Ảnh minh họa: TTXVN
Tiên phong triển khai mô hình điều trị viêm gan tại tuyến cơ sở
Trước đây, việc phát hiện và điều trị bệnh tại tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy nhiên, với sự ra đời của dự án "Tăng cường sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị viêm gan tại tuyến y tế cơ sở" (StITCH) được bảo hiểm y tế chi trả, một bước ngoặt được tạo ra trong công tác phòng, chống viêm gan virus tại Việt Nam. Dự án được thực hiện bởi Chương trình Hợp tác phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) thuộc Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess (BIDMC) – Trường Y Harvard, phối hợp cùng Sở Y tế Thái Bình và quỹ Gilead Sciences, triển khai trong 4 năm (từ 2022 - 2026).
Thái Bình được lựa chọn làm địa phương triển khai dự án tăng cường sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị viêm gan tại tuyến y tế cơ sở. Trong khuôn khổ dự án, mô hình sàng lọc, chẩn đoán và điều trị viêm gan B, C đã được xây dựng và triển khai thí điểm tại hai huyện Tiền Hải và Quỳnh Phụ. Sau khi thí điểm thành công, mô hình sẽ được nhân rộng ra các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Trước khi dự án được triển khai, công tác sàng lọc và chẩn đoán viêm gan tại tuyến cơ sở gặp nhiều hạn chế. Số bệnh nhân được điều trị rất hạn chế, phần lớn chỉ tập trung ở tuyến trên. Việc sàng lọc chỉ áp dụng trong một số trường hợp như phụ nữ mang thai, bệnh nhân nhập viện để phẫu thuật, hoặc những người có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Điều này dẫn đến việc nhiều bệnh nhân mắc viêm gan không được phát hiện kịp thời, khiến bệnh tiến triển nặng hơn, thậm chí dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế. Ngay cả khi bệnh được chẩn đoán, người bệnh thường gặp khó khăn lớn về tài chính để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như đo tải lượng virus. Phần lớn các xét nghiệm này chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế tuyến trên hoặc bệnh viện tư nhân với chi phí cao, buộc người bệnh phải tự chi trả phần lớn.
Theo báo cáo sơ bộ của Sở Y tế Thái Bình, tại hai huyện Quỳnh Phụ và Tiền Hải, năm 2021 chỉ có 30 bệnh nhân viêm gan B được điều trị. Đến năm 2022, con số bệnh nhân viêm gan C được điều trị chỉ vỏn vẹn 5 trường hợp, chủ yếu là bệnh nhân HIV nhận tài trợ từ các nguồn quốc tế. Công tác quản lý và theo dõi bệnh nhân tại tuyến cơ sở chưa được thực hiện bài bản, dẫn đến nhiều người không được chăm sóc và giám sát đầy đủ. Những bất cập này không chỉ làm tăng gánh nặng cho bệnh nhân, mà còn tạo áp lực lớn lên các bệnh viện tuyến trên, làm giảm hiệu quả toàn diện của hệ thống y tế.
Nhờ dự án mới, các vấn đề trên đang từng bước được giải quyết, mở ra hy vọng mới cho người bệnh cũng như hệ thống y tế cơ sở.
Bước tiến mới trong điều trị virus viêm gan tại cơ sở
Sau khi dự án được triển khai tại hai huyện Tiền Hải và Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, những cải tiến vượt bậc đã được ghi nhận. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2024, tại hai địa phương thí điểm, đã có 14.772 người được sàng lọc viêm gan B, trong đó phát hiện 878 ca dương tính, chiếm tỷ lệ 5,8%. Trong số này, 556 bệnh nhân đã được tư vấn theo dõi định kỳ và 152 bệnh nhân đủ điều kiện bắt đầu tiến hành điều trị. Đối với viêm gan C, 12.385 người được sàng lọc, phát hiện 142 ca dương tính. Trong số này, 97 người đã được điều trị và 38 bệnh nhân đã hoàn thành liệu trình.
Anh Nguyễn Băng Kỳ, một bệnh nhân mắc viêm gan B tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình chia sẻ, anh phát hiện bệnh vào năm 2023 và từng phải lên tuyến trung ương điều trị. Việc đi lại xa xôi khiến anh tốn nhiều thời gian, chi phí, nhưng vẫn cố gắng vì sức khỏe. Từ năm 2024, khi dự án điều trị được triển khai tại huyện Tiền Hải, mọi thứ trở nên thuận tiện hơn. Thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, bác sĩ tận tình hướng dẫn cách ăn uống và sử dụng thuốc, giúp anh cải thiện rõ rệt sức khỏe. Anh Kỳ hy vọng dự án được duy trì và nhân rộng để nhiều người bệnh khác cũng được hưởng lợi như mình.
Những kết quả này có được nhờ vào sự đổi mới trong quy trình chăm sóc, quy trình sàng lọc, chẩn đoán và điều trị được thiết kế chặt chẽ và khoa học, đảm bảo rằng mọi bệnh nhân đều được theo dõi sát sao. Việc sàng lọc giờ đây không chỉ giới hạn ở một số nhóm đối tượng mà đã mở rộng ra cả bệnh nhân nội trú, ngoại trú, phụ nữ mang thai và những người thuộc nhóm nguy cơ cao trong cộng đồng. Các xét nghiệm tải lượng virus cũng được thực hiện tại các bệnh viện huyện, sau đó chuyển kết quả lên CDC tỉnh. Chi phí xét nghiệm và điều trị được bảo hiểm y tế chi trả, giúp giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân.
Ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ cho biết, Bệnh viện đã hoàn tất các quy trình và thủ tục liên quan đến việc khám, điều trị viêm gan B, C tại cơ sở, đảm bảo người bệnh được thanh toán thông qua bảo hiểm y tế. Người bệnh đến khám sẽ được sàng lọc, xét nghiệm đo tải lượng virus. Nếu chẩn đoán mắc viêm gan B, C sẽ được theo dõi, điều trị phù hợp, thời gian bệnh nhân được kết nối điều trị chưa đến 30 ngày.
Đặc biệt, năng lực của đội ngũ y tế tại tuyến cơ sở cũng được nâng cao đáng kể. Các cán bộ y tế được tập huấn bài bản về chẩn đoán, điều trị và tư vấn cho bệnh nhân. Điều này giúp họ không chỉ làm tốt công tác chuyên môn mà còn đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình điều trị lâu dài.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hà, Trưởng Trạm Y tế xã An Ninh, huyện Tiền Hải chia sẻ, mô hình đã giúp các nhân viên y tế nâng cao năng lực và phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Sự hài lòng của bệnh nhân cũng được cải thiện rõ rệt. Nhiều người cho biết việc điều trị ngay tại địa phương giúp họ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và giảm bớt căng thẳng tài chính.
Giải pháp hiệu quả, mang tính bền vững
Thành công bước đầu của dự án tại Thái Bình đã tạo tiền đề quan trọng để mở rộng mô hình này ra các địa phương khác. Trong năm 2025, mô hình dự kiến sẽ được triển khai tại các huyện Vũ Thư, Hưng Hà và tiến tới nhân rộng trên toàn tỉnh Thái Bình. Dự án không chỉ dừng lại ở việc cải thiện dịch vụ y tế mà còn tập trung vào công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về viêm gan virus. Hơn 20.000 tài liệu tuyên truyền đã được phát hành, cùng với các chương trình giáo dục sức khỏe phát trên báo chí và đài phát thanh, giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc sàng lọc và điều trị sớm.
Ông Phạm Nam Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình nhấn mạnh, mô hình chăm sóc và điều trị viêm gan B, C là kết quả phối hợp của các bên liên quan nhằm thu hẹp khoảng trống trong việc phát hiện sớm, nâng cao kết nối dịch vụ chẩn đoán, điều trị viêm gan B, C tại tuyến y tế cơ sở. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế là viêm gan B, C phải được quản lý ngay tại cơ sở; phấn đấu đến năm 2030 loại trừ viêm gan B, C ra khỏi cộng đồng. Do đó, nhiệm vụ những năm tiếp theo rất lớn, cần có sự chung tay, vào cuộc tích cực hơn nữa từ các địa phương, đơn vị, nhất là những người trực tiếp làm công tác y tế.
Viêm gan virus B và C vẫn là gánh nặng lớn đối với y tế toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, từ thành công của mô hình thí điểm tại Thái Bình, có thể thấy rằng việc đưa dịch vụ chăm sóc viêm gan về tuyến y tế cơ sở là một giải pháp hiệu quả, mang tính bền vững. Điều này không chỉ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên mà còn mang lại hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân trên cả nước.
Tương lai của mô hình này không chỉ dừng lại ở Thái Bình, sắp tới sẽ được triển khai tại tỉnh Phú Thọ và có thể được nhân rộng ra toàn quốc. Đây là minh chứng cho sự hiệu quả của việc hợp tác giữa các cấp ngành trong nước với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Dự án không chỉ đơn thuần là một sáng kiến y tế, mà còn thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc loại trừ viêm gan virus như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Thành công của mô hình sẽ mở ra một chương mới trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, hướng đến một tương lai khỏe mạnh và bền vững hơn.
Theo TTXVN