Cẩn trọng vẫn hơn!

20/04/2020 - 09:58

'Khi nào cuộc sống trở lại bình thường?', đây có lẽ là một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất sau khi hàng loạt chính phủ trên thế giới triển khai biện pháp phong tỏa và hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Đến nay, chưa có quốc gia nào công bố thời điểm dỡ bỏ các biện pháp này. Tuy nhiên, một số nước đã bắt đầu nới lỏng một vài biện pháp để cân bằng hai nhiệm vụ cần được ưu tiên trong thời gian đại dịch bùng phát là bảo vệ sức khỏe cộng đồng và khôi phục hoạt động kinh tế.


Người dân tại TP Barcelona, Tây Ban Nha, ra ban công vỗ tay cổ vũ tinh thần những nhân viên y tế đang gồng mình chống dịch. (Ảnh: Getty Image)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan mất kiểm soát, hàng loạt quốc gia trên thế giới, từ nước có nhiều ca nhiễm đến nước chưa ghi nhận ca nhiễm nào, đều đưa ra các biện pháp phong tỏa và hạn chế như đóng cửa biên giới, siết chặt quy định về nhập cảnh và cách ly, cấm tụ tập đông người, yêu cầu người dân ở nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp rất cần thiết, tạm ngừng các hoạt động kinh tế không thiết yếu... Giới chuyên gia đánh giá, đây là những biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có trong thời bình. Theo trang Business Insider, khoảng 1/3 dân số thế giới đang sống trong tình trạng phong tỏa.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 xuống còn -3%, đồng thời nhận định kinh tế toàn cầu có thể sẽ trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái xảy ra vào những năm 1930. Nguyên nhân là do tác động từ các chính sách phong tỏa và hạn chế mà các nước thực thi để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Từng bước nới lỏng biện pháp hạn chế

Sau khi đánh giá diễn biến dịch bệnh trong nước, một số quốc gia đã bắt đầu cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế. Nóng lòng đưa nền kinh tế Mỹ nhanh chóng hoạt động trở lại, Tổng thống Donald Trump vừa công bố kế hoạch mở lại nền kinh tế theo ba giai đoạn ngay cả khi nước này vẫn là vùng dịch lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tài liệu hướng dẫn mở lại nền kinh tế Mỹ không mang tính bắt buộc. Ông chủ Nhà trắng khẳng định, Mỹ sẽ không mở cửa đồng loạt mà triển khai thận trọng từng bước tại từng thời điểm và các bang sẽ tự đưa ra quyết định của mình. Song, Chính phủ Mỹ khuyến cáo các bang cần ghi nhận đà giảm số ca nhiễm mới trong vòng 14 ngày trước khi thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế số một thế giới.

Tại một số điểm nóng của châu Âu, khu vực ghi nhận gần 50% tổng số ca bệnh Covid-19 trên toàn cầu, các nhà chức trách đang khôi phục một số hoạt động kinh tế. Italy đã dỡ bỏ hạn chế đối với hai hạng mục cửa hàng là cửa hàng văn phòng phẩm và cửa hàng quần áo trẻ em, nhưng vẫn duy trì phong tỏa trên diện rộng. Chính phủ Tây Ban Nha đã cho phép lĩnh vực xây dựng và sản xuất hoạt động trở lại, trong khi lệnh hạn chế đi lại trên toàn quốc sẽ tiếp tục có hiệu lực ít nhất đến ngày 26-4. Tại Đức, các cửa hàng có diện tích từ 800 m2 trở xuống được mở cửa từ ngày 20-4, học sinh sẽ đến trường từ ngày 4-5. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier khẳng định, Chính phủ Đức nhận thức sâu sắc rằng những rủi ro của dỡ bỏ biện pháp hạn chế quá sớm sẽ chỉ dẫn đến việc phải áp đặt biện pháp phong tỏa hoàn toàn về sau, do đó nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải cân nhắc mọi bước đi của mình.

Iran, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại khu vực Trung Đông, đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại trong tỉnh từ ngày 12-4, sau đó dỡ bỏ hạn chế di chuyển liên tỉnh vào ngày 20-4. Những hoạt động kinh doanh được cho là có nguy cơ thấp bên trong và ngoài thủ đô Tehran đã dần trở lại guồng quay. Ấn Độ sẽ phong tỏa đất nước đến ngày 3-5 nhưng sẽ cho phép một vài lĩnh vực như nông nghiệp và xây dựng ở khu vực nông thôn hoạt động sau ngày 20-4. Trước đó, ngày 8-4, TP Vũ Hán của Trung Quốc chính thức được dỡ lệnh phong tỏa sau 76 ngày chiến đấu với dịch Covid-19.

Dựa vào tiêu chí nào để dỡ bỏ biện pháp hạn chế?

Trong khi một số nước bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế thì nhiều quốc gia vẫn duy trì, thậm chí kéo dài và tăng cường các biện pháp này, và Anh là thí dụ điển hình. Để ngăn chặn dịch bệnh leo thang, Chính phủ Anh ngày 16-4 quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất ba tuần. Hầu hết người dân “quốc đảo sương mù” đều bày tỏ ủng hộ quyết định của chính phủ. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cảnh báo, nới lỏng bất cứ biện pháp nào cũng có thể gây tổn hại cho sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế. Song, Anh cũng tính đến kế hoạch dỡ bỏ biện pháp hạn chế nếu nước này đáp ứng được năm tiêu chí. Thứ nhất, Anh phải bảo vệ năng lực ứng phó của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS). Thứ hai, số ca tử vong do Covid-19 trong ngày phải giảm liên tục và Anh phải chắc chắn đã qua đỉnh dịch. Thứ ba, số liệu đáng tin cậy từ Tổ Tư vấn khoa học trong trường hợp khẩn cấp (SAGE) phải cho thấy tỷ lệ lây nhiễm đã giảm tới mức có thể kiểm soát được. Thứ tư, một loạt thách thức như năng lực làm xét nghiệm và thiết bị bảo hộ cá nhân đều được giải quyết và nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Thứ năm, Anh phải bảo đảm mọi sự điều chỉnh đối với các biện pháp hiện nay sẽ không có nguy cơ gây ra đợt bùng phát dịch lần thứ hai.

Tương tự Anh, Pháp sẽ kéo dài thời hạn phong tỏa tới ngày 11-5 nhằm tiếp tục nỗ lực khống chế dịch Covid-19, ưu tiên cứu chữa người bệnh và chuẩn bị các giải pháp phục hồi hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Brazil cũng duy trì đóng cửa các thành phố lớn nhất và phần lớn các bang của nước này. Argentina gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 26-4. A-rập Xê-út đã tạm ngừng các cuộc hành hương đến thánh địa Mecca và kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc. Nam Phi gia hạnh lệnh phong tỏa toàn quốc cho đến cuối tháng này và chỉ mở lại những lĩnh vực then chốt đáp ứng được các điều kiện được kiểm soát chặt chẽ. Ngày 16-4, Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và tránh cho hệ thống y tế sụp đổ trong đại dịch. Hàn Quốc, quốc gia được đánh giá là đang kiểm soát tốt dịch bệnh, kêu gọi người dân duy trì giãn cách xã hội.

Đứng trước nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy nền kinh tế, các quốc gia đã đưa ra lựa chọn khác nhau sau khi cân nhắc tình hình trong nước. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), quyết định của các chính phủ phải bảo vệ sức khỏe con người trước tiên. WHO khuyến cáo, các chính phủ không nên dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế cùng một lúc, mà nên dần dỡ bỏ và dỡ bỏ có kiểm soát. Trong chiến lược mới cập nhật, WHO đã xây dựng sáu tiêu chí để các nước đánh giá khi cân nhắc dỡ bỏ biện pháp hạn chế: thứ nhất, kiểm soát được sự lây lan; thứ hai, hệ thống y tế có năng lực phát hiện, xét nghiệm, cách ly, điều trị mọi ca bệnh và truy tìm những người tiếp xúc người bệnh; thứ ba, nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại những nơi đặc biệt như cơ sở y tế, viện dưỡng lão... được giảm xuống mức thấp nhất; thứ tư, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh được triển khai tại công sở, trường học và những nơi thiết yếu đối với hoạt động của người dân; thứ năm, kiểm soát nguy cơ có ca nhiễm từ nước ngoài; thứ sáu, các nước nên giáo dục toàn diện, gắn kết và trao quyền cho cộng đồng để thích nghi với chuẩn mực mới.

SARS-CoV-2 là chủng virus mới và đại dịch Covid-19 do virus này gây ra “tăng tốc” rất nhanh nhưng “giảm tốc” lại chậm. Chính vì vậy, ngay cả lúc dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt tại các điểm nóng như Italy và Tây Ban Nha thì giới chức ở đây dù lạc quan nhưng vẫn bày tỏ thận trọng trước “kẻ địch”. Khi đối mặt với kẻ thù khó lường như Covid-19, thế giới không được phép mất cảnh giác bởi vì chỉ cần một quyết định không đúng đắn cũng có thể tạo kẽ hở để dịch bệnh bùng phát làn sóng thứ hai, làm sụp đổ hệ thống y tế và buộc các nền kinh tế phải đóng cửa hoàn toàn. Nếu các chính phủ đặt tính mạng của người dân lên trên hết để cân nhắc kỹ lưỡng, thường xuyên rà soát và linh hoạt điều chỉnh các biện pháp ứng phó dịch bệnh thì thế giới sẽ có thêm cơ hội sớm được nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm.

Theo HOÀNG HÀ (Nhân Dân)