Thượng úy Đàm Xuân Thăng (Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Phú Hội) quê ở miền Bắc, mới về công tác ở BĐBP tỉnh An Giang 4 năm nay. Trong 4 năm ấy, anh “chân ướt, chân ráo” làm quen vùng đất biên giới Tây Nam của Tổ quốc, bỡ ngỡ tiếp cận phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào DTTS các dân tộc, đặc biệt là DTTS Khmer. Công việc đặc thù giúp anh có nhiều dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng đồng bào địa phương. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ khiến anh chỉ có thể hiểu được ý của người dân thông qua phiên dịch. Điều này gây ra nhiều bất tiện, mất thời gian lẫn công sức trong quá trình đối thoại, vận động, tuyên truyền. Dù chịu khó “học lỏm”, anh vẫn cảm thấy rất “mù mờ” về ngôn ngữ mới.
“Khi được đơn vị cử đi học lớp bồi dưỡng 4 kỹ năng tiếng Khmer căn bản năm 2024, tôi cảm thấy rất hào hứng, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành. 30 thành viên của lớp đều sắp xếp công việc tại đơn vị, việc nhà, tham gia học tập trung hơn 3 tháng liên tục ở Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động. Ngoài giờ lên lớp, tôi cố gắng luyện tập, cải thiện cách phát âm, viết chữ, ráp vần… vào chiều tối. Điều thú vị nhất là chúng tôi được thầy cô chia sẻ kiến thức về văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội của đồng bào DTTS Khmer nói chung, tỉnh An Giang nói riêng. Chưa hết, chúng tôi còn được học cách giao tiếp trong buổi tiệc, học những bài hát sôi động, ý nghĩa bằng tiếng Khmer. Các kỹ năng này sẽ giúp cán bộ tự tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là khi giao tiếp, gặp gỡ lực lượng bảo vệ biên giới của Vương quốc Campuchia” - thượng úy Thăng cho biết.
Giáo viên trau dồi các kỹ năng cơ bản cho nhóm học viên
Là cán bộ quản lý lớp, Thăng nỗ lực khá nhiều để trở thành 1 trong 14 học viên xếp loại giỏi cuối khóa học, có thể giao tiếp căn bản. Hôm bế giảng lớp bồi dưỡng, anh làm mọi người ngạc nhiên khi có thể đọc bài phát biểu cảm tưởng hơn 2 trang giấy A4 bằng tiếng Khmer. Giữ vai trò giáo viên chủ nhiệm, thầy Chau Mên (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú An Giang) theo sát lớp học từ đầu. Ông chia sẻ: “Đặc thù ngôn ngữ Khmer đòi hỏi học viên phải có năng khiếu về ngoại ngữ. Khi vừa khai giảng, giáo viên bộ môn đã khảo sát sơ bộ để biết năng lực, trình độ hiện tại của từng học viên. Từ đó, có biện pháp hỗ trợ, giảng dạy phù hợp tình hình thực tế. Tất cả học viên cùng tăng cường giao tiếp, học tập theo nhóm, đàm thoại với giáo viên, học viên với nhau. Ngoài ra, các bạn còn chủ động tìm hiểu cách đánh chữ Khmer trên điện thoại di động, từ ngữ chủ điểm chuyên ngành biên phòng… Qua kiểm tra cuối khóa, 100% học viên đạt điểm từ khá trở lên”.
Gần 20 năm nay, những lớp bồi dưỡng như thế được duy trì đều đặn trong BĐBP tỉnh. Theo đại tá Lê Hoàng Việt, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, việc học tiếng DTTS Khmer xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ công tác của BĐBP trong tình hình mới. Trên tuyến biên giới An Giang, đời sống của đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, nhất là kiến thức về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong khi đó, công tác vận động quần chúng, kiểm soát xuất - nhập cảnh… của lực lượng biên phòng ngày càng nặng nề. Nếu cán bộ, chiến sĩ biên phòng có thể thành thạo 4 kỹ năng tiếng Khmer thì sẽ thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, gắn kết tình cảm quân - dân hơn nữa.
“Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng tiếng Khmer trong lực lượng, đề nghị học viên ôn luyện, đạt kết quả cao trong kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia. Khi trở về đơn vị, với những kiến thức, kỹ năng đã học được, từng cán bộ phải thường xuyên nêu cao tinh thần tự học, học từ đồng đội người DTTS Khmer… áp dụng vào công tác chuyên môn. Chỉ khi nghe, nói được tiếng của đồng bào, hiểu được phong tục, tập quán thì công tác tuyên truyền, vận động mới có hiệu quả. Khi ấy, cần đi sâu vào tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; công tác quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP; các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở khu vực biên giới” - đại tá Lê Hoàng Việt nhấn mạnh.
Đánh giá cao tinh thần học tập của học viên bộ đội, thầy Lâm Huỳnh Mạnh Đông (Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh) thông tin thêm: “Chúng tôi tiếp tục lựa chọn, phối hợp Trung tâm Victory - Trường Đại học Trà Vinh (đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép cấp chứng chỉ quốc gia tiếng Khmer) để giúp học viên ôn luyện, tham dự kỳ thi cấp chứng chỉ. Mong rằng, đây là những hành trang quý giá để học viên vận dụng vào thực tiễn công tác, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào DTTS Khmer vào đường lối của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo nên khối thống nhất, cùng chung tay xây dựng quê hương”.
Thầy Chau Mô Ni Sóc Kha (nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn) cho biết, ngôn ngữ Khmer khó ở phần nét chữ, cách ghép vần, còn ghép câu thì gần giống tiếng Việt. Do đó, phải nắm vững nguyên tắc ráp, thuộc phụ âm, nguyên âm thì sẽ ghép được câu. Từ năm 2002, thầy đã tham gia giảng dạy tiếng Khmer cho cán bộ BĐBP, giúp học viên có thể giao tiếp, quản lý biên giới, cửa khẩu tốt hơn.
|
GIA KHÁNH