Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Chỉ gần một tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, nhưng Hà Nội đã cơ bản chủ động được nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm và Tết nguyên đán.
Trong số thực phẩm đó, sản lượng gia cầm, thủy sản của Hà Nội đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân; sản lượng thịt lợn, thịt gà… đáp ứng 70-90%; còn lại Hà Nội sẽ nhập từ các tỉnh, thành phố.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, năm 2021 chăn nuôi của thành phố Hà Nội có mức tăng trưởng mạnh; trong đó, tổng đàn trâu toàn thành phố là 27.500 con, tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 130.048 con, tăng 0,08%; đàn lợn 1,37 triệu con, tăng 9,07%; đàn gia cầm 39,8 triệu con, tương đương năm 2020; sản lượng thịt hơi các loại đạt 405.417 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với ngành thủy sản, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng phát triển ổn định. Năm 2021, diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản của thành phố ước tính 24.000ha; tổng sản lượng đạt 119.434 tấn, tăng 2,88% so với năm trước; trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 117.730 tấn, tăng 2,9%; sản lượng thủy sản khai thác 1.704 tấn, giảm 1,33%; sản xuất cá giống các loại đạt 1.350 triệu con...
Để nâng cao chất lượng nuôi trồng thủy sản, Hà Nội còn tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn về quản lý nuôi trồng thủy sản thương phẩm, quản lý chất lượng giống thủy sản; tuyên truyền, hướng dẫn nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thủy sản; tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh đúng tiến độ.
Năm 2021, có thời điểm giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống 35.000 đồng/kg, gà công nghiệp lông trắng xuống dưới giá thành, trong khi giá thức ăn tăng hơn 20%, thuốc thú y tăng đến 180%. Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, song các hộ chăn nuôi, hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn nỗ lực tăng tổng đàn, cung cấp lượng lớn thịt các loại cho thị trường.
Ông Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, cho biết các hợp tác xã tại Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế khu vực nông thôn, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, Hà Nội có 70 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các hợp tác xã theo chuỗi đang đóng góp nguồn lực rất lớn cho kinh tế khu vực nông thôn, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Tại tỉnh Tiền Giang, để đảm bảo cung ứng hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 375 về dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Theo đó, đặc biệt chú trọng phục vụ các đối tượng chính sách, hộ gia đình nghèo, nhân dân ở khu vực nông thôn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã, siêu thị, cơ sở kinh doanh tham gia bình ổn thị trường phải đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, chất lượng an toàn với giá cả hợp lý, đặc biệt trong những thời điểm thiếu hàng và giá tăng cao.
Theo Kế hoạch 375 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, với tổng giá trị hơn 401 tỷ đồng; trong đó, có hơn 97 tỷ đồng hàng hóa thiết yếu, bao gồm: hơn 900 tấn gạo các loại, hơn 506 tấn đường các loại, 698 tấn bột ngọt, hạt nêm các loại…
Các đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa được xem xét vay vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có tính đến ưu đãi về lãi suất vay trong thời gian 4 tháng kể từ ngày giải ngân (giảm từ 1,5-2,5%/năm so với lãi suất thông thường)…
Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm này, các doanh nghiệp tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Thân 2022 với tổng số tiền trên 400 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp tham gia cung ứng và dự trữ hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022 gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiền Giang-Sài Gòn (Co.op Mart Mỹ Tho), Hợp tác xã thương mại-dịch vụ phường 1, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hữu Thành Phát, Hợp tác xã Vĩnh Kim, Chi nhánh Liên Hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Co.opmart Gò Công), Co.opmart Cai Lậy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn EB Tân Phú. Tổng giá vốn được các doanh nghiệp dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết trên 400 tỷ đồng; trong đó, hàng hóa thiết yếu chiếm gần 100 tỷ đồng.
Ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, nhận xét tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá, tỉnh Tiền Giang tập trung liên kết cung ứng hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân.
Các tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ, tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc tạo lập nguồn hàng ổn định, hợp tác hai chiều giúp mở rộng sản xuất, kinh doanh; đồng thời, bảo đảm công tác tạo nguồn cung hàng hóa và mở rộng mạng lưới phân phối, góp phần tiêu thụ hàng hóa ở các tỉnh.
Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến mứt, sản xuất bánh kẹo trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu tái hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội để có đủ nguồn sản phẩm cung cấp cho người dân ăn Tết; đồng thời, gia tăng sản xuất để góp phần tiêu thụ nông sản tươi cho người nông dân.
Tuy nhiên, khác với những năm trước, hầu hết các cơ sở sản xuất thực phẩm Tết; mặc dù, biết là cao điểm nhưng vẫn thận trọng, không tập trung công nhân tại cùng một thời điểm, mà tổ chức tăng ca, giữ khoảng cách theo đúng quy định phòng dịch COVID-19. Riêng một số cơ sở còn chủ động tổ chức cho công nhân test nhanh COVID-19 theo định kỳ để bảo đảm sản xuất tết an toàn.
Theo TTXVN/Vietnam+