ hôi trộm, đau đầu, gặp ác mộng.
Lý do là khi bạn uống quá nhiều rượu hoặc uống một lượng lớn rất nhanh, mức melatonin có thể thay đổi trong vòng 1 tuần sau đó. Melatonin là một loại hormone mà cơ thể tạo ra để điều hòa giấc ngủ.
Bởi vậy, hãy cố gắng tránh uống rượu 4 giờ trước khi bạn định đi ngủ.
Không uống rượu bia trên máy bay
Bạn có thể muốn thưởng thức ly rượu/bia miễn phí trên một chuyến bay dài nhưng đây là sở thích không tốt. Theo Cleveland Clinic, thay đổi áp suất và độ ẩm thấp trong khoang máy bay có thể dẫn đến tình trạng mất nước nhanh hơn. Rượu bia là đồ uống lợi tiểu, làm tăng lượng chất lỏng mà cơ thể bạn thải ra.
Không khí khô trên máy bay cùng với việc thường xuyên chạy vào nhà vệ sinh là nguyên nhân gây ra tình trạng nôn nao vì mất nước, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
Không uống rượu bia với thuốc
Theo Business Insider, thuốc an thần như thuốc hỗ trợ giấc ngủ ức chế hệ thần kinh trung ương khiến các chức năng quan trọng như nhịp thở và nhịp tim của bạn chậm lại, khiến bạn cảm thấy buồn ngủ.
Rượu cũng có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương. Kết hợp thuốc an thần và rượu có thể khuếch đại tác dụng của cả hai, khiến người dùng cảm thấy rất buồn ngủ, mất phương hướng. Trong một số trường hợp, người uống có thể co giật, khó thở, bất tỉnh và tử vong.
Ngoài ra, uống rượu trước hoặc sau khi dùng thuốc giảm đau thông thường như ibuprofen hoặc acetaminophen cũng có thể nguy hiểm. Lượng rượu lớn tương tác với thuốc gây chảy máu dạ dày, tổn thương gan. v