Các doanh nghiệp đã phục hồi sau khủng hoảng

27/09/2018 - 09:01

 - Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới khi đề cập đến sự kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu, xảy ra cách đây 10 năm và những tác động của nó đến các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh.

Tác động

Cách đây 10 năm, vào ngày 15-9-2008, giới tài chính toàn cầu đã có một phen “chao đảo” khi chứng kiến sự sụp đổ của Ngân hàng (NH) Lehman Brothers. Đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử tài chính của Mỹ vì NH này nắm trong tay hơn 600 tỷ USD tài sản. Lehman Brothers “sụp đổ” khiến hàng loạt NH ở Mỹ và Châu Âu đệ đơn xin phá sản. Hệ lụy của vấn đề này, hàng trăm ngàn nhân viên tài chính, NH mất việc. Kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 14.000 tỷ USD, thị trường cổ phiếu Mỹ sụp đổ, từ đó đã tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước, trong đó có An Giang. “Khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, các DN trong nước đều chịu tác động rất mạnh. Cụ thể, các DN chế biến cá tra, chế biến gạo xuất khẩu (XK) bị ảnh hưởng. Hàng hóa sản xuất ra nhiều nhưng bán không được. DN lâm vào cảnh khó khăn, sản xuất bị đình trệ, công nhân bị mất việc” - ông Doãn Tới nhớ lại.

Nam Việt đã đẩy mạnh sản xuất cá tra Fillet phục vụ thị trường vào dịp cuối năm

10 năm nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008, nhiều nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân chính do các NH không được kiểm soát chặt chẽ, các sản phẩm tín dụng quá phức tạp và nhiều mối quan hệ chằng chịt. An Giang là tỉnh nông nghiệp, 3 mặt hàng XK mang tính chủ lực của tỉnh là cá tra, gạo và rau quả đều bị ảnh hưởng. Hệ lụy là trong nhiều năm liền, ngành nông nghiệp “tăng trưởng âm”. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008 được xem là cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái kinh tế năm 1930.

Phục hồi

“Có thể khẳng định, 3 năm gần đây, các DNXK, trong đó có XK cá tra đã dần hồi phục. Sau giai đoạn khủng hoảng, nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở ra. Hiện nay, Mỹ là thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra Fillet của Việt Nam nhiều nhất, kế đến là Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc - Hồng Kông và các thị trường khác. Cá tra của Công ty Cổ phần Nam Việt đã XK đi toàn thế giới, góp phần đưa kim ngạch XK cá tra Việt Nam dự kiến trong năm 2018 đạt 2 tỷ USD. Kết quả này minh chứng cho sự phục hồi của DN sau 10 năm khủng hoảng tài chính toàn cầu” - ông Doãn Tới khẳng định.

9 tháng của năm 2018, các DN trong tỉnh đã XK 88.788 tấn thủy sản (tương đương 213,4 triệu USD), so kế hoạch năm đạt 79% về kim ngạch; so cùng kỳ (năm 2017) đạt 97,47% về lượng, đạt 23,99% về kim ngạch. Giá XK bình quân trong 9 tháng là 2.398 USD/tấn, tăng 508 USD/tấn, với giá xuất này, DN và người nuôi đều có lời. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu được các DN mua chế biến XK lên đến 34.000 đồng/kg, với mức giá này, người nuôi lãi ít nhất 7.000 đồng/kg. Đây là mức lãi cao nhất trong 10 năm qua, kể từ khi thế giới bị khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện, toàn tỉnh có 22 nhà máy chế biến cá tra đông lạnh XK, với công suất đạt 400.000 tấn/năm. Đây là tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển sản phẩm chủ lực của mình. “Tôi rất mừng khi thế giới đã bước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, DN trong tỉnh đã “phục hồi” trở lại. Nhờ các DN như: Nam Việt, Cửu Long, IDI xuất bán được sản phẩm ra thế giới mà bản thân và các thành viên trong gia đình có được việc làm ổn định…” - chị Trần Thị Kim Châu, công nhân Công ty Cổ phần Nam Việt phấn khởi cho biết.

Ngoài sản phẩm cá tra, XK lúa, gạo cũng khởi sắc trở lại. 9 tháng qua, các DN trong tỉnh đã xuất 319.379 tấn, tương đương 161,8 triệu USD. Giá gạo XK bình quân 8 tháng của năm 2018 đạt 506,47 USD/tấn, tăng bình quân 42 USD/tấn. Hiện, cơ cấu gạo XK đang tiếp tục có sự chuyển dịch từ gạo cấp trung bình, cấp thấp sang gạo cao cấp, gạo chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu, đây là nguyên nhân tăng kim ngạch XK gạo.

Thị trường XK mở rộng, việc làm cho người lao động có nhiều hơn, an sinh xã hội được đảm bảo. 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp tục chinh phục người tiêu dùng thế giới, đây là tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm tiếp theo.

“An Giang luôn xem DN là động lực phát triển của tỉnh, từ đó các chính sách được ban hành đều hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi để DN trong và ngoài nước về đây đầu tư, phát triển sản xuất; cùng tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. An Giang luôn tạo điều kiện để các DN có đủ điều kiện, tiếp cận nguồn vốn của NH để phát triển sản xuất - kinh doanh, việc Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh An Giang đi vào hoạt động, tiếp tục đưa nguồn vốn giá rẻ vào nền kinh tế là một điển hình” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng thông tin

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN