Ô nhiễm là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với các bệnh tật và tử vong sớm trên thế giới. Bệnh gây ra bởi ô nhiễm dưới tất cả các hình thức đã gây ra chín triệu trường hợp tử vong, tương đương với 16% số tử vong, trên toàn thế giới trong năm 2015.
Tình trạng ô nhiễm gây tử vong nhiều hơn gấp nhiều lần so với các nguyên nhân chế độ ăn mặn (nhiều natri) (4,1 triệu), béo phì (4,0 triệu), rượu (2,3 triệu), tai nạn giao thông (1,4 triệu) và suy dinh dưỡng trẻ em và người mẹ (1,4 triệu).
Số tử vong liên quan đến ô nhiễm cao hơn gấp ba lần so với AIDS, lao và sốt rét cộng lại, và gấp năm lần so với chiến tranh và tất cả các hình thức bạo lực liên quan đến chiến tranh (như khủng bố). Các bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 71% tổng gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm.
Một cách cụ thể, ta có thể nói rằng tất cả các hình thức ô nhiễm gộp chung chiếm 21% nguyên nhân tử vong do bệnh tim mạch, 23% trường hợp tử vong do tai biến mạch máu não, 51% các ca tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 43% các ca tử vong do ung thư phổi.
Nguy cơ tương đối của tất cả các bệnh không lây truyền liên quan đến ô nhiễm tăng lên khi mức độ tiếp xúc với ô nhiễm cũng tăng lên.
Ô nhiễm là kẻ giết người khủng khiếp.
Ô nhiễm gây tử vong nhiều ở nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương (vì đã có sẳn những bệnh mạn tính không lây truyền). Gần 92% tử vong liên quan đến ô nhiễm xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình hoặc.
Ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các bệnh liên quan đến ô nhiễm chiếm tới hơn 25% số ca tử vong. Ở tất cả các nước, giàu cũng như nghèo, các bệnh liên quan đến ô nhiễm phổ biến nhất trong số các dân tộc thiểu số và những người bị sống bên lề xã hội (vô gia cư, thất nghiệp dài hạn).
Trẻ em có nguy cơ cao mắc phải các bệnh liên quan đến ô nhiễm. Việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm ngay cả với liều lượng rất thấp trong giai đoạn bào thai và thời thơ ấu cũng có thể làm cho trẻ bị bệnh, tàn tật hoặc thậm chí dẫn đến tử vong ngay từ trong thời thơ ấu hay trong phần đời còn lại.
Mặc dù có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người, nền kinh tế và môi trường, ô nhiễm vẫn còn là một vấn đề mà các chính phủ, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, chưa quan tâm đúng mức tầm quan trọng.
Đặc biệt, những ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm bị đánh giá thấp hơn thực tế rất nhiều trong các phép tính gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Thậm chí, ở những nước này, sự ô nhiễm do khí thải công nghiệp, khí thải xe cộ và các hóa chất độc hại đã không được tính đến, đặc biệt là trong các chương trình phát triển quốc tế và y tế toàn cầu.
Mặc dù hơn 70% các bệnh liên quan đến ô nhiễm là những bệnh không lây nhiễm, các can thiệp chống ô nhiễm chỉ vừa mới được đề cập đếm trong Kế hoạch hành động Toàn cầu về phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
Ô nhiễm không những là một di làm tổn hại đến sứ khỏe con người, ô nhiễm cũng là một nguyên nhân chính làm hao tổn nền kinh tế của taaastcar các quốc gia trên thế giới, vì những lý do sau.
Các bệnh liên quan đến ô nhiễm dẫn tới tổn thất năng suất làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tới 2% mỗi năm.
Các bệnh này cũng gây ra tổn thất y tế, chiếm 1,7% chi tiêu y tế hàng năm ở các quốc gia có thu nhập cao và lên đến 7% chi phí y tế ở các nước có thu nhập trung bình bị ô nhiễm nặng và đang tăng nhanh.
Thất thoát phúc lợi do ô nhiễm ước tính đạt 4,6 nghìn tỷ đô la một năm, hay 6,2% sản lượng kinh tế thế giới. Chi phí do các bệnh liên quan đến ô nhiễm có xu hướng gia tăng khi các mối liên quan mới giữa ô nhiễm và bệnh tật được phát hiện.
Ô nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe của cả nhân loại ; nó phá hủy các hệ sinh thái và có liên quan chặt chẽ với sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc đốt các nhiên liệu hóa thạch ở các nước có thu nhập cao và trung bình và việc đốt sinh khối ở các nước có thu nhập thấp chiếm 85% ô nhiễm không khí và gần 100% ô nhiễm gây ra bởi oxit lưu huỳnh và nitơ.
Đây cũng là một nguyên nhân đáng kể của hiệu ứng nhà kính và các chất ô nhiễm khí hậu ngắn hạn gây ra biến đổi khí hậu. Các nguồn thải carbon dioxide chính yếu - các nhà máy sản xuất hóa chất, khai thác mỏ, phá rừng và các phương tiện chạy bằng xăng - cũng là những nguồn ô nhiễm quan trọng. Than là nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất trên thế giới và sự đốt cháy than là nguyên nhân chính gây ô nhiễm và thay đổi khí hậu.
Các thành phố, đặc biệt là các thành phố đang phát triển nhanh ở các nước công nghiệp hóa, bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm. Chúng chiếm 85% hoạt động kinh tế toàn cầu và 55% dân số thế giới sống ở đó: tại đây tập trung con người, tiêu thụ năng lượng, xây dựng, công nghiệp và giao thông.
Những tác hại của ô nhiễm đối với sức khỏe con người ngày nay không thể tranh cãi, nhưng không bao giờ là quá muộn để làm tốt. Cuộc chiến chống ô nhiễm, trên quy mô hành tinh, không chỉ là không thể thiếu, hiện nay đây còn là yếu tố sống còn của nhân loại.
Tiến sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn có bằng bác sĩ y khoa của trường Y khoa Descartes Paris và bằng Tiến sĩ về Khoa học lâm sàng của Đại học Cambridge.
Ông là Trưởng Khoa Sinh lý Hô hấp lâm sàng tại Bệnh viện Cochin (Paris) và Giám đốc Phòng Nghiên cứu Vật lý Tế bào và Tích hợp tại Trường Y khoa Descartes Paris.
Ông có một hồ sơ dài hạn về điều tra lâm sàng và các nghiên cứu cơ bản với hơn 200 bài báo đăng trên các tạp chí y sinh học và y học đã được kiểm tra lại. Ông cũng từng là biên tập viên của các tạp chí y học quốc tế tiêu chuẩn cao.
Ông hiện là Hiệu trưởng của "Viện Y tế" của Đại học Corsica và Giám đốc chương trình giáo dục cho sinh viên y khoa năm thứ nhất tại trường Đại học Paris Descartes.
Tiến sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn là một trong các diễn giả của Diễn đàn Phát triển bền vững Việt Nam (Vietnam Sustainability Forum – VSF, www.vsf.a-vse.org) với chủ đề “Nhìn lại mô hình tăng trưởng thịnh vượng, bền vững môi trường và hòa nhập xã hội” tại Hà Nội 18-1 và Quảng Ninh 19-1, do hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam AVSE Global phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển APD tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ kế hoạch và đầu tư.
Theo PHƯƠNG LÊ (VTC News)