Cách nhận biết, ngừa cúm A/H1N1

16/06/2018 - 09:06

Hiện nay tại TP HCM đang mùa dịch cúm A/H1N1 và đã có người bị tử vong do chữa trị tại nhà. Kể từ 1/6 đến nay, bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã ghi nhận 16 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1.

Ảnh minh họa

Mặc dù cúm A/H1N1 biểu hiện như cúm thông thường, nhưng nó rất nguy hiểm bởi trong điều kiện bình thường, virus gây bệnh có thể tồn tại từ 24-48 giờ trên các bề mặt đồ dùng như tay vịn cầu thang, bàn ghế… và từ 8-12 giờ trên quần áo, 5 phút trên lòng bàn tay. Trong môi trường nước, virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại lên đến 4 ngày ở nhiệt độ phòng và 30 ngày ở 0 độ C. Tuy nhiên nó bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70oC trở lên. Hiện đang mùa dịch cúm A/H1N1, từ 1/6 đến nay, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã ghi nhận 16 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1.  

Cách nhận biết cúm A/H1N1

Tuy giống như các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A/H1N1 người bệnh thường có các triệu chứng như sốt, thường trên 38 độ C và ớn lạnh đau, viêm họng; nhức đầu; đau mình và nhức cơ; ho khan; xổ mũi; mệt mỏi và suy nhược; tiêu chảy và ói mửa. Nhưng để phát hiện bệnh bằng cách xét nghiệm dịch mũi họng hay qua lấy máu xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) tại các cơ sở y tế.

Đặc biệt để nhận biết dịch cúm A/H1N1 là tỷ lệ mắc thường cao, dễ lây lan và có thể mau chóng gây đại dịch; tỷ lệ tử vong thấp (1-4%); những người mắc cúm A/H1N1 có thể lây lan bệnh 1 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 7 ngày sau khi khởi bệnh; virus bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 70 độ C.

Vi rút cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể nhiễm vi rút cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút, chạm vào khăn giấy đã dùng có nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm vi rút cúm A/H1N1.

Bệnh lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với các vật dụng chứa nước bọt hay dịch tiết của người bệnh. Không chỉ tấn công vào các tế bào của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do vậy, người dân cần chủ động nắm bắt dấu hiệu nhận biết bệnh trên để phát hiện sớm, từ đó phòng tránh lây lan và điều trị kịp thời.  

Cách phòng ngừa

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với các bề mặt có thể chứa virus, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hằng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.

- Giữ nhà ở, nơi làm việc sạch sẽ bằng cách thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc

- Ăn uống đủ chất, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin nhằm giảm nguy cơ nhiễm virus.

- Theo dõi sức khỏe của bản thân, chú ý đặc biệt tới những biểu hiện cúm và thực hiện khám kịp thời.

- Khi xác định đã nhiễm cúm, nên cách ly và báo cho cơ quan làm việc, học tập và các cơ sở y tế địa phương.

- Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắc-xin để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.

Theo Nông Nghiệp