Cẩn trọng với rượu không rõ nguồn gốc

23/08/2022 - 06:59

 - Thời gian gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu gây tử vong. Đây là vấn đề đáng báo động về hậu quả của tình trạng mua bán hoặc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hiện nay, một số người sử dụng rượu trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày khá phổ biến. Ngoài các loại rượu được chế biến theo công nghệ tiên tiến, thì rượu gạo, rượu nếp, rượu thuốc... vẫn được làm theo phương pháp thủ công truyền thống và bán trên thị trường, trong quán ăn, nhà hàng. Bên cạnh các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rượu được cấp phép sản xuất - kinh doanh (SXKD) rượu thủ công truyền thống làm ăn chân chính thì vẫn còn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, vì lợi nhuận chỉ quan tâm tới số lượng, bất chấp chất lượng cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

Bà Lê Thị M. (người bán rượu lâu năm ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Nếu nấu bằng gạo, lên men, chưng cất thành rượu thì phải bán giá cao. Nhưng bán giá cao thì khó bán, lời ít. Một số chủ lò rượu pha thêm nước rồi cho thêm thuốc để tăng độ rượu, hoặc pha cồn công nghiệp để bán lẻ hoặc bỏ mối rượu với giá thấp cạnh tranh”.

Tại một cửa hàng tạp hóa ở TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang), anh Nguyễn Văn T. cho biết: “Tôi bán rượu nhiều năm nay nên biết rượu nào pha cồn hoặc không pha cồn. Tôi lấy rượu tại lò quen nên rất yên tâm về chất lượng”.

Anh Trần Quốc Dũng (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết: “Từ trước đến nay, mọi người đi mua rượu ở cửa hàng tạp hóa chưa ai yêu cầu xem nguồn gốc sản xuất. Một phần vì mua chỗ quen, tin tưởng nhau, phần vì rượu này được bán phổ biến. Ở quê, bà con lối xóm quen nhau nên rất ít có tình trạng bán rượu pha cồn làm hại sức khỏe”.

 

Rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên mạng xã hội

Theo các chuyên gia, cồn methanol là hóa chất, chỉ dùng trong công nghiệp vì rất độc với người. Methanol khi uống vào trong máu có thể chuyển sang dạng chất gây độc, tác động đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, suy hô hấp cấp, suy tim, tụt huyết áp, sốc nặng, suy thận cấp, mù mắt... dễ dẫn đến tử vong, nếu không có các biện pháp y tế can thiệp kịp thời. Do đó, dù nặng hay nhẹ, nếu phát hiện người bị ngộ độc rượu có các triệu chứng trên, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời, ngăn chặn biến chứng phức tạp xảy ra.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc. Điển hình, ngày 5/8, nhóm 8 người (hầu hết là sinh viên) rủ nhau nhậu tại một quán nhậu ở TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh).

Trong buổi nhậu đó, họ uống rượu “không rõ loại gì”. Sau khi uống về, 1 người tử vong tại phòng trọ, 7 người còn lại bị đau bụng, chóng mặt, nôn ói nhiều, uống thuốc nhưng không hết. Tất cả đều có triệu chứng co giật, lơ mơ, hôn mê, nên được người nhà chuyển đến bệnh viện cấp cứu; 1 người tử vong tại bệnh viện; 6 người bị ngộ độc còn lại được điều trị tại bệnh viện.

Cũng trong khoảng thời gian này, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận thêm 5 ca ngộ độc do uống rượu pha cồn rửa tay có chứa methanol, đã được lọc máu. Nếu chậm trễ vào bệnh viện cấp cứu thì khả năng tử vong rất cao. Đến nay, những trường hợp ngộ độc rượu này lần lượt được xuất viện với sức khỏe ổn định.

Trước đó, vào sáng 29/7, ông V.V.D. (tỉnh Bến Tre) tổ chức uống rượu tại nhà cùng với 3 người khác là ông N.V.N, ông L.M.T và ông T.V.T (ngụ cùng địa phương). Khoảng 22 giờ cùng ngày, ông N. trở về nhà, có biểu hiện mệt mỏi, đau ngực, khó thở, được gia đình đưa đi cấp cứu. Đến 23 giờ 45 phút cùng ngày, ông tử vong tại bệnh viện.

Sáng 30/7, ông L.M.T tiếp tục đi uống rượu. Tối, ông trở về nhà và than đau ngực, khó thở, sau đó tử vong. Tương tự 2 trường hợp trên, ông T.V.T đau ngực, khó thở, được người nhà đưa đi cấp cứu, đến sáng 31/7 cũng tử vong tại bệnh viện. Lấy mẫu rượu kiểm nghiệm, kết quả hàm lượng methanol vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

Trên thực tế, thời gian qua, ngành chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thanh, kiểm tra và hướng dẫn cho các cơ sở SXKD rượu về quy trình công nghệ tốt, phù hợp để sản xuất rượu thủ công truyền thống, ngăn chặn tình trạng SXKD mặt hàng rượu không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn chủ quan, giữ thói quen sử dụng sản phẩm rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Do đó, để phòng tránh ngộ độc rượu nói chung, ngộ độc cồn công nghiệp methanol nói riêng, người dân cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, rõ ràng. Bên cạnh đó, sử dụng rượu, bia cần có liều lượng, tránh quá đà, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Hy vọng sẽ không ai phải trả giá đắt bằng chính mạng sống của mình chỉ vì sự chủ quan, bởi những cơ sở SXKD rượu vô trách nhiệm với sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.

TRỌNG TÍN