“Biểu tượng của nước Pháp”, “Thảm kịch kinh hoàng”, “Trái tim cháy thành tro bụi”... là những cụm từ xuất hiện nhiều nhất trên báo chí quốc tế ngày 16-5, với tràn ngập những hình ảnh về vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris.
Các nhà lãnh đạo thế giới và các quan chức chính trị cũng nhanh chóng gửi đi những thông điệp bày tỏ sự đoàn kết với nước Pháp và chia sẻ sự tiếc thương đối với biểu tượng của nước Pháp, biểu tượng của văn minh Thiên chúa giáo và thế giới này.
Hình ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris trước khi xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: Sky News
Cộng đồng Thiên chúa giáo tại nhiều nước trên thế giới ngày 15-4 đã tập trung tại các nhà thờ lớn, hát vang những bài hát như Hail Mary hay Ave Maria, cầu nguyện, bày tỏ sự tiếc thương và sát cánh bên người dân Pháp sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Nhà thờ Đức Bà Paris.
Linh mục Jerome Secillano của Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines cho biết: “Chúng tôi xin chia sẻ thời điểm đau lòng này với người dân Pháp. Nhà thờ Đức Bà là một biểu tượng của nước Pháp và là biểu tượng của Kito giáo tại Pháp. Chúng tôi rất buồn vì những gì đã xảy ra và hy vọng rằng nhiều người trên thế giới sẽ đóng góp vào việc xây dựng lại nhà thờ. "
Tại Châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi đây là một “biểu tượng của nước Pháp và văn hóa châu Âu”, trong khi Thủ tướng Italy Giuseppe Conte miêu tả, đây như một đòn giáng mạnh vào trái tim người dân Pháp và tất cả người dân châu Âu.
“Nhà thờ Đức Bà Paris thuộc về toàn thể nhân loại. Đó là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, họa sĩ, nhà triết học và du khách từ khắp nơi trên thế giới”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chia sẻ trên trang mạng cá nhân Twitter chỉ vài giờ sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh, “Nhà thờ Đức Bà Paris là nhà thờ Đức Bà của cả châu Âu. Tất cả chúng ta sẽ bên cạnh Paris ngày hôm nay”.
Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những lãnh đạo thế giới đầu tiên bày tỏ sự bàng hoàng khi chứng kiến những hình ảnh về đám cháy tại Nhà thờ Đức Bà. Theo ông, đây là một công trình có ý nghĩa vượt lên trên biểu tượng của một quốc gia.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng tuyên bố “bàng hoàng trước những hình ảnh về vụ hỏa hoạn” và nhấn mạnh, mọi tâm trí của ông lúc này đều hướng về nhân dân và chính phủ Pháp.
Tổng giám đốc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và giáo dục Liên Hợp Quốc Audrey Azoulay bày tỏ tình đoàn kết với nước Pháp, khẳng định sẽ luôn sát cánh với nước này nhằm phục dựng di sản văn hóa thế giới này.
Tại Nhật Bản, Người phát ngôn Chính phủ nước này Yoshihide Suga nhấn mạnh, Nhà thờ Đức Bà thực sự là một di sản của nhân loại. Nếu chính phủ Pháp cần sự hỗ trợ với bất kỳ hình thức nào, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét với thiện chí cao nhất.
Tại châu Phi, châu lục được dự báo có cộng đồng người Thiên chúa giáo lớn nhất thế giới, các nhà lãnh đạo khu vực cũng bày tỏ tình đoàn kết với nước Pháp. Tổng thống Macky Sall nhấn mạnh, ngọn lửa đã thiêu đốt một trong những biểu tượng lớn nhất của nước Pháp, một công trình 850 năm tuổi. Quốc vương Ma Rốc Mohamed VI cũng gửi thông điệp thể hiện sự ủng hộ và đoàn kết tới nhân dân Pháp, cũng như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Theo ông, thảm kịch này không chỉ tàn phá một trong những công trình lịch sử mang tính biểu tượng nhất của thủ đô Paris, mà còn là nơi cầu nguyện và đón tiếp hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới.
Những hình ảnh về vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris, một biểu tượng của nước Pháp, đồng thời là biểu tượng của văn minh Thiên chúa giáo và thế giới, cũng tràn ngập khắp các mặt báo lớn. Một số bài viết tập trung vào thảm kịch gây bàng hoàng nước Pháp, số khác thì nhấn mạnh tới quyết tâm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phục dựng công trình có ý nghĩa biểu tượng này.
“Thảm họa”, dòng tít ngắn gọn của báo Le Figaro diễn tả đầy đủ cách người Pháp nhìn nhận về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris. “Nhà thờ rơi nước mắt”, tờ Người Paris (Le Parisien) chụp bức ảnh tháp thánh giá của nhà thờ đổ sập xuống trước mắt mọi người.
The Guardian của Anh có bài viết nhan đề “Giặc lửa thiêu đốt Nhà thờ Đức Bà” hay như tờ Điện tín hàng ngày đăng bài “Paris khóc thương cho công trình được yêu thích nhất”. “Nhà thờ Đức Bà chìm trong biển lửa, hồi ức Thiên chúa giáo giữa lòng châu Âu” là nhan đề bài viết được đăng trên trang nhất tờ ABC của Tây Ban Nha hay “Tổng thống Macron cam kết phục dựng Nhà thờ Đức sáu vụ cháy kinh hoàng” trên tờ Herald của Scotland.../.
Theo THU HOÀI (VOV)