Đồng tiền ảo Libra của Facebook đang hứa hẹn sẽ thống trị không gian tiền điện tử. Ảnh: Conversation
Ngày 18/6 vừa qua, Facebook đã giới thiệu Libra, một loại tiền điện tử cho phép người dùng thực hiện thanh toán quốc tế qua Messenger và các nền tảng nhóm khác như WhatsApp, dự kiến hoạt động từ năm 2020.
Cách thức hoạt động
Người dùng sẽ mua Libra bằng đồng nội tệ của mình và giữ số dư tiền trong ví điện tử của Facebook, được gọi là Calibra. Họ có thể chuyển tiền cho người dùng khác, như người thân trong gia đình sống ở quốc gia khác, hoặc mua các mặt hàng hay dịch vụ từ nhà bán lẻ trực tuyến tham gia hệ thống. Ngoài Calibra, người dùng có thể mua và bán Libra thông qua ví của bên thứ ba.
Để chuyển đổi tiền mặt trong thế giới thực thành tiền ảo người dùng có thể tới các cửa hàng tiện lợi để nạp, giống như cách nạp thẻ điện thoại. Ý tưởng ở đây là một Libra sẽ có giá trị tương đương với một lượng USD, euro nhất định, nhưng giá trị quy đổi chưa được xác định.
Sau khi Libra ra mắt vào 2020, người dùng sẽ cần cung cấp chứng minh cá nhân do chính phủ cung cấp để lập tài khoản.
Một lý do chính cho sự ra đời của Libra, theo Facebook, là để tạo thuận lợi về tài chính. Nó sẽ cho phép hàng triệu người dùng không có tài khoản ngân hàng ở các khu vực xa xôi trên thế giới giao dịch theo cách mà các hệ thống tài chính chính thức đã từ chối họ. Bởi vì họ có thể gửi và nhận Libra trên cơ sở ngang hàng, mà không cần ngân hàng; các giao dịch cũng sẽ rẻ hơn và nhanh hơn.
Ít nhất Facebook đã không gọi tiền ảo của mình là Zuckerberg. Ảnh: EPA
Libra dường như được thiết kế để tránh khỏi sự chỉ trích về các loại tiền điện tử hiện có như Bitcoin và Ethereum - rằng chúng không thể thỏa mãn ba đặc điểm cơ bản của tiền tệ: là phương tiện trao đổi; một kho lưu trữ giá trị và một đơn vị tài khoản.
Tranh cãi xảy ra do những đồng tiền ảo này không thể trao đổi rộng rãi và vì giá trị trao đổi biến động lớn khiến chúng không hấp dẫn để lưu trữ như của cải hoặc định giá hàng hóa và dịch vụ. Tóm lại, chúng không thực sự khả thi như tiền thật.
Trong khi tỷ giá hối đoái của các loại tiền điện tử khác hoàn toàn bị chi phối bởi cung và cầu, đồng Libra sẽ được định giá theo rổ tiền gửi ngân hàng và các loại trái phiếu chính phủ ngắn hạn bằng các loại tiền tệ có uy tín như đồng đô la Mỹ, bảng Anh và euro. Do đó, nó sẽ là một đồng tiền ổn định, ít có khả năng chứng kiến những biến động tương tự như các loại tiền kỹ thuật số khác.
Tuy vậy, theo tờ Conversation, đồng tiền mới của Facebook vẫn đặt ra một số vấn đề cần được xem xét nghiêm túc trước khi nó ra mắt:
1. Facebook và dữ liệu
Facebook đã cố gắng trấn an thế giới bằng cách giao việc quản lý Libra cho một nền tảng độc lập được gọi là Hội đồng Hiệp hội Thiên Bình. Đặt trụ sở tại Geneva, nhóm này sẽ bao gồm đại diện các tổ chức tài chính chính thống như PayPal, Mastercard và Visa, những bên đã đầu tư đáng kể vào dự án này, cũng như Uber, Spotify và Vodafone. Hội đồng rõ ràng được thiết kế để tối đa hóa việc tham gia vào đồng tiền mới.
Tuy nhiên, những bê bối xử lý sai dữ liệu của Facebook vẫn là một lý do gây lo ngại. Mặc dù Facebook đảm bảo rằng họ sẽ giữ các dữ liệu tài chính và xã hội của người dùng một cách tách biệt chặt chẽ, nhưng vẫn còn đó câu hỏi là: nếu họ đã từng xử lý sai dữ liệu xã hội, thì liệu có thể tin cậy được không với dữ liệu tài chính của người dùng.
2. Rửa tiền
Libra có liên quan lớn đến các quy tắc trong chống rửa tiền. Giống như bất kỳ bên trung gian tài chính nào khi tiếp nhận một khách hàng mới, Facebook sẽ phải thu thập các thông tin xác minh khác nhau của người dùng muốn thiết lập tài khoản ví Calibra, trong đó có cả chứng minh nhận dạng cá nhân do chính phủ cấp.
Liệu Libra có rơi vào vết xe đổ của Liberty, đồng tiền thu hút nhiều hoạt động bất hợp pháp và đã bị ngừng hoạt động. Ảnh: Getty Images
Nhưng vì người dùng sẽ ở khắp nơi trên thế giới, Facebook sẽ xác thực thông tin được cung cấp như thế nào? Đó là vấn đề cũng xảy ra với Liberty Reserve, một loại tiền kỹ thuật số hoạt động ở Costa Rica và được các đối tượng rửa tiền sử dụng để "rửa" hàng tỷ đô la Mỹ cho đến khi nó bị cấm vào năm 2013. Các công tố viên sau đó mô tả đây có thể là vụ án rửa tiền lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Liberty Reserve hoạt động theo cách tương tự như PayPal. Nó cho phép người dùng đăng ký và chuyển tiền cho người dùng khác chỉ với tên, địa chỉ email và ngày sinh. Không có nỗ lực nào được thực hiện để xác minh danh tính người dùng, và đồng tiền này đã thu hút nhiều hoạt động bất hợp pháp.
Người dùng sẽ chuyển tiền từ ngân hàng truyền thống sang một bên trao đổi thứ ba, thường không được cấp phép và không hoạt động đúng quy định. Bên thứ ba này sẽ chuyển đổi tiền thật sang tiền kỹ thuật số, loại tiền không thể truy dấu nguồn gốc ban đầu của nó, và sau đó được gửi vào tài khoản Liberty Reserve. Không có giới hạn về quy mô giao dịch. Liberty tính phí dịch vụ 1% cho mỗi lần chuyển và cung cấp chức năng giỏ hàng. Tất cả các giao dịch đều 100% không thể hủy ngang.
Cuộc điều tra dẫn đến việc đóng cửa Liberty cũng rất có vấn đề khi các công tố viên yêu cầu sự hợp tác của nhiều khu vực pháp lý với các quy tắc lỏng lẻo xung quanh việc chống rửa tiền hoặc điều tra tội phạm tài chính. Trong khi đó, mặc dù Libra sẽ được hỗ trợ bởi một loạt các công ty blue chip, nhưng có vẻ như nó cũng có khả năng dẫn đến những vấn đề tương tự.
3. Bảo mật người dùng
Facebook cho biết họ sẽ chịu chi phí tổn thất phát sinh từ các vụ tấn công mạng nhằm vào ví Calibra, lừa đảo và mất quyền truy cập vào tài khoản. Nhưng làm thế nào điều này khả thi ngay cả đối với một công ty công nghệ lớn trong trường hợp phải đối mặt với tổn thất khổng lồ? Facebook hoặc Hội đồng Thiên Bình sẽ cần chấp nhận các yêu cầu tương tự như bất kỳ ngân hàng nào khác là phải dành riêng một mức vốn nhất định phục vụ trang trải chi phí cho các sự cố như vậy.
Đồng tiền ảo sẽ chiếm nhiều không gian của tiền thật. Ảnh: Reuters
4. Rủi ro hệ thống
Quy mô tuyệt vời của dự án Libra thực sự đáng kinh ngạc. Facebook có 2,4 tỷ người dùng, trong khi WhatsApp có 1,5 tỷ. Đặc biệt nếu Facebook thúc đẩy mối quan hệ của mình với 7 triệu nhà quảng cáo và hơn 90 triệu doanh nghiệp nhỏ, đồng tiền Libra có thể sẽ mang tính toàn cầu trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định tài chính toàn cầu và rủi ro hệ thống.
Libra rõ ràng sẽ cần một quy định toàn cầu phù hợp, nhưng điều này không thực sự tồn tại và rất khó có thể xuất hiện trong năm tới. Liệu việc đề ra quy định này có thuộc về một trong những cơ quan điều phối ngân hàng quốc tế - như Ủy ban Điều tiết ngân hàng Basel (BCBR), Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính (FCTF) hoặc Hội đồng Ổn định tài chính (FSB) – hay một hiệp hội các ngân hàng trung ương toàn cầu?
Ngay cả trước khi có thông báo về Libra, việc thiếu một quy định toàn cầu về tiền điện tử đã là một chủ đề nóng: các cuộc thảo luận giữa các quốc gia và các tổ chức chính liên quan đến tài chính quốc tế vẫn đang diễn ra để giải quyết vấn đề này, nhưng không có tổ chức nào được chỉ định quyền giám sát toàn cầu.
Nếu những vấn đề trên có thể được giải quyết, Libra sẽ sẵn sàng thống trị không gian tiền điện tử - và rất có thể trở thành một loại tiền tệ toàn cầu. Tuy nhiên, trong trường hợp không có một chế độ điều tiết toàn cầu duy nhất, Libra cũng đòi hỏi một mức độ phối hợp điều tiết mạnh mẽ trên toàn thế giới. Đó sẽ là một thử thách to lớn.
Theo THU HẰNG (Báo Tin tức)