Các địa phương tập trung phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa và hoa màu

10/08/2023 - 08:16

Do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều diện tích lúa và hoa màu ở các địa xuất hiện tình trạng sâu, bệnh gây hại. Các địa phương đang tập trung các giải pháp phòng trừ nhằm hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Hà Tĩnh: Theo ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay trên lúa Hè Thu trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đã ra rộ, mật độ trung bình 1-3 con/m2, nơi cao 10-15 con/m2, một số địa phương đã bắt đầu xuất hiện sâu non tuổi 1.

Cụ thể, tại xã Thạch Văn, Thạch Trị (huyện Thạch Hà), phổ biến trưởng thành, trứng và rải rác sâu non tuổi 1, ở các xã như Phúc Lộc, Vượng Lộc, Tùng Lộc, Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc), Cẩm Hưng, Cẩm Quang, Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên), An Dũng, Bùi La Nhân, Lâm Trung Thuỷ (huyện Đức Thọ), Kỳ Giang, Kỳ Tiến, Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh).

Ngoài ra, bệnh khô vằn cũng đã phát sinh gây hại cục bộ trên diện tích gieo cấy dày, bón thừa đạm, diện tích nhiễm 250ha; rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện mật độ 50-100 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2.

Để tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, hướng dẫn các địa phương cần kiểm tra, giám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để xác định chính xác thời điểm sâu non nở rộ, mật độ sâu gây hại để quyết định thời điểm và những diện tích cần tập trung xử lý, sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Clever 150SC, Opulent 150SC, Obaone 95WG, Virtako 40WG, Tasieu 1.9EC, Voliam Targo 063SC, Angun 5WG...

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, trước mắt, tập trung xử lý triệt để các ổ rầy để hạn chế nguồn phát tán, lây lan trên đồng ruộng. Đồng thời, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, chú trọng vùng thấp trũng, vùng hàng năm rầy thường phát sinh gây hại. Khi phát hiện tổ chức khoanh vùng, hướng dẫn bà con nông dân phun trừ kịp thời khi rầy tuổi 1, tuổi 2 sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Chess 50WG, Sutin 5EC, Dantotsu 50WG, Ba Đăng 300WP, Cyo Super  25WP…

Đối với bệnh bạc lá, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động phun phòng bệnh bạc lá trên diện tích gieo cấy các giống lúa nhiễm bệnh như: Thái Xuyên 111, TH3-3, KD18, nhóm nếp... và những diện tích hàng năm bệnh phát sinh gây hại, sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Starner 20WP, Kamsu 2SL, Xantocin 40WP…

Với bệnh khô vằn, tập trung điều tra phát hiện và hướng dẫn phun phòng trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Vida5WP, Validacin 5SL, Anvil 5SC, Nevo 330EC, Tilt Super 300ND…

Để nâng cao hiệu lực phòng trừ của thuốc hóa học, khi sử dụng thuốc cần tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách) điều tiết, duy trì đủ nước tạo điều kiện thuận lợi cho lúa làm đòng, trổ bông./.

Tại Thanh Hóa: Vụ Mùa 2023, các địa phương ở Thanh Hóa gieo trồng được 151.731 ha lúa và hoa màu các loại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều diện tích lúa và hoa màu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang xuất hiện tình trạng sâu, bệnh hại cây như: bệnh nghẹt rễ, bệnh khô vằn, bệnh lùn sọc đen phương Nam, sâu cuốn lá, sâu đục thân...

Theo đó, Thanh Hóa đang chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tập trung phòng trừ sâu bệnh dịch hại, chăm sóc các loại cây trồng hiệu quả, đảm bảo có mùa vụ thu hoạch đạt năng suất, chất lượng cao trong thời gian tới.

Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa có trên hơn 1.100 ha lúa và hoa màu bị nhiễm sâu, bệnh hại; trong đó, một số loại sâu bệnh hại lúa đang phát triển mạnh như rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5, mật độ phổ biến 35-60 con/m2, cao 120-250 con/m2, cục bộ có nơi từ 380-400 con/m2... tại các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Nông Cống, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Quảng Xương, Thành phố Sầm Sơn...

Đặc biệt, bệnh lùn sọc đen phương Nam đã xuất hiện tại xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước trên giống Thái Xuyên 111. Đây là đối tượng rất nguy hiểm, chưa có thuốc phòng trừ, khả năng gây hại lớn và có nguy cơ phát sinh, lây lan, gây hại trên diện rộng nếu không được điều tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời, triệt để. Dự báo từ nay đến cuối vụ, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 nở rộ và gây hại trên tất cả các trà lúa trong tỉnh với mật độ cao, nhất là trà lúa trổ trước ngày 15/8; sâu non sâu đục thân 2 chấm lứa 5 tiếp tục gây hại nhẹ, tỷ lệ hại tăng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Hoàng Viết Chọn cho biết, để cây trồng vụ mùa đảm bảo đạt được cả năng suất và sản lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, hạn chế tối đa những thiệt hại cho cây trồng; trong đó, yêu cầu các địa phương phải tập trung phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở xác định, phân loại trà lúa theo thời gian trổ bông, nhất là các trà lúa trổ từ ngày 10-20/8.

Từ đó, điều tra, dự báo chính xác thời điểm, mức độ phát sinh và gây hại của các đối tượng sâu bệnh để tập trung tuyên truyền, giúp nông dân xác định rõ ràng từng đối tượng sâu bệnh cũng như biện pháp phòng trừ hiệu quả ngay từ khi còn ở diện hẹp, không để sâu bệnh lây lan thành dịch.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh phù hợp. Riêng với bệnh lùn sọc đen phương Nam, các địa phương cần điều tra, phát hiện, xác định mật độ rầy lưng trắng trên đồng ruộng để phun trừ rầy cũng như kiểm tra, khoanh vùng những diện tích nghi nhiễm bệnh và đã bị bệnh để xử lý kịp thời theo quy trình phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa; đồng thời, tiếp tục thu bắt mẫu rầy lưng trắng trưởng thành và những cây lúa có biểu hiện thấp lùn, lá xanh đậm, xoắn lá... gửi về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để gửi giám định virus lùn sọc đen.

Hiện, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa đang phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra đồng ruộng. Từ đó, kịp thời phát hiện diễn biến bất thường của sâu, bệnh, cũng như theo dõi chặt chẽ bệnh virus lùn sọc đen Phương Nam… để chỉ đạo nông dân phun trừ.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ chặt chẽ phòng trừ sâu bệnh theo phương châm “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) để nâng cao hiệu quả phòng trừ, tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường, đảm bảo đảm cho vụ Mùa thắng lợi.

Theo TTXVN