Các doanh nghiệp Đức được phép trở lại thị trường Mỹ

09/11/2021 - 09:26

Hơn 8% tổng hàng hóa xuất khẩu của Đức là đến thị trường Mỹ, đặc biệt là sản phẩm cho các ngành công nghiệp chủ chốt như ôtô, hóa chất, điện tử và kỹ thuật.

Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng Long Beach, California, Mỹ. (Ảnh: AFP- TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, kể từ ngày 11-11, các doanh nghiệp Đức được phép trở lại thị trường Mỹ, nối lại hoạt động kinh doanh sau hơn 20 tháng nền kinh tế lớn nhất thế giới ban hành lệnh cấm nhập cảnh để chống đại dịch COVID-19.

Với quyết định chấm dứt lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ, các công dân Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Đức nói riêng đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm đầy đủ có thể trở lại Mỹ sau hơn 1 năm rưỡi nước này đóng cửa chống dịch. 

Phát biểu với tổ hợp phát thanh - truyền hình DW của Đức, chuyên gia ngoại thương thuộc Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), Volker Treier cho biết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức đã “thở phào nhẹ nhõm” sau quyết định trên, bởi Mỹ không chỉ là điểm đến đầu tư hàng đầu, mà còn là thị trường xuất khẩu quan trọng và là đối tác thương mại lớn thứ ba của doanh nghiệp Đức.

Theo ông Volker Treier, nếu các doanh nghiệp, kỹ thuật viên, kỹ sư và nhiều thành phần khác không thể đến Mỹ, các hợp đồng quan trọng sẽ không thể được ký kết.

Ông Treier cho biết: “Các cuộc khảo sát gần đây nhất của chúng tôi cho thấy 73% các công ty Đức hoạt động ở Bắc Mỹ đã bị ảnh hưởng do các biện pháp hạn chế đi lại cũng như tắc nghẽn nguồn cung do tác động của đại dịch COVID-19.”

Ông Volker Treier cho biết thêm khoảng 35% doanh nghiệp Đức hoạt động tại Mỹ đã phải cắt giảm hoặc ngừng đầu tư vào thị trường này trong năm 2021 do bị tác động từ các lệnh cấm nhập cảnh và tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Theo ông Volker Treier, tiềm năng của mối quan hệ thương mại Mỹ-Đức có thể được khai thác tối đa trở lại khi lệnh cấm đi lại được dỡ bỏ.

Trong khi đó, ông Wolfgang Niedermark thuộc Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) cho rằng việc Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với châu Âu hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng chậm trễ trong sản xuất và giao hàng.

Ngoài ra, việc giảm lượng hàng tồn đọng càng sớm càng tốt cũng như thu hút các khoản đầu tư cần thiết để đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế trở về mức trước đại dịch sẽ có lợi cho cả Mỹ và Đức.

Không những thế, với việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ, các hãng hàng không cũng hy vọng vào sự gia tăng đáng kể lưu lượng khách đi lại công vụ và du lịch. 

DIHK cho biết hiện có hơn 5.500 công ty Đức có công ty con ở Mỹ, tạo ra gần 900.000 việc làm và tổng doanh thu hàng năm đạt khoảng 461 tỷ euro.

Kim ngạch thương mại hàng năm giữa Mỹ và Đức ước tính đạt 171,5 tỷ euro, trong đó xuất khẩu của Đức đạt 103,8 tỷ euro.

Hơn 8% tổng hàng hóa xuất khẩu của Đức là đến thị trường Mỹ, đặc biệt là sản phẩm cho các ngành công nghiệp chủ chốt như ôtô, hóa chất, điện tử và kỹ thuật.

Theo PHƯƠNG HOA (Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích