Canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả

17/08/2023 - 08:04

Để tận dụng thời cơ lúa gạo, nâng cao giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến cáo nông dân, hợp tác xã (HTX) thực hiện Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL, ban hành kèm theo Quyết định 73 /QĐ-TT-VPPN, ngày 25/4/2022 của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT).

Sử dụng giống lúa xác nhận trong canh tác

Một trong những khâu quan trọng của canh tác lúa là làm đất và chuẩn bị đồng ruộng. Đối với vụ đông xuân, sau khi thu hoạch lúa xong, tiến hành xới, trục đất để vùi gốc rạ, ngâm nước để phân hủy rơm rạ. Khi nước rút, dọn sạch cỏ trên bờ, dưới ruộng, trục, trạc đất, trang phẳng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước, chuẩn bị sạ. Đối với vụ hè thu và thu đông, sau khi thu hoạch lúa xong, rơm rạ trên ruộng xử lý bằng chế phẩm Trichoderma để phân hủy chất hữu cơ phù hợp với môi trường khô và ngập nước. Đất cần được cày bằng máy độ sâu từ 15-20cm, phơi ải khoảng 15-30 ngày; dùng máy xới tay trục và trạc lại cho bằng phẳng.

Trước khi cấy, sạ, phải tháo nước cho đất thoáng khí; bón 200-250kg phân lân/ha (super lân hoặc lân nung chảy), hoặc bón 300-500kg vôi/ha giúp hạ độc phèn, giảm ngộ độc hữu cơ. Nông dân tuân thủ lịch thời vụ xuống giống đồng loạt né rầy, né dịch hại của địa phương để bảo vệ năng suất, chất lượng lúa.

Cục Trồng trọt lưu ý nông dân, HTX sử dụng hạt giống cấp xác nhận; chọn giống có thị trường tiêu thụ tốt, chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi và phù hợp với canh tác của địa phương. Trước khi ngâm ủ, phải phơi hạt giống khoảng 2-3 giờ và thử độ nảy mầm; xử lý hạt giống với nước muối 15% khoảng 10-15 phút, sau đó rửa bằng nước sạch. Đối với lượng giống, khuyến cáo gieo sạ không quá 80kg/ha cho phương pháp sạ lan (bằng tay, máy phun hạt), sạ hàng hoặc không quá 60kg/ha cho phương pháp sạ theo cụm (khóm).

Nông dân cần lưu ý một số biện pháp để đảm bảo mật độ khi giảm giống lúa gieo sạ, như: Làm đất (mặt bằng, xẻ rãnh); giống xác nhận; xử lý hạt giống bằng chế phẩm sinh học; bón lót phân lân; phòng trừ cỏ thật tốt; chủ động nước (tháo kiệt nước sau khi gieo sạ, tránh chết vũng); phân bón lá tăng cường sức nảy mầm, mạ khỏe, cây mập, đẻ nhánh sớm; bón phân đợt 1 vào 7-10 ngày sau sạ (gia giảm tùy đất trồng) và đợt 2 vào 18-22 ngày sau sạ (gia giảm tùy lúa tốt, xấu); làm băng mạ để cấy dặm sớm 15-18 ngày tuổi.

Công thức bón cho 1ha lúa vụ đông xuân, hè thu là 80-100kg N + 30-40kg P2O5 + 30kg K2O; vụ thu đông là 80-90kg N + 50kg P2O5 + 40kg K2O. Nguyên tắc bón đạm (N) là nặng đầu nhẹ cuối, có gia giảm theo thực trạng cây lúa; nguyên tắc bón lân (P2O5) là bón sớm, tập trung bón lót, đợt 1, đợt 2; nguyên tắc bón kali (K2O) là tập trung cho đợt đón đòng, bổ sung cho đợt 1 (nếu cần). Đối với vụ hè thu, do dễ bị xì phèn, rất cần đợt bón lót phân lân (super, lân nung chảy) và cần bón đợt 1 sớm (7 ngày sau sạ), gia giảm tùy đất tốt, xấu.

Trong quản lý nước giai đoạn mới sạ, giữ cho đất ruộng từ se ẩm tới khô mặt 4-5 ngày sau sạ để cho tất cả các hạt nảy mầm đều, sau đó mới đưa nước từ từ vào ruộng ở mức từ 1-3cm cho cây mạ phát triển tốt. Ở giai đoạn sinh trưởng đến trổ và chín, ứng dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ để tiết kiệm nước tưới mà không ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất lúa. Về cách thức thực hiện, sau khi sạ 5 ngày cho nước vào ruộng ém cỏ (3-5cm), giữ nước đến 8 ngày bón phân đợt 1, để tự nhiên cho nước rút. Giai đoạn mạ (17-18 ngày), cho nước vô (3-5 cm), bón phân đợt 2, để nước rút tự nhiên, khi nào mực nước xuống thấp dưới mặt đất 15cm thì cho nước vào. Từ cuối đẻ nhánh hữu hiệu đến khi lúa làm đòng (30-40 ngày sau sạ), thực hiện xiết nước giữa vụ. Giai đoạn đòng (37-45 ngày), giữ nước cho lúa phân hóa đòng, đây cũng là lần bón phân rước đòng không thể thiếu nước. Giai đoạn trổ, luôn giữ mực nước trong ruộng tối đa 5cm liên tục trong vòng 1 tuần. Giai đoạn sau khi trổ, chỉ cho nước vào ruộng đủ ẩm, khi mực nước xuống thấp dưới mặt đất 15cm. Chuẩn bị thu hoạch, cho nước khô mặt ruộng 7 ngày trước khi thu hoạch (ruộng trũng tháo nước trước thu hoạch 15-20 ngày; ruộng gò tháo nước trước thu hoạch 5-7 ngày).

Khi phun thuốc phòng trừ dịch hại, nông dân cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, không phun thuốc định kỳ, ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc hóa học nhóm có độc tính thấp, an toàn cho thiên địch và môi trường; luân phiên sử dụng các nhóm hoạt chất khác nhau để hạn chế tình trạng kháng thuốc. Nông dân chỉ phun thuốc khi dịch hại đạt đến ngưỡng, phun thuốc trừ bệnh khi tỷ lệ bệnh khoảng 5-10%, phun thuốc trừ rầy khi mật số rầy nâu trung bình 1.000-1.500 con/m2.

Giai đoạn đầu, khi áp lực dịch hại còn thấp, sử dụng chế phẩm chứa vi sinh vật đối kháng phòng trị một số sâu bệnh như: Nấm xanh để trừ rầy nâu, xạ khuẩn, vi khuẩn trừ bệnh. Đồng thời, áp dụng ruộng lúa bờ hoa để thu hút thiên địch. Khi xử lý thuốc hóa học ở giai đoạn chín, nên lưu ý thời gian cách ly đúng khuyến cáo của từng hoạt chất.

Thời điểm thu hoạch lúa tối ưu nhất là khi lúa chín 85-90% bằng máy gặt đập liên hợp; đem lúa về kho để xử lý ngay. Nếu không thu gom rơm bằng máy cuộn thì phun chế phẩm nấm Trichoderma lên rơm rạ, cày đất, sau đó 7-10 ngày cho nước vào ruộng để làm đất.


HOÀNG XUÂN