Cân bằng cảm xúc trong cuộc sống người trẻ

14/07/2023 - 06:37

 - Trong đề thi môn Ngữ văn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhiều thí sinh rất bất ngờ và tâm đắc với đề thi, khi được yêu cầu từ suy ngẫm của tác giả trong câu thơ “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình” hãy rút ra bài học lẽ sống cho bản thân và trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Nhiều thí sinh cho rằng, vấn đề được đặt ra rất hay, gần gũi, từ kinh nghiệm cuộc sống của bản thân và có thể hoàn thành tốt bài thi.

Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, nhiều phụ huynh lại có quan điểm trái chiều, khi cho rằng với điều kiện thuận lợi hiện có, đa số học sinh được cha mẹ quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện học hành, là “con ngoan, trò giỏi” thì hầu như sẽ không có bất kỳ áp lực nào, nên không cần thiết phải cân bằng cuộc sống!

Đem băn khoăn này trao đổi với giảng viên Trần Thị Huyền (Phó Trưởng Bộ môn Tâm lý giáo dục, Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang), chúng tôi nhận được tư vấn: “Thật ra, nhiều phụ huynh đánh giá như vậy là mang tính chủ quan, không thấu hiểu cảm xúc con trẻ, không có sự đồng cảm về tâm tư, tình cảm của con trẻ ở các lứa tuổi. Chẳng hạn như, bên ngoài chúng ta thấy một đứa trẻ vào lớp 1 có thể nắm bắt được mặt chữ, tiếp thu được bài học, thế nhưng bên trong là những nỗi lo sợ về thầy cô mới, bạn bè xa lạ, sợ phải làm bài tập.

Rồi đến những kỳ thi cuối học kỳ, lên cấp THCS, THPT, học sinh có những nỗi lo sợ điểm kém, thi trượt làm cha mẹ buồn lòng, hay mặc cảm về gia cảnh, về hình thể, lo sợ bạn bè không ai quan tâm, không ai chơi với mình, lo sợ bạo lực học đường…

Từ những vấn đề nhỏ trong gia đình, trường học, nếu không được giải quyết thì dần dần trẻ lớn lên sẽ tích tụ nhiều vấn đề bất ổn tâm lý, khiến các em không thể có cuộc sống cân bằng, dễ bị căng thẳng, stress dẫn đến suy nghĩ tiêu cực”.

Ảnh: THANH HÙNG

Thật vậy, ngày nay khi quan sát các bạn trẻ ở trung tâm thương mại, quán cà-phê, hình ảnh nhiều người dễ thấy là các bạn thường đi chung thành nhóm, ăn mặc với phong cách rất “ngầu”, tạo dáng chụp ảnh cho nhau. Bên cạnh sự thể hiện bản thân qua những tấm ảnh “ảo diệu” trên mạng xã hội, là những trạng thái đầy bất ổn và thông tin tiêu cực.

Cô Nguyễn Lại Thanh Trúc (cựu giáo viên THPT, ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) cho biết: “Qua nhìn nhận giới trẻ hiện nay và những học trò đang trưởng thành, tôi nhận thấy đa số các em chỉ muốn người khác nhìn thấy những điều mình thể hiện ra bên ngoài, mà không dám sống thật với chính mình. Tôi nghĩ rằng, một số bạn trẻ đang cố tình che đậy và không biết cách để cân bằng những cảm xúc bất ổn đó. Khi cố dồn nén bao nhiêu thì khoang cảm xúc của các em càng bị lấp đầy bởi sự bất an và tiêu cực.

Đến khi không còn sức chứa, chúng lại bộc phát gây nên tình trạng stress, lo âu, chán nản. Những hội chứng rối loạn tâm lý ấy sẽ ngày càng gia tăng khi trẻ bước ra đời đi làm, khi phải đối diện với nhiều sức ép từ công việc, áp lực từ các mối quan hệ, càng làm người trẻ thêm bối rối, khủng hoảng dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống, giảm khả năng làm việc và phấn đấu, cống hiến”.

Quay lại vấn đề nhiều phụ huynh đang thiếu kiến thức nuôi dạy con, để mặc con trẻ tự trưởng thành mà quên quan tâm đến cảm xúc của con. Theo giảng viên Trần Thị Huyền, phụ huynh cần quan tâm chăm lo con phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện học hành lẫn phát triển phẩm chất cá nhân, kỹ năng sống cần thiết.

Nếu ngay từ nhỏ, phụ huynh có cách giáo dục phù hợp, không có tư tưởng áp đặt, không dùng bạo lực để con ngoan ngoãn thì trẻ sẽ không tổn thương tâm lý. Cha mẹ phải để con chia sẻ, thổ lộ tâm tư, tình cảm, cho con tham gia học các lớp kỹ năng sống, để con được hướng dẫn cách nhận biết cảm xúc của bản thân, những bất ổn, nóng giận, lo sợ, yêu, ghét, mặc cảm… của bản thân. Từ đó, trẻ sẽ được hướng dẫn kỹ năng hóa giải.

Ví như khi con giận một bạn nào đó, không được dùng lời “chửi” nhau hay đánh mắng bạn, mà hãy ra khỏi không gian đó để có thể nguôi giận và quay lại nói chuyện với bạn. Hay khi bước vào phòng thi, trẻ sẽ hồi hộp. Nếu như trước đó, con được hướng dẫn hít sâu, thở dài, tự ngồi tĩnh lặng trong ít phút thì có thể nhanh chóng lấy lại bĩnh tĩnh và làm bài thi tốt…

Theo các chuyên gia tâm lý, người trẻ cần sống sâu lắng hơn, hãy sống bằng trọn vẹn những điều mình đang có; mỗi người cần nhận diện, cân bằng cảm xúc trước những áp lực trong công việc và cuộc sống mỗi ngày. Khi thấy mình mệt mỏi, nóng nảy dù là chuyện nhỏ, có những bứt rứt, lo lắng không yên, đó là những dấu hiệu của mất cân bằng cảm xúc. Những lúc như vậy, cần chọn cách thả lỏng, uống một ngụm nước, điều hòa hơi thở, tưới cây, ngắm chậu hoa đẹp, đi bộ trong tĩnh lặng, tập Yoga, chơi thể thao, đọc sách để học hỏi những điều giá trị... cũng là cách để rèn luyện cảm xúc và tự chữa lành cho chính mình.

Trong nhịp sống hiện đại, dù là người nhỏ tuổi, người trẻ, người trưởng thành hầu như đều có những áp lực, có những ngày rơi vào trạng thái tiêu cực, mất niềm tin, mất động lực sống. Nên mỗi người luôn cần tự nhận biết cảm xúc của bản thân để tự cân bằng. Đó là kỹ năng sống cần thiết cần được trang bị ngay từ nhỏ, để rồi “Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình”, tự nạp lại năng lượng sống tích cực, tha thứ và thương yêu, lạc quan và phấn khởi…

NGỌC GIANG