Trước những đối thủ nặng ký nước ngoài, nhiều đề xuất đã được các chuyên gia kiến nghị nhằm tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm camera Make in Viet Nam.
Theo ông Nguyễn Đức Quý, Tổng giám đốc Vconnex, 90% trong tổng số hơn 10 triệu camera giám sát đang lưu hành tại Việt Nam có nguồn gốc và sự kết nối với máy chủ nước ngoài, điều này đặt ra nhiều rủi ro về an toàn dữ liệu và thông tin.
Ông Quý cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là do chúng ta chưa có nhiều nền tảng quản lý camera giám sát mở đặt tại Việt Nam. Để giải quyết triệt để và tận gốc vấn đề, Việt Nam cần làm chủ từ nền tảng đến thiết bị.
“Chúng ta đang thiếu một nền tảng quản lý camera giám sát mở của Việt Nam. Nếu chỉ tập trung sản xuất phần cứng camera, làm chủ firmware nhưng vẫn sử dụng nền tảng kết nối nước ngoài, thì dữ liệu vẫn sẽ đi ra bên ngoài mà không ở Việt Nam”, Tổng giám đốc Vconnex nhận định.
Dẫn chứng bài học từ Trung Quốc, ông Quý cho biết, để phát triển các doanh nghiệp nội và tiến ra thế giới, ở mỗi lĩnh vực, chính phủ nước này có chiến lược tập trung hỗ trợ một vài nền tảng quan trọng. Chúng ta cũng nên có những chính sách phù hợp để phát triển ngành công nghiệp điện tử.
Có những nhà sản xuất mạnh về phần cứng, có bên lại mạnh về nền tảng. Nếu mỗi đơn vị đều tự phát triển mọi thứ thì sẽ bị hạn chế về nguồn lực. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất camera trong nước cần liên minh, tận dụng thế mạnh của nhau, để giảm chi phí, hạ giá thành nhằm tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.
Trên thực tế, tại Việt Nam hiện đã có một số đơn vị làm chủ được nền tảng quản lý mở cho các camera giám sát. Có thể kể đến một vài đơn vị tiêu biểu như Viettel, Bkav, Lumi,...
Chủ tịch HĐQT Công ty Lumi Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh cũng đưa ra đề xuất về việc có một nền tảng quản lý dùng chung cho camera giám sát Make in Viet Nam.
Theo ông Tuấn Anh, để tạo nên giá thành sản phẩm có rất nhiều thành phần, từ sản xuất phần cứng, phát triển firmware, nền tảng, app, mọi thứ đều cần chi phí. Nếu các doanh nghiệp có thể dùng chung về nền tảng sẽ tối ưu được chi phí, từ đó gia tăng tính cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại và mang lại lợi ích cho người dùng.
“Lumi đang sử dụng nền tảng mở do chính người Việt Nam phát triển. Chúng ta có thể kết hợp với cơ quan quản lý, cùng đánh giá mã nguồn mở này để tất cả các công ty dùng chung nền tảng. Không chỉ nền tảng quản lý camera, chúng ta có thể dùng chung nền tảng sản xuất, firmware được không?”, Chủ tịch HĐQT Lumi Việt Nam đặt vấn đề.
Vị chuyên gia này cho rằng, các nhà sản xuất camera Việt Nam có thể dùng chung một platform, sau đó mỗi công ty tự bổ sung thêm các tính năng để phù hợp với giải pháp của mình. Điều tương tự cũng có thể thực hiện với ứng dụng quản lý. Nếu cùng đóng góp năng lực nghiên cứu, công nghệ, nền tảng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể chia sẻ, tối ưu chi phí, từ đó cùng bán được hàng và chiếm lĩnh thị trường.
Ông Võ Đức Thọ, Tổng giám đốc Hanet Technology cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất camera giám sát Việt Nam đều phát triển nền tảng riêng, không sử dụng nền tảng của nước ngoài.
Theo đại diện Hanet, việc giảm giá thành không phải ở vấn đề sử dụng chung nền tảng phần mềm hay không. Các doanh nghiệp Trung Quốc có sản phẩm giá rẻ bởi họ sản xuất hàng triệu chiếc. Doanh nghiệp Việt Nam muốn có giá rẻ cũng phải sản xuất lớn, hoặc phải có cách đi khác biệt.