Các địa phương không chủ quan, tăng cường phòng chống bệnh sởi

02/04/2025 - 17:59

Bệnh sởi ở nhiều địa phương vẫn có nguy cơ gia tăng nên các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp để phòng, chống bệnh.

Chú thích ảnh

Ảnh minh họa: TTXVN

Thái Nguyên: Hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên thông tin, trong quý I/2025, toàn tỉnh có 18 ca mắc sởi, rải rác tại các huyện, thành phố nhưng ở tỉnh không có ổ dịch lớn, không có ca biến chứng nặng và không có ca tử vong do sởi.

Ông Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cho biết, Trung tâm đã triển khai tiêm vaccine sởi đợt 1 năm 2025 đạt 100% và đợt 2 bắt đầu từ cuối tháng 3/2025. Trung tâm được cấp 4.100 liều vaccine sởi và hơn 4.000 liều vaccine sởi - rubella. Ngay khi nhận được vaccine, Trung tâm đã cấp phát về các huyện; bắt đầu triển khai tiêm từ ngày 24/3 và cơ bản hoàn thành trong tháng 3/2025. Đầu tháng 4/2025, Thái Nguyên tiếp tục tổ chức tiêm vét để đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% theo kế hoạch...

Sở Y tế Thái Nguyên chỉ đạo các bệnh viện, đơn vị đẩy mạnh truyền thông qua loa phát thanh, poster, tờ rơi, website, fanpage, hướng dẫn trực tiếp... để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên hiểu rõ về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống bệnh, hiệu quả của tiêm vaccine phòng ngừa sởi, hướng dẫn, khuyến cáo áp dụng các biện pháp giảm lây lan trong cộng đồng.

Sở chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi; bố trí khu vực thu dung điều trị bệnh sởi cách ly tại Khoa truyền nhiễm, Khoa nhi hoặc khu vực cách ly của các khoa lâm sàng. Đối với các ca bệnh sởi nặng cần phải điều trị hồi sức tích cực, bệnh viện bố trí khu vực điều trị tại khoa hoặc đơn vị hồi sức tích cực trong khoa bệnh truyền nhiễm… và phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo.

Các bệnh viện tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, bệnh viện theo quy định hoặc đề nghị hỗ trợ chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu; điều chỉnh quy mô giường bệnh, bổ sung nhân lực phù hợp và theo đúng quy định hiện hành để đáp ứng điều trị, giảm tải cho nhân viên y tế, tránh lây nhiễm chéo. Các bệnh viện hạn chế số lượng người đến thăm bệnh nhân để phòng lây nhiễm; chuẩn bị thuốc, vật tư, thiết bị y tế để thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh sởi, kiểm soát nhiễm khuẩn; sẵn sàng kế hoạch ứng phó theo diễn biến tình hình bệnh sởi, phối hợp chặt chẽ giữa công tác khám, chữa bệnh và dự phòng...

Các đơn vị, bệnh viện đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội, thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật qua mạng xã hội, tăng cường hoạt động khám, chữa bệnh từ xa; phân công bác sĩ có kinh nghiệm tuyến trên hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, đặc biệt ưu tiên trạm y tế xã, thôn, bản ở khu vực vùng núi, đi lại khó khăn...

 

Hải Dương: 96,3% số trẻ được tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi, từ ngày 25 - 31/3, toàn tỉnh đã tiêm cho 9.149/9.500 trẻ (đạt 96,3%). Trong đó, trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi là 2.445 trẻ; trẻ từ 1 đến 5 tuổi là 2.790 trẻ và trẻ từ 6 đến 10 tuổi là 3.914 trẻ.

Từ ngày 1/1 đến ngày 31/3, toàn tỉnh ghi nhận 304 trường hợp mắc sởi, không có trường hợp tử vong (cùng kỳ năm 2024 không ghi nhận ca mắc). Thành phố Hải Dương có số mắc cao nhất là 149 ca, tiếp đến là thị xã Kinh Môn có 27 ca. Các địa phương khác có từ 4-23 ca mắc. Trẻ em dưới 9 tháng mắc sởi có 73 trường hợp (chiếm 24%); trong đó, trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng chiếm 17,1%; 158 trường hợp từ 1-10 tuổi (chiếm 51,9%); 16,4% trường hợp trên 10 tuổi.

Đa số các trường hợp mắc bệnh sởi là do chưa tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine phòng bệnh (chiếm 89,8%), trong đó có 24% chưa đủ tuổi tiêm và 52,6% chưa tiêm.

Ở Hải Dương đã ghi nhận 3 ổ dịch sởi. Tại ổ dịch Trường Tiểu học Phùng Văn Trinh, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, từ ngày 20-28/3 ghi nhận 5 trường hợp mắc sởi. Đa số trẻ đều chưa tiêm vaccine có thành phần sởi (4/5 trẻ). Hiện có 4 bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện và 1 bệnh nhân theo dõi, điều trị tại nhà.

Ổ dịch thứ 2 được phát hiện tại Trường Trung học cơ sở xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, từ ngày 23-31/3 ghi nhận 7 trường hợp mắc. Có 1/7 trường hợp chưa tiêm và 6/7 trường hợp đã tiêm 2 mũi vaccine có thành phần sởi. Hiện tại, có 1 bệnh nhận điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh Hải Dương, 4 bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện và 2 bệnh nhân theo dõi, điều trị tại nhà.

Ổ dịch thứ 3 là tại Trường Trung học cơ sở xã Thanh Tân, huyện Thanh Hà (11 trường hợp mắc). Từ ngày 25/3 đến nay không ghi nhận ca mắc mới. Hiện tại, các bệnh nhân đã khỏi bệnh, sức khỏe ổn định.

Năm 2024, Hải Dương tổ chức Chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống sởi cho 20.217 trẻ từ 1-5 tuổi (đạt 98,77% kế hoạch) và 1.425 cán bộ y tế có nguy cơ (đạt 80,05% kế hoạch).

Theo TTXVN