Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, giải pháp tăng tỷ lệ người lao động tham gia

18/02/2019 - 07:46

 - Ngày 23-5-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Nhiều nội dung cải cách chính sách tại nghị quyết sẽ tạo ra những đột phá mới, quyền lợi của người tham gia BHXH sẽ tốt hơn. Phóng viên Báo An Giang có cuộc trao đổi với Giám đốc BHXH tỉnh Vũ Hoàng Cương xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên (P.V): Nghị quyết số 28-NQ/TW sẽ tạo ra những đột phá gì cho năm 2019, đặc biệt với các quyền lợi người lao động có thể được hưởng?

Ông Vũ Hoàng Cương (V.H.C): Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra 11 nội dung cải cách chính sách BHXH chủ yếu: xây dựng hệ thống BHXH đa tầng. Một nội dung mới là bảo hiểm hưu trí bổ sung, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm đóng BHXH thấp được tiếp cận, thụ hưởng BHXH. Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH. Đa dạng hóa danh mục cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, linh hoạt. Thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối quan hệ với tiền lương của người đang làm việc.

P.V: An Giang đã cụ thể hóa nghị quyết như thế nào?

Ông V.H.C: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 71 ngày 25-1-2019 nêu rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Ngoài 4 quan điểm chỉ đạo có tính xuyên suốt của Trung ương, An Giang căn cứ tình hình thực tế về nguồn lực lao động thuộc diện tham gia BHXH địa phương và dự báo sự tăng trưởng theo hướng tích cực để làm cơ sở xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo lộ trình phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh ủy đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức thực hiện chính sách BHXH; thực hiện pháp luật về lao động, việc làm, BHXH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); quản lý lực lượng lao động địa phương có tham gia BHXH, BHTN ở các tỉnh khác; nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội.

Trong đó có 2 điểm nhấn Tỉnh ủy hết sức quan tâm là “Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN”. Cụ thể, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, áp dụng dịch vụ công trực tiếp trên các lĩnh vực hoạt động BHXH, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu, từng bước hiện đại hóa trong quản lý BHXH, BHTN. Đổi mới phương thức hoạt động BHXH theo hướng phục vụ, chi trả nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia.

Điểm nhấn thứ 2 là quản lý lực lượng lao động địa phương có tham gia BHXH, BHTN tại các tỉnh khác. Do An Giang có sự di chuyển lao động sang các tỉnh khác rất lớn, quá trình thống kê gặp nhiều khó khăn. Quan điểm của Tỉnh ủy là ngành BHXH phối hợp ngành chức năng rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý ở các tỉnh khác và từ tỉnh khác đến An Giang để tích tụ bao phủ BHXH, BHTN.

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, giải pháp tăng tỷ lệ người lao động tham gia

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Vũ Hoàng Cương

P.V: An Giang đối mặt với những thuận lợi và thách thức như thế nào, thưa ông?

Ông V.H.C: hiện nay, trên địa bàn có hơn 110.000 người đang tham gia BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc có đời sống ổn định, có nền tảng ổn định về lương hưu, về BHTN, tạo nên sức lan tỏa, thúc đẩy những người chưa tham gia tạo động lực để tham gia. Về khó khăn, đặc thù lao động ở An Giang, lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn. Di dân đi lao động ở ngoài tỉnh chiếm tỷ trọng khá lớn (gần 20%). Tỉnh không có khu công nghiệp tập trung lớn. Thu nhập của lao động chính thức và không chính thức thấp và không ổn định. Một bộ phận khá lớn người lao động chưa hiểu hết lợi ích, quyền lợi khi tham gia BHXH. Một số chủ sử dụng lao động còn né tránh tham gia BHXH cho người lao động: trốn đóng, không đóng, đóng không đầy đủ, chậm đóng, kéo dài thời gian đóng BHXH...

P.V: Năm 2019, BHXH tỉnh có những định hướng, giải pháp gì để tăng tỷ lệ người lao động tham gia BHXH, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHXH?

Ông V.H.C: phát huy kết quả đạt được, đúc kết thực tiễn, ngành BHXH tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy và chính quyền. Giao chỉ tiêu từng địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành và đoàn thể trong quản lý đối tượng (tiếp tục ký liên tịch với 27 ngành, cơ quan, đoàn thể). Đẩy mạnh công tác truyền thông. Thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ. Nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của ngành thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN. Thực hiện các giải pháp, nhất là công nghệ thông tin để quản lý tốt lao động làm việc ngoài tỉnh.

Năm 2020 kỷ niệm 25 năm thành lập ngành, BHXH tỉnh đã phát động các phong trào thi đua với chủ đề “Công chức, viên chức ngành BHXH nỗ lực, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo trong thực hiện công vụ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019”. BHXH thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy và UBND tỉnh thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2019 và cải cách chính sách BHXH, BHTN.

P.V: Xin cảm ơn ông!

HẠNH CHÂU (Thực hiện)

 

Liên kết hữu ích