Người trẻ hiện nay phần lớn kết nối với nhau thông qua mạng xã hội. Trong “thế giới phẳng”, mọi nội dung được lan truyền không giới hạn không gian, nhanh nhất về thời gian. Từ thực tế đó, trào lưu mạng xã hội không ngừng xuất hiện, được đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình, khơi gợi sự hiếu kỳ và thích thú trong giới trẻ. Trào lưu mạng xã hội hiểu đơn giản nhất là các hiện tượng, xu hướng được giới trẻ quan tâm, hưởng ứng. Trào lưu càng khó, lắt léo, gây tranh cãi lại càng khiến cư dân mạng phát sốt, thử thách nhau xem ai thực hiện thành công.
Hiện nay, đang lan truyền trào lưu “bắt pen” của giới trẻ trên TikTok. Một người sẽ ấn mạnh vào 2 bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng, hoặc “phê pha giả tạo”. Theo các chuyên gia y tế, trò chơi này gây ra hàng loạt nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí gây tử vong. Hành động này tiềm ẩn nguy cơ ngất xỉu, co giật, thậm chí đột quỵ. Đáng lo ngại, đây chỉ là một trong số những trào lưu gây hại đến sức khỏe đang lan truyền trong giới trẻ. Mặc dù biết rủi ro, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn bị cuốn vào các thử thách này, vì sự hấp dẫn, kích thích từ số lượt tương tác và sự chú ý trên mạng xã hội.
Phạm Thị K.T. (học sinh lớp 9 ở TP. Long Xuyên) cho biết: “Sau khi xem các video trên mạng xã hội, em và mấy bạn cũng thử “bắt pen”, trải nghiệm cảm giác mới lạ. Khi bị ấn vào 2 bên cổ, em cảm thấy như mọi thứ xung quanh quay cuồng, mất thăng bằng, làm em rất sợ. Ban đầu, em tham gia trò chơi chỉ vì tò mò, muốn “đu trend”, mà không nghĩ việc này là nghịch dại, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Giờ em sợ rồi, không bao giờ dám “đu trend” kiểu này nữa”.
Cũng như trào lưu bẻ đồ long đao (thanh gập lò xo tập tay) được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội trước đây, khiến nhiều bậc phụ huynh phải lo lắng. Những thanh đồ long đao này có lực gập từ 20 đến 120kg. Điều đáng chú ý, người lớn vô tư đưa thanh lò xo này thử thách trẻ nhỏ, mà không biết rằng chúng tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường.
Hay trào lưu “Đóng cửa dọa ma trẻ em” cũng nóng một thời gian. Sau khi mở hiệu ứng video hình ảnh bóng ma có tiếng cười rùng rợn trên ứng dụng điện thoại, người lớn nhanh chóng chạy ra khỏi phòng, đóng cửa, tắt đèn nhốt trẻ trong phòng một mình, khiến các em sợ hãi khóc thét. Tưởng chừng như trò đùa vô hại, nhưng trào lưu này rất dễ ảnh hưởng tâm lý của trẻ về sau. Ban đầu, chỉ là trò chơi trên mạng xã hội, nhưng thử thách nhanh chóng biến tướng thành hành động nguy hiểm khi có trẻ em tham gia thực hiện.
Chưa kể đến không ít trào lưu “bẩn”, phản cảm, thiếu văn hóa, bị lên án rất nhiều, như: Khoe thân; các nội dung độc hại với ngôn từ tục tĩu, nhảm nhí… Khi thiết bị di động trở lên phổ biến cùng người dùng di động trẻ hóa, thì mạng xã hội giờ đây ảnh hưởng rất lớn đến góc nhìn của trẻ chưa thành niên. Có thể bắt gặp không ít học sinh bị cuốn theo trào lưu trên mạng xã hội, đăng tải nội dung “thời thượng” nhảy, múa, sử dụng ngôn từ theo “trend”, khoe điểm nhạy cảm trên cơ thể, ăn uống món quái dị không giống ai, chụp ảnh “check-in” ở sân bay, săn mây trên máy bay, thử thách uống cà-phê bỏ hành lá hoặc trứng bắc thảo… để câu “like”, câu “view”.
Đặc biệt, các video này thu hút nhiều lượt tương tác, nhiều người cổ súy, coi là “hot trend”, chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Chị Lê Thị Tuyết Vân (huyện Châu Phú) chia sẻ: “Trên mạng xã hội, video phản cảm thường thu hút người xem hơn. Với người lớn, họ còn nhận thức được, chứ trẻ em, thiếu niên sẽ nghĩ đó là chuẩn mực, dễ làm theo, rất nguy hiểm”.
Mặc dù các trào lưu này thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của giới trẻ có thể kéo dài. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, khuyến khích tham gia hoạt động lành mạnh hơn là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình cần tăng cường giám sát, nhắc nhở, giáo dục học sinh nhận thức rõ ràng về mức độ nguy hiểm của trào lưu xấu độc, tránh hậu quả đáng tiếc.
Người dùng mạng xã hội cần tự trang bị cho mình khả năng phân biệt nội dung giải trí lành mạnh và trào lưu tiềm ẩn nguy hiểm. Nhận thức đúng đắn là chìa khóa để giới trẻ tự bảo vệ bản thân, tận dụng được lợi ích mà mạng xã hội mang lại, không phải trả giá bằng hậu quả khôn lường.
TRỌNG TÍN